Giới thiệu sách ISO 9000 – Tài Liệu Hướng Dẫn Thực Hiện – Tái bản 2006
ISO” là chữ viết tắt của “International Organization for Standardization” (Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế). Cơ quan này được thành lập năm 1946 với sự tham gia của gần 100 nước, nhằm mục đích soạn thảo một số tiêu chuẩn chung về sản xuất, kinh doanh và truyền thông. Hệ tiêu chuẩn ISO 9000 bao gồm các tiêu chuẩn được kí hiệu là ISO 9000, ISO 9001, ISO 9002, ISO 9003, ISO 9004 cùng với một hệ thống thuật ngữ mang kí hiệu ISO 8402.
Ra đời từ năm 1987, hệ tiêu chuẩn quản lý các hệ thống chất lượng ISO 9000 không chỉ là một biến thể của các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, mà cùng với những hệ tiêu chuẩn liên quan, sẽ trở thành một thứ “keo dính” đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như nhũng hiệp định thương mại giữa các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh những sáng kiến và giải pháp tình thế như cắt giảm lao động, sử dụng “ngoại lực” cải tiến quan hệ “cung – cầu”… người ta đã nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng những quy trình tổ chức, quản lý và tác nghiệp vừa đơn giản vừa hữu hiệu được đề cập trong ISO 9000.
Việc thực hiện và đăng kí chính thức ISO 9000 có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp trên các phương diện tiếp thị, đối tác cung cầu, hoạt động nội bộ.
Từ những năm 90, nhiều nước trên thế giới đã có một cơ sở công nghệ và kinh tế phát triển, đủ sức cạnh tranh một cách có hiệu quả trên thị trường toàn cầu. Những tiêu chuẩn mang tính đặc thù của từng công ty hoặc từng quốc gia đã trở thành những hàng rào thương mại phi thuế quan. ISO 9000 chính là một kết quả tự nhiên và tất yếu của nền kinh tế toàn cầu. Mục đích ban đầu của ISO 9000 là góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế.
Nguyên lý cơ bản của ISO 9000 là ở chỗ bên cạnh các đặc trưng kĩ thuật dùng làm tiêu chuẩn đối với sản phẩm, cần áp dụng các tiêu chuẩn về hệ thống chất lượng (hệ thống quản lý). Đó là những vấn đề tuy tách biệt nhưng lại bổ sung cho nhau.
ISO 9000 bao gồm những tiêu chuẩn riêng về các hệ thống quản lý và không hề liên quan đến các đặc trưng kĩ thuật của sản phẩm, nó được sử dụng để xây dựng và vận hành các hệ thống quản lý, nhằm mục đích thiết kế sản xuất, chuyển giao và hỗ trợ sản phẩm của mình. Mục đích cuối cùng của ISO 9000 là tạo nên và đảm bảo chất lượng sản phẩm thông qua hoạt động của hệ thống quản lý của tổ chức.
ISO 9000 được áp dụng trong nhiều khu vực kinh tế, và trong các cơ quan điều hành của nhà nước. Nó nêu ra những yêu cầu cần đạt được trong hệ thống quản lý của một tổ chức nhưng không diễn giải phương pháp thực hiện. Chính vì vậy, ISO 9000 được áp dụng rất rộng rãi.
Mỗi tổ chức đều có thể toàn quyền định đoạt mức độ áp dụng các yêu cầu và phương châm của ISO 9000 cho hệ thống quản lý của mình.
Hiện nay, người ta thường dùng từ “quản lý chất lượng” để biểu thị các hoạt động nội tại của tổ chức như hoạch định, kiểm tra, cải tiến chất lượng nhằm những mục đích nội tại. Còn từ “đảm bảo chất lượng” được dùng để biểu thị các hoạt động liên quan đến việc kiểm định bởi một bên thứ hai (khách hàng) hoặc một bên thứ ba (như cơ quan kiểm định chẳng hạn).
Mặt khác, các từ “hệ thống chất lượng”, “hệ thống quản lý” và “hệ thống quản lý chất lượng” là những thuật ngữ thường dùng với cùng một ý nghĩa cơ bản, trong đó thuật ngữ đầu tiên đã được định nghĩa chính thức trong ISO 8402, thuật ngữ thứ hai thường được sử dụng trong hoạt động kinh doanh, còn thuật ngữ thứ ba ngày càng được nhiều người sử dụng để nói về hệ thống quản lý của một tổ chức khi người ta chú trọng đến hoạt động chung và sản phẩm của tổ chức trên những phương tiện liên quan đến những mục tiêu chất lượng của tổ chức.
Hệ tiêu chuẩn ISO 9000 cung cấp những thông tin cần thiết cho việc xây dựng một hệ thống chất lượng hữu hiệu trong tổ chức. Mặt khác, nó nêu lên những yêu cầu về hệ thống chất lượng mà khách hàng hoặc một bên thứ ba thay mặt khách hàng có thể dùng làm căn cứ để đánh giá hệ thống chất lượng của bên cung ứng.
Mục Lục:
Mở đầu
Họ tiêu chuẩn ISO 9000
Những vấn đề liên quan đến áp dụng ISO 9000
Chương 1: Tổng quan về hệ tiêu chuẩn ISO 9000
Chương 2: Tiêu chuẩn ISO 9001
Điều khoản 4: Những yêu cầu của hệ thống chất lượng
Chương 3: Đăng ký và lựa chọn cơ quan đăng ký
Lựa chọn cơ quan đăng ký như thế nào?
Các bước trong quá trình đăng ký
Chương 4: Quy trình kiểm định chất lượng nội bộ
Chương 5: Hướng dẫn thực hiện ISO – 9000
Chương 6: Tài liệu giải trình hệ thống chất lượng
Phụ Lục 1: Mẫu sổ chất lượng
Phụ Lục 2: Các mẫu thủ tục
Phụ Lục 3: OSP 10013: Hướng dẫn lập sổ chất lượng
Chương 7: Áp dụng ISO 9000 cho các tổ chức dịch vụ
Áp dụng ISO 9000 cho ngành xây dựng.
Mời bạn đón đọc.