Haruki Murakami
Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto và hiện đang sống ở Boston, Mỹ, là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến …
- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Mùa xuân năm hai mươi hai tuổi, Sumire yêu lần đầu tiên trong đời. Một tình yêu mãnh liệt, một cơn lốc xoáy thực sự quét qua các bình nguyên – san phẳng tất cả những gì nó gặp trên đường, tung mọi thứ lên trời, xé chúng ra từng mảnh, nghiền nát thành từng miếng. Cơn lốc không hề giảm cường độ khi băng qua đại dương, biến Ăngko Vat thành đồng hoang tàn, thiêu cháy rừng già Ấn Độ với hổ báo và muôn loài, rồi biến thành cơn bão cát sa mạc vùng vịnh Ba Tư, chôn vùi cả một thành phố pháo đài kỳ lạ dưới biển cát. Tóm lại, đó là một tình yêu thực sự vĩ đại. Người Sumire đem lòng si mê hoá ra lớn hơn cô mười bảy tuổi. Đã có gia đình. Và, phải nói thêm, là phụ nữ. Đây là nơi tất cả bắt đầu, và là nơi tất cả kết thúc. Gần như tất cả.
“…Ngay khoảnh khắc Miu chạm tay vào tóc cô, Sumire đã yêu, giống như cô đang băng qua một cánh đồng thì đùng! một tia sét giáng thẳng xuống đầu cô. Một điều gì đó giống như một mặc khải nghệ thuật. Do vậy, khi đó Sumire chẳng thấy có gì đáng quan tâm trong việc người cô yêu tình cờ lại là một phụ nữ.
Sumire gật đầu ngay tắp lự. Thậm chí cô không cần phải nghĩ ngợi về điều đó. Xét cho cùng, thời gian rảnh rỗi là tài sản chủ yếu của cô.
“Vậy thì sao chúng ta không ăn trưa cùng nhau nhỉ? Chị sẽ đặt một bàn yên tĩnh ở nhà hàng gần đây,” Miu nói. Chị cầm ly rượu vang đỏ người hầu bàn vừa rót, chăm chú ngắm nghía, hít ngửi hương thơm rồi lặng lẽ uống ngụm đầu tiên. Cả chuỗi cử động đó toát lên vẻ thanh nhã tự nhiên như một đoạn cadenza được người nghệ sĩ dương cầm trau luyện nhiều năm.
“Rồi chúng ta sẽ bàn kỹ hơn. Hôm nay chị thấy rất vui. Em biết đấy, chị không chắc nó được nhập từ đâu nhưng loại rượu Bordeaux này cũng không phải tồi lắm.”
Sumire giãn nét mặt và hỏi thẳng Miu: “Nhưng chị chỉ mới gặp em, và chị gần như chưa biết gì về em.”
“Đúng vậy. Có lẽ chị chưa biết,” Mui thừa nhận.
“Vậy tại sao chị nghĩ em có thể giúp chị?”
Miu lắc rượu trong cốc. “Chị luôn trông mặt mà bắt hình dong,” chị nói. “Nghĩa là chị thích khuôn mặt em, thích cách em nhìn.”
Sumire cảm thấy không khí xung quanh đột nhiên loãng ra. Bầu vú căng lên dưới làn áo. Cô máy móc vớ cốc nước và uống cạn một hơi. Người hầu bàn có bộ mặt diều hâu lặng lẽ bước nhanh đến phía sau cô và rót nước lạnh vào chiếc ly không. Tiếng đá lanh canh vang lên trong tâm trí rối bời của Sumire nghe như tiếng lầm bầm rên rỉ của một tên trộm đang nấp trong hang…”.
– “Siết chặt trái tim bạn ngay từ những dòng đầu tiên” – Los Angeles Magazine
– “Xót xa… vừa bí ần vừa lãng mạn… một câu chuyện thấm thía về tình yêu không được đền đáp… Nếu thích Rừng Na-uy, chắc chắn bạn cũng sẽ thích cuốn tiểu thuyết này” – AsainWeek.
– “Một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhẹ tựa lông hồng nhưng cũng buồn đến nao lòng” – Sunday Herald.
Mời bạn đón đọc.
"Gặp lại" nhà văn Haruki Murakami
Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng thế giới Haruki Murakami, người đang gây "sốt" tại Việt Nam với các tác phẩm như Rừng Na uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển… vừa trở lại với độc giả nước ta qua cuốn tiểu thuyết thứ tám của ông, Người tình Sputnik.
Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng thế giới Haruki Murakami, người đang gây "sốt" tại Việt Nam với các tác phẩm như Rừng Na uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển… vừa trở lại với độc giả nước ta qua cuốn tiểu thuyết thứ tám của ông, Người tình Sputnik.
Được viết sau cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót và trước cuốn Kafka bên bờ biển – hai tác phẩm "nặng ký" của Murakami – Người tình Sputnik là một cuốn tiểu thuyết không quá dài, nó như là một khoảng trầm giữa hai đợt "tăng tốc" của Murakami.
Đây là tác phẩm đầu tiên Murakami đề cập đến vấn đề đồng tính nữ. Câu chuyện được kể lại qua lời của K, một giáo viên tiểu học có cuộc sống khá trầm lặng, khép kín, chỉ có sách, nhạc cổ điển, và một cô bạn gái kỳ quặc mà K thực sự yêu tên Sumire. Nhưng người Sumire đem lòng si mê lại lớn hơn cô mười bảy tuổi, đã có gia đình… và là một phụ nữ.
Với Người tình Sputnik, Murakami một lần nữa gợi lên một nỗi buồn da diết về sự cô đơn, về tình yêu và sự mất đi của tình yêu cũng như hành trình tìm kiếm vô vọng cái tôi đích thực của con người. Qua tiểu thuyết này, người đọc sẽ bắt gặp lại những hình ảnh quen thuộc thường có ở các tác phẩm khác của nhà văn, đó là sự tương tác giữa hiện thực và hư vô, những chi tiết siêu hình cũng như các ẩn dụ quen thuộc như giếng cạn, mèo…
Người tình Sputnik được NXB Hội Nhà Văn và Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành.
D.B
(tổng hợp)
Nguồn: Báo Thanh Niên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Người tình Sputnik
Người tình Sputnik (tiểu thuyết của Haruki Murakami, bản dịch của Ngân Xuyên). Một chuyện tình vừa phi thực vừa rất thực. Những con người đầy cá tính với nhu cầu yêu đương bình thường đã không thể là những người bình thường bởi những gì mà họ không thể tự định đoạt.
Người tình Sputnik (tiểu thuyết của Haruki Murakami, bản dịch của Ngân Xuyên). Một chuyện tình vừa phi thực vừa rất thực. Những con người đầy cá tính với nhu cầu yêu đương bình thường đã không thể là những người bình thường bởi những gì mà họ không thể tự định đoạt.
Một cô gái hai mươi hai tuổi và một bạn trai cùng trang lứa, cùng một thiếu phụ ba mươi chín tuổi, cả ba hợp lại để tạo thành câu chuyện cực kỳ hấp dẫn, mở rộng biên độ của trí tưởng tượng, của khả năng nhìn thấu vào phần sâu thẳm của con người…
T.Đ
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Những vệ tinh cô đơn trong vô tận
Một lần nữa bạn trở lại thế giới của Haruki Murakami mà có thể bạn đã hân hoan với Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển, với vô số truyện ngắn… Cái thế giới dường như ma ảo lại dường như thực hơn cả thực tại.
Một lần nữa bạn trở lại thế giới của Haruki Murakami mà có thể bạn đã hân hoan với Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển, với vô số truyện ngắn… Cái thế giới dường như ma ảo lại dường như thực hơn cả thực tại.
Sputnik? Vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới do Liên Xô phóng đi vào năm 1957, rồi cùng năm đó Sputnik II mang theo chú chó Laika. "Con tàu vệ tinh nhân tạo lao đi êm như ru xuyên qua bóng tối vũ trụ. Đôi mắt đen long lanh của chú chó dán vào ô cửa sổ nhỏ xíu. Trong sự hiu quạnh vô tận của không gian, Laika có thể nhìn thấy gì?".
Và Người tình Sputnik? Sumire là cô gái 22 tuổi. Cô yêu Miu – một thiếu phụ lớn hơn cô 17 tuổi, và cô gọi Miu là người tình Sputnik. Nhưng chính cô mới là người xoay quanh quỹ đạo của Miu, thờ ơ với mối tình vô vọng của người bạn trai K..
Sumire muốn thành nhà văn. Cô đang viết tiểu thuyết. Nhưng cô cảm thấy bấp bênh, cô độc. "Giống như không còn trọng lực nữa và tớ trôi dạt trong không trung, không biết mình đang đi về đâu".
Các nhân vật trôi dạt trong cả không gian thực cũng như không gian ảo.
Sumire mất tích. Bỗng dưng mất tích. Huyền bí. Trên một hòn đảo Hi Lạp nhỏ. Như đơn giản "từ bên này sang bên kia", dường như đi xuyên qua một cánh cửa bình thường. Và Sumire yêu Miu ở phía bên này và cũng yêu Miu nhiều như thế ở phía bên kia.
Một không gian ảo nữa là chuyện về Miu và vòng đu quay. Lúc Miu 25 tuổi, một mình lưu lại ở một thị trấn nhỏ ở Thụy Sĩ. Mắc kẹt trong vòng đu quay ở công viên, dùng ống nhòm nhìn vào phòng mình. Thấy chính mình đang ở trong phòng, trong vòng tay của một người đàn ông Latin cao lớn, đẹp trai.
Nhưng các nhân vật đó, và cả K. nữa, đều cô đơn, đều trôi dạt trong không gian, trong bóng tối, trong vô tận.
Họ có chạm phớt nhau đi nữa để rồi lại xa nhau, lại biến mất.
Như trong tiểu thuyết.
Như trong đời sống.
Nhật Chiêu
(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Là tình yêu hay là bạn đồng hành?
Cái kết mà Murakami dành cho Người tình Sputnik có thể khiến mọi người hẫng hụt, chao đảo hoặc thất vọng. Nhưng không thể không phục cái cách Murakami dẫn dắt người đọc – từng chi tiết, từng câu chữ…, để rồi khi đọc hết trang cuối cùng, đã phải khiến cho những ai đọc cuốn sách này không nguôi nghĩ về các nhân vật trong truyện.
Cái kết mà Murakami dành cho Người tình Sputnik có thể khiến mọi người hẫng hụt, chao đảo hoặc thất vọng. Nhưng không thể không phục cái cách Murakami dẫn dắt người đọc – từng chi tiết, từng câu chữ…, để rồi khi đọc hết trang cuối cùng, đã phải khiến cho những ai đọc cuốn sách này không nguôi nghĩ về các nhân vật trong truyện.
Sumire còn sống hay đã chết?
Cô trở về lại Nhật Bản từ hòn đảo hoang vu ở Hy Lạp và đã gọi điện thoại cho K, hay đó chỉ là một cơn mơ trong vô số những cơn mơ mơ tỉnh tỉnh của K từ ngày Sumire mất tích, bỏ anh mà đi?
Miu sẽ sống như thế nào, tiếp tục yêu một cô gái trẻ khác từ ánh nhìn đầu tiên như với Sumire hay đang sống như một người đã chết mà K bất chợt nhìn thấy trên đường phố đông – “một cái vỏ rỗng với mái tóc bạc trắng” không thèm nhuộm lại, điều mà trước đây cô sợ trưng ra cho mọi người thấy nhất?
Cuộc sống của những-người-ở-lại: K, Miu chắc chắn sẽ không dễ dàng gì hơn người-ra-đi là Sumire… Murakami rất tỉnh táo khi từ trang đầu tiên đã “bài binh bố trận” bằng những chi tiết tưởng như những cơn mê sảng của các nhân vật – không đầu không cuối, vụn vặt, thừa thãi, mà đầy ẩn dụ, để rồi đùng một cái cắt ngang câu chuyện ở một cái kết nhiều suy ngẫm như thế. Viết như vậy ông mới là “nhà văn lớn không chỉ của Nhật Bản mà của thời đại” – như lời nhiều nhà phê bình văn học trên thế giới dành cho Murakami.
Khi đã tuyệt vọng trong việc tìm kiếm Sumire, Miu trở về lại cuộc sống thường nhật của mình và cô sống như “một cái vỏ rỗng”. Cái còn lại phía sau Miu không phải là cuộc sống, mà là sự thiếu vắng cuộc sống; không còn hơi ấm của sự sống mà là sự im lặng của ký ức.
K, người đàn ông yêu đơn phương Sumire, dù biết Sumire đồng tính, chỉ yêu mỗi người phụ nữ hơn cô mười bảy tuổi tên Miu, đã sống trong mơ suốt quãng thời gian còn lại, khi Sumire mất tích. K đã nhìn thấy Sumire trong những cơn mơ bất chợt mỗi đêm thức giấc và anh nối giấc mơ ấy với thực tại “bằng cùng một sợi chỉ”.
Vết thương tình yêu trong K đã chảy máu – như câu viết “Bạn đã bao giờ thấy ai đó bị bắn mà không chảy máu?” đã ám ảnh Sumire – nhưng cả anh, Miu, lẫn sự biến mất của Sumire – theo cái cách “yêu” mà cô cho là cô sẽ “chảy máu” khi lần đầu tiên dám nói thẳng với Miu về tình yêu của mình dành cho Miu – đã “không có vết nào, không có mùi máu, không có máu đông”.
Chắc hẳn MÁU, theo cách lặng lẽ riêng của nó, đã THẤM vào trong…
Thạch Đăng
(Nguồn: Báo SGTT)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn