Gần nhất, tiêu biểu nhất cho sự khốc liệt, tàn bạo của motif tình yêu học trò – cô giáo, bạn đọc Việt Nam có thể nghĩ ngay đến tác phẩm The piano teacher của Elfriede Jelinek (đã được Ngọc Cầm Dương dịch sang tiếng Việt với tựa Cô gái chơi dương cầm). Vậy thì Siegfried Lenz có khốc liệt tàn bạo và đẫm màu tình dục như thế không? Phút im lặng có gì riêng trong cái motif vốn đã quen thuộc trong văn chương châu Âu đương đại?
Trước khi trả lời câu hỏi đó, có thể nhắc đến một chút thông tin về thời điểm mà cuốn tiểu thuyết ngắn này được viết ra. Là một trong những đại thụ của văn học Đức đương đại, đã tạo ra sức ảnh hưởng nhất và đón đọc nhiều nhất, tác giả 14 tiểu thuyết và hàng chục cuốn tiểu luận, truyện ngắn, sách thiếu nhi…, Siegfried Lenz đột nhiên ngưng viết sau cái chết của người vợ yêu quý đã chung sống với ông 70 năm trời. Phút im lặng là tác phẩm ra đời sau giai đoạn khủng hoảng của nhà văn. Có lẽ vì thế mà cuốn sách này lặn sâu vào những hồi ức đẹp và buồn, dù không gian nghệ thuật và đời tư không thể đánh đồng. Một cuốn tiểu thuyết ngắn nhưng đầy những mạch ngầm nội tâm, là một cuộc khai phá những chiều kích không lời, đa phức trong tâm trạng con người. Có lẽ đây là điểm mới của cuốn sách, giúp nó thoát ra khỏi cái motif trò yêu cô thông thường vẫn được các nhà văn chọn viết theo chiều hướng bộc lộ, bạo liệt và quằn quại nương theo ý tưởng câu khách luôn sẵn sàng cám dỗ mọi ngòi bút thiếu bản lĩnh.
Một cô giáo trẻ gặp cậu học trò miền biển trong một lễ hội ở vùng cảng Hirtshafen trong những ngày biển đầy gió. Tình cảm giữa họ được nhen nhóm một cách thầm kín. Nhưng người đọc có thể dò được những rung động sâu xa trong cảm giác tình yêu đầu đời của cậu học trò Chriatian qua những hẹn hò, chờ đợi, khám phá và huyễn tưởng có phần ngây thơ về một đời sống chung trong tương lai với cô giáo của mình. Những rung động ấy bắt đầu từ sự gần gũi của hai kẻ đơn độc ngồi bên nhau trước biển: "Em ngồi xuống ngay cạnh cô. Sau đó đặt tay lên vai cô muốn an ủi gì đó, hay bày tỏ nỗi lòng mình. Cứ muốn dừng thế mãi, nhưng rồi em nhớ ra những bài học mà cô đã giới thiệu cho kỳ nghỉ hè, mãi vẫn không tìm được lời để trò chuyện về cuốn sách Trại gia súc, hay là hỏi cô vì sao lại chọn cuốn này vậy". Những lúng túng của cậu học trò trung học được đáp lại bằng sự chủ động từ cái nắm tay áp vào má của cô giáo và sau đó là những hẹn hò…
Và cứ thế, họ gần nhau trong kỳ nghỉ. Tiếp sau ánh mắt là nụ hôn. Là những cuộc gặp vội vàng. Là giấc ngủ bên nhau trong căn phòng nhỏ bình yên ven cảng biển. Là những lần cậu học trò bất ngờ dọ dẫm đến khám phá gia cảnh buồn tẻ của cô giáo (Stella Pertersen đang sống lặng lẽ với người cha từng là điện tín viên trên một máy bay ném bom, trải qua chiến trận khốc liệt và trở nên trầm lặng sau một tai nạn đầy ám ảnh). Và những phút lặng im khi cậu học trò tìm đến căn nhà nhưng không thể gõ cửa căn phòng cô giáo, người mình yêu.
Cái chết của cô giáo Stella đến đột ngột khi con thuyền nhỏ bị bão đánh dạt vào những bờ đá trên bến cảng. Lenz không mô tả nỗi đau đớn hay vật vã của cậu học trò trung học. Bởi, ngay cả nỗi đau đó cũng đã được lặn xuống dưới hồi ức về những khoảnh khắc đẹp mà chóng tàn, như vạt tro lạnh tan trên những đám rong biển trong buổi thuỷ táng ảm đạm.
Một cậu học trò giỏi tự tử bằng cách dùng súng tự bắn vào tim mình sau khi thi hỏng. Một cậu học trò khác theo đuổi những khoảnh khắc lặng im trong mối tình thầm kín với cô giáo, lại tự hỏi, điều đó có cần thiết hay không? Và cuộc sống là gì? Có phải bao giờ mọi thứ cũng được thể hiện trọn vẹn bằng lời nói, bằng sự tỏ bày, dù đó là sự tỏ bày thân xác?
Phút lặng im sẽ kéo dài trong cuộc đời một con người, thật dịu dàng, trong trẻo, vụng về và cũng thật sâu đậm khi người ta hiểu được những khắc nghiệt hiện sinh. Cuốn tiểu thuyết mỏng (chỉ 155 trang) nhưng đẹp đến xao xuyến.
Lưu ý: xin đừng đọc cuốn sách này trong khi đang cùng người tình rong chơi ngày hè ở biển.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN CHỌN
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn