"Nữ hoàng cuối cùng" của nhà văn Anchee Min là phần hai của những câu chuyện chốn thâm cung bí sử về nhân vật lịch sử có thật Nữ hoàng Từ Hy Thái Hậu (Trung Quốc). Sách do NXB Văn học và Đại Việt Books ấn hành, Cty Cổ phần văn hóa truyền thông Phương Đông phát hành chính thức ra mắt đọc giả Việt Nam tháng 1-2010.
Câu chuyện lịch sử chân thật
Năm 1852, cô gái đẹp mười bẩy tuổi thuộc một gia đình danh giá nhưng đã bị bần cùng hóa của bộ tộc Yehonala đến Bắc Kinh làm thứ phi cho Hoàng tử trẻ Hàm Phong. Từ Hy, có tên Phong Lan khi còn là một cô gái, là một trong số hàng trăm phi nữ đến Hoàng cung với mục đích đơn thuần là để đẻ một đứa con trai cho Hoàng đế.
Chẳng sung sướng gì khi vào Tử cấm thành, một vùng mênh mông những cung điện và vườn hoa, do hàng nghìn thái giám điều khiển và bị vây kín trong những bức tường ở trung tâm Bắc Kinh. Triều Thanh đang mất đi nguyên khí của nó và triều đình đã trở thành một nơi hẹp hòi thiển cận mang tính bài ngoại. Vài thập kỷ trước đó, Trung Hoa đã thua trong cuộc chiến tranh Nha phiến, từ đó nó đã làm giảm thiểu việc tăng cường sức phòng thủ hoặc cải thiện những mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.
Trong phạm vi những bức tường của Tử cấm thành, những hậu quả của một bước đi lầm lỡ thường luôn luôn chết người. Là một trong hàng trăm người đàn bà ganh đua chiếm sự chú ý của Hoàng đế, Phong Lan phát hiện ra phải nắm quyền chủ động trong tay mình. Sau khi tự mình đi học nghề trong nghệ thuật làm khoái lạc đàn ông, nàng đã hy sinh mọi thứ bằng việc đút lót để tìm đường vào phòng ngủ của Hoàng đế và quyến rũ quân vương. Hàm Phong là một người đàn ông lo âu phiền muộn, nhưng có một thời gian, tình yêu của họ đắm say và thực lòng, nên chẳng bao lâu, nàng có được cái phúc lớn là sinh cho ông được đứa con trai độc nhất và là người kế vị. Được nâng niu lên bậc Hoàng hậu, Phong Lan vẫn phải đấu tranh để giữ vững địa vị của mình, trong khi Hoàng đế có những người yêu mới, quyền được nuôi dạy đứa con trai của chính mình lại bị đặt dưới quyền kiểm soát của Hoàng hậu Nuharoo, vợ cả của Hoàng đế không ngừng gây tranh cãi nghiêm trọng.
Sự xâm lược của Anh, Pháp và Nga năm 1860, và sự chiếm đóng Bắc Kinh tiếp đó, buộc triều đình Trung Hoa phải lưu vong đến miền đất giành riêng cho sắc bắn ở Nhiệt Hà ngoài vạn lý trường thành. Nơi đây, những tin tức nhục nhã bằng những ngôn từ xấc xược về hòa bình cũng làm suy giảm sức khỏe của Hoàng đế. Cùng với cái chết của Hàm Phong và tướng Yung Lu. Tướng Yung Lu đẹp trai đã ngự trị những tình cảm lãng mạn của Phong Lan còn trẻ, nhưng ở địa vị mới của mình về quyền lực, có rất ít cơ hội cho cuộc sống cá nhân. Là Đồng nhiếp chính với Hoàng hậu Nuharoo cho tới khi con trai mình trưởng thành, Hoàng hậu Phong Lan bắt đầu cuộc ngự trị lâu dài và náo loạn sẽ kéo dài tới đầu thế kỷ sau.
Tìm hiểu những bí sử chốn thâm cung
Nếu như trong "Nữ Hoàng Phong Lan" đầy rẫy những âm mưu của một triều đình già nua, cũ kỹ, cạn kiệt sinh khí, nơi đàn ông, đàn bà dẫu không muốn cũng trở thành những đối thủ cắt họng nhau, đầu độc lẫn nhau về những ý niệm mở hồ, triều đình, cung cấm, nơi quá nhiều những nghi lễ rắc rối, phiền phức, khiến con người luôn tự cảm thấy như con chuột nhắt sắp sửa sa thêm vào cái bẫy khác, trong bối cảnh nhung nhúc những thái giám mà khả năng căm hận đến ê chề, trong lòng chỉ muốn mọi người đều phải có bi kịch, cho được công bằng thì trong Nữ Hoàng Cuối Cùng, lịch sử với những thành kiến, những quan niệm sáo mòn xơ cứng, đầy rẫy những sai lầm, phải là những bi kịch nối tiếp bi kịch.
Bi kịch đầu tiên là phải điều tra những hành động tham nhũng, lộng quyền, xa hoa dâm dật trong cuộc sống của tướng Sheng Pao, tuy trong lòng day dứt " Phong Lan, không có Sheng Pao, mày đã không sống nổi", nhưng vì an nguy của triều đình và ngôi vị Hoàng đế của con trai, phải rầu lòng ra lệnh hành quyết Sheng Pao.
Tiếp đó, là gạt bỏ vai trò và địa vị của Hoàng đệ Kung, cánh tay phải của mình, vì bằng nhiều cách, Kung đang muốn hai vị Hoàng hậu nhiếp chính chỉ là những bà chị dâu không phải là những người cộng tác về chính trị, có những dấu hiệu Kung đang dần dần thâu tóm quyền lực. Nhưng bi kịch khủng khiếp nhất là việc An Thế Hải theo dõi và phát hiện ra việc Đồng Trị bị mắc bệnh
Những người thân yêu nhất đều chết bi đát, trong tuyệt vọng, từ chồng đến con đẻ, con nuôi, kể cả người đàn ông chỉ đàn ông về tinh thần, không đàn ông về thể xác làm chỗ dựa cho những khát khao, trong cơn tuyệt vọng và chỉ khi y chết mới biết yêu y biết bao. Còn người tình đích thực lúc "ngả nghiêng rạo rực, muốn dấn thân", lại đang kiềm chế trước nghi lễ, nghĩa vụ trước đức hạnh, trước sự tồn vong của triều đại và ngôi vị Hoàng đế của con mình. Mất hết và chịu đủ mọi tai tiếng trong dư luận, trên các báo trong và ngoài nước: Mụ đàn bà thâm hiểm có trái tim băng giá, con dâm phụ, con rồng cái sống cuộc đời để tìm khoái lạc… mong giữ vững triều đình, mong Trung Hoa biến đổi, nhưng rút cục vẫn không thể lay chuyển nổi một Trung Hoa mới chỉ chợt tỉnh giấc trước một tầng lớp cầm quyền hủ lậu và đồi bại.
Nguyên nhân của mọi bi kịch, mọi thất bại, đó là một chế độ không có cơ hội để tự hỏi ai thực sự là bạn của mình. Kết quả của việc không phân biệt nổi giữa chính tà và thiện ác chính là đầu óc con người chứa đầy những nỗi sợ hãi và nghi ngờ. Tất cả đều bất lực trước gánh nặng của truyền thống, sự mù quáng và ích kỷ, của quyền lực và bản thân lịch sử như tác giả đã vạch ra trong truyện.
Tuyết Minh
(Nguồn: Báo Hà Nội mới)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn