"Sống từng ngày" là những trang hồi ký của tác giả người Đức Benjamin Prufer về câu chuyện tình giữa anh với người vợ Campuchia, một thiếu nữ thất học, sống bám vào các vũ trường, từng phải bán thân để nuôi sống cả gia đình.
Nước Đức năm 2003, một chàng trai trẻ mới bước vào nghề báo bất chợt nhận ra sự nhàm tẻ của cuộc sống thường ngày, của không khí văn phòng ngột ngạt và những tấm thảm trải sàn được hút bụi sạch sẽ, vậy là Benjamin – tên chàng trai – quyết định khoác ba lô lên vai và thẳng tiến tới Đông Nam Á trong chuyến nghỉ phép dài ba tháng.
Tại Phnom Penh, anh làm quen với Sreykeo trên sàn nhảy như bao anh chàng Tây ba lô với các cô gái bán hoa khác. Nhưng rồi đôi chút khác thường đã níu họ lại với nhau, và đưa cuộc tình ấy đi xa hơn họ tưởng, cho đến một ngày anh nhận được tin Sreykeo bị nhiễm HIV.
Vượt qua những trở ngại về văn hóa, lối sống, tập quán, thậm chí cả sự thiếu thốn triền miên về tiền bạc, Benjamin đã đồng hành cùng Sreykeo, để giành lại nàng từ hố sâu của bệnh tật, mặc cảm, để hiện thực hóa giấc mơ được có gia đình riêng của Sreykeo, và làm nên kết cục có hậu cho câu chuyện tình khó tin, nhưng có thật này.
Một nhà báo sinh ra và lớn lên ở một trong những quốc gia phát triển nhất châu Âu, một cô gái thất học nơi tận cùng thế giới, người chỉ tin vào số mệnh, những linh hồn, mang bệnh AISD trong máu và không có chút kiến thức nào về căn bệnh này. Vậy điều gì đã kết nối họ với nhau?
Sreykeo thì giải thích nhân duyên giữa họ theo cách riêng: thần linh đã lắng nghe lời khấn nguyện của cô. Một người Đức như Benjamin có lẽ không hoàn toàn tin vào điều ấy. Còn độc giả, qua từng trang sách, nhận ra rằng, có lẽ vẻ đẹp thô mộc, tấm lòng yêu thương đến từng tạo vật nhỏ bé nhất và đặc biệt là khao khát mãnh liệt có một gia đình, khao khát được nhìn nhận như một con người của Sreykeo đã níu chân Benjamin, khiến anh sẵn sàng hy sinh và chịu đựng để được ở bên nàng.
Benjamin, với bản tính Đức, khiếu hài hước và cả sự can đảm của một phóng viên tự do, hầu như không để lộ một dòng buồn thương bi lụy nào trên trang tự truyện của mình, thay vào đó là lớp lớp những chi tiết hài hước khi anh đóng giả làm nhân viên của tổ chức phi chính phủ để tìm nguồn thuốc tin cậy cho bạn gái, khi anh lần đầu hồi hộp đưa nàng vào nhà hàng McDonald’s, khi anh hoảng hốt đi tìm để rồi rốt cục thấy nàng ngồi vắt vẻo trên nóc xe buýt vì không chịu được mùi máy lạnh khét lẹt bên trong… đã đem lại cho cuốn sách một giọng điệu hài hước đặc biệt.
"Sống từng ngày" là những trải nghiệm sâu sắc của một thanh niên Châu Âu trên hành trình tìm kiếm kinh nghiệm sống tại một trong những vùng đất xa xôi tại Đông Nam Á. Benjamin mở ra trước mắt người đọc thế giới của dân du lịch bụi, thế giới của Tây ba lô, với tất cả những mặt tốt xấu, những giới hạn mong manh giữa sự sa ngã và trải nghiệm, giữa tự do đích thực với đời sống trụy lạc, giữa tình yêu với cuộc truy tầm khoái lạc thể xác đơn thuần và dung tục
Bên cạnh đó, cuốn sách còn là những dòng ghi chép chân thực về thân phận khốn cùng của hàng ngàn cô gái quê Campuchia lên thành thị chỉ với ba lựa chọn: công nhân, bồi bàn hoặc gái mại dâm và lựa chọn nào cũng đưa họ đến những kết cục bi thảm: bị bóc lột, bị cưỡng bức, bị gia đình ném ra đường và xã hội gạt ra lề khi không còn giá trị theo quan niệm của dân bản xứ: “Người Khmer phân biệt giữa phụ nữ trắng và đen một cách đơn giản. Phụ nữ trắng là người trong trắng đến đêm tân hôn. Ai chưa có chồng mà mất trinh, người đó mất phẩm giá và không còn chỗ đứng trong xã hội. Không thể cười xin, trừ phi làm vợ hai. Đó là phụ nữ đen – không có chồng thì không thể có một gia đình, và không có gia đình thì hết tất cả”.
Song Minh
(Nguồn: Báo Lao động)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn