Cuốn sách này đặt lịch sử cá nhân và lịch sử thâu tóm trong bốn thế hệ gia đình Frédéric trong mối tương quan mật thiết với lịch sử nước Pháp. Nhân vật chính, không ai khác, là một Frédéric, 42 tuổi, một nhà văn sống phóng đãng, phù phiếm, bị bỏ tù vì tội dùng ma tuý ngoài đường, một kẻ mắc bệnh quên – thứ bệnh mà theo anh, không chỉ anh, cả nước Pháp đang mắc phải. Và, việc bị bắt nhốt như một điều kiện để nhân vật tìm kiếm ký ức từ lâu thất lạc, phục hồi năng lực nhớ, làm sống lại cảm giác về tuổi thơ, cuộc đời và lịch sử gia đình: "Hãy đập lên đầu một nhà văn, sẽ không có gì bật ra đâu. Nhốt hắn lại đi, hắn liền tìm thấy ngay lại ký ức".
Khoảng 30 trang đầu của cuốn sách là một sự do dự đầy khó khăn và giày vò khi kẻ lạc ký ức cố gắng thiết lập một đường dây tìm về tuổi thơ mình – một tuổi thơ được lập trình bởi quá nhiều biến cố mang tính "đại tự sự" của đất nước (cái đất nước mà người ta không được quyền chọn, nhưng lại bị số phận ném vào).
Frédéric sinh 21.9.1965, hai mươi năm sau Auschwitz và Hiroshima, 62 triệu người chết, lệnh trục xuất, cái đói, sự nghèo, cái lạnh. Thế hệ những năm 60, 70 của thế kỷ 20 như anh trải nghiệm rõ nhất điều này: "Sau chiến tranh, mọi người trở nên phàm ăn trong vòng năm mươi năm". Một đời sống tư sản thực dụng, sự mâu thuẫn ý hệ sau chiến tranh là nguyên do dẫn tới các xáo trộn và biến cố trong gia đình tác động căn bản đến từng cá nhân. Có thể thấy, đó là lý do ông bố của Frédéric từ một kẻ mê triết học trung cổ, bản tính trầm tư bỗng nhảy sang kinh doanh, chọn lối sống xa hoa rửng mỡ. Trong khi đó, mẹ Frédéric, người đàn bà lãng mạn sau khi ly dị chồng, trải qua một cuộc tình chẳng ra gì, đã phải sống đơn thân với nghề dịch thuật, xuất bản để nuôi hai đứa con đang tuổi lớn.
Ngay trong gia đình Frédéric đã "nhiễm độc" của thứ chủ nghĩa phân biệt ý hệ và thứ hiện sinh bề mặt sinh ra từ sau cuộc chiến: ông bố đang lấy cuộc đời mình ra để thực nghiệm giấc mộng chủ nghĩa tư bản còn người mẹ thì đang kiếm tìm một thứ không tưởng về chủ nghĩa nữ quyền – "họ đã bị trừng phạt nặng nề vì muốn được tự do".
Điều này đưa đến sự bất lực không chỉ cho những đứa trẻ chưa kịp đứng vững trước những sóng gió mà gia đình mang lại, mà còn là nỗi ray rứt của thế hệ trước đó. Ông nội của Frédéric, một đại tá tham gia thập tự chinh 39 – 45 trong giờ hấp hối chỉ cầm tay cháu và khuyên nhủ: "Làm tình đi, đừng gây ra chiến tranh".
Frédéric trở thành một đứa trẻ mê sách, mê các đĩa hát vì trong không gian tĩnh lặng và có phần trầm uất đó, nó được gắn kết những kỷ niệm về một gia đình tan vỡ. Trong khi anh trai của nó, lại là một kẻ chấp nhận sự bảo bọc, uốn nắn, sống cuộc đời thật ngăn nắp thành đạt và trôi tuột.
Với Frédéric, "tuổi thơ cần phải được phát minh lại" đó thực sự là một cuộc khai quật ký ức không phải tìm về thiên đường đã mất mà đối diện với một vết thương chẳng bao giờ lành, không ngừng ám ảnh. Đó là cuộc giáp mặt với cuộc đời ông cụ "một người hùng trong gia đình nhưng là một người lính không ai biết" đã hy sinh trong chiến tranh (1915). Đó là cuộc phục sinh của ông nội, người đã tham gia cuộc thập tự chinh và không muốn cháu con đời sau quên lãng…
Frédéric Beigbeder
Sinh năm 1965, hiện sống tại Paris; là một trong những tác giả đương đại nổi tiếng nhất trên văn đàn Pháp; tác giả của các tiểu thuyết: Hồi ký một thanh niên không yên ổn, Kỳ nghỉ trong cơn hôn mê, Tình yêu kéo dài trong ba năm, Cứu với, Xin lỗi, Windows on the world… và tập tiểu luận Lần kiểm kê cuối cùng trước khi thanh lý.
Bạn đọc Việt Nam từng biết đến Beigbeder qua tiểu thuyết Best seller 99 Franc. Một tiểu thuyết Pháp từng đoạt giải Renaudot.
"Nước Pháp là một đất nước mắc chứng quên nên sự thiếu vắng ký ức của tôi là bằng chứng không thể chối cãi của quốc tịch mà tôi mang". Hội chứng mất ký ức cộng đồng đã đẩy lớp trẻ vào một đời sống được bảo bọc nhưng sống thiếu vắng những mối quan tâm nhân bản và những nền tảng giá trị, thiếu vắng mục đích, những kẻ mà ông gọi là "hình thức rỗng", những "cuộc đời không có đáy".
Trong tù, nhà văn bị bắt vì tội chơi ma tuý đã thẳng thắn đối thoại với viên cảnh sát: "Điều phải tính đến, là cách sống của chúng ta. Thay vì đánh đập các nạn nhân, hãy hỏi ông rằng tại sao lại có nhiều bọn trẻ tuyệt vọng đến thế, tại sao chúng chết vì buồn chán, tại sao chúng tìm bất cứ cảm giác mạnh nào thay vì cái số phận thảm hại của những tay tiêu thụ hay bực bội, những cá nhân bị quy chuẩn hoá, bóng ma theo khuôn mẫu, tên thất nghiệp đã được lập trình".
Tiểu sử của một cá nhân, gắn với lịch sử một gia đình và tất cả đặt trong pho sử của thời đại. Là một nhà văn đứng trong dòng chảy của xu hướng mới trong tiểu thuyết Pháp, nhưng cùng với bạn ông – Michel Houellebecq trong tiểu thuyết Hạt cơ bản – Frédéric Beigbeder qua tiểu thuyết này, là người có khuynh hướng tái tạo ký ức, đi sâu vào những tiểu tự sự, tìm mã gen từng cá nhân đặt trong những dao động nền hạt nhân gia đình, từ đó tìm thấy cái phương thức vận hành chung, đầy xộc xệch của thời cuộc, dân tộc. Trong cái lớp vỏ cười cợt bất cần hay chua chát hả hê, người đọc có thể nhận thấy những khắc khoải về những khái niệm như gốc rễ – có thể xem là cõi thiên đường đã mất trong mỗi cuộc đời con người.
"Vậy nên cuốn sách này sẽ là một cuộc điều tra về cái xám xịt, cái rỗng, một cuộc hành trình lần theo hang hốc để xuống tận đáy sự bình thường của giới tư sản, một phóng sự về sự tầm thường Pháp". Và, cuộc phục sinh ký ức, lịch sử bản thân từng cá nhân được hiểu là một cuộc tìm về gốc rễ, rường mối tồn tại: "Tôi từng mơ mình là một electron tự do nhưng người ta không thể nào tự cắt đứt vĩnh viễn khỏi gốc rễ của mình".
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN( CHỌN)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn