Sự kết hợp khéo léo, táo bạo giữa tiểu thuyết – từ điển – dư địa chí đã cho thấy sự sáng tạo và phông văn hóa sâu rộng của tác giả. Tác phẩm đã đưa người đọc vào hành trình khám phá sự kì diệu và biến ảo không cùng của ngôn ngữ, vượt ra khỏi sự dẫn dắt của các tuyến nhân vật, các tuyến sự kiện, và kết cấu.
Tác phẩm được chia thành nhiều tiểu đoạn tương ứng với các đoạn giải nghĩa từ. Cái còn lại chỉ là những chi tiết được liên kết bằng trí tưởng tượng để tạo ra một bức tranh toàn cảnh về truyền thống, phong tục, các sinh hoạt văn hóa của cư dân thôn Mã Kiều. Qua đó độc giả có thể hình dung về bối cảnh của nông thôn Trung Quốc trong thời đại cách mạng văn hóa.
Dưới góc độ một cuốn từ điển, Hàn Thiếu Công đã tiến hành khảo sát hệ thống phương ngữ của người dân Mã Kiều. Nhà văn tìm mối liên hệ giữa các từ ở nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Hán, Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và chỉ ra sự khác nhau trong quan niệm và cách sử dụng các từ đó ở từng dân tộc.
Theo ông, "quá trình lí giải một từ không chỉ là quá trình hiểu biết mà còn là quá trình cảm nhận, không tách rời môi trường sử dụng từ ngữ, cùng hình ảnh cụ thể, sự thật cụ thể. Những điều ấy sẽ quy định phương hướng lý giải từ ngữ".
Cái hấp dẫn, thú vị của cuốn từ điển này là nhà văn đã chỉ ra được sự khác biệt về ý nghĩa và hoàn cảnh sử dụng của một số từ trong quan niệm của người Mã Kiều so với ngôn ngữ phổ thông. Họ dùng từ "bằng lòng" cho vạn vật dưới gầm trời này, tựa hồ thứ gì cũng có tình cảm, cảm xúc cả. Họ nói với nhau: "Cái thuyền bằng lòng đi", "Nhà tôi bằng lòng cháy"…Thậm chí có rất nhiều từ được người dân Mã Kiều hiểu theo nghĩa trái ngược với vốn từ toàn dân: "Tỉnh" theo nghĩa phổ thông là chỉ lý trí và sự thông tuệ nhưng người Mã Kiều dùng từ này để nói về việc làm ngu ngốc, dại dột.
Hàn Thiếu Công cũng làm sáng tỏ mối liên hệ khăng khít giữa văn hóa và ngôn ngữ thông qua cách nói của người dân thôn Mã Kiều. Bởi cái gốc rễ nghèo đói và thiếu ăn triền miên mà người dân Mã Kiều không nói đồng tông, đồng tộc, đồng bào. Anh em ruột thì được gọi là "anh em cùng nồi", vợ cả thì gọi là "vợ nồi trước", vợ lẽ thì gọi là "vợ nồi sau", nghi lễ "đặt nồi" cũng là nghi lễ quan trọng nhất trong ngày cô dâu về nhà chồng. Cũng vì lí do này mà nhóm từ chỉ vị giác của người Mã Kiều duy chỉ có từ "ngọt""kẹo".
Khác với các cuốn từ điển mà ý nghĩa các từ luôn được làm rõ bằng các khái niệm cụ thể, Hàn Thiếu Công đưa vào trong cuốn từ điển của mình những từ mà ý nghĩa của nó không rõ ràng. Nghĩa của những từ này được hiểu trên phạm vi rộng và gắn với từng ngữ cảnh cụ thể. Nhà văn không đưa ra một sự lí giải rõ ràng cho cụm từ "xàng lư líu" mà chỉ đưa ra hoàn cảnh sử dụng: gai góc trong bụi cũng gọi là xàng lư líu, con trai con gái trêu ghẹo nhau cũng là xàng lư líu,… Nhằm làm rõ sự chi phố của yếu tố đồng đẳng về thời gian trong việc sử dụng ngôn ngữ, tác giả không dừng lại ở việc tìm hiểu ngôn ngữ trong bối cảnh đồng đại mà còn xét đến từ nguyên của chúng.
Cái vốn phong phú mà nhà văn khai thác về vốn từ nguyên chính là ở văn thơ cổ. Để lí giải về từ "hồ" (cháo loãng), Hàn Thiếu Công dẫn Kinh Thi – Tiểu Nhã "Hoặc dĩ kỳ tửu, bất dĩ kỳ tương (hồ)" và Hán Thư – Bào tuyên truyện "tương tửu hoắc nhục". Các câu thơ trên đều cho thấy hồ (cháo loãng) là món ăn dành cho người nghèo. Đây cũng là món ăn phổ biến của người Mã Kiều.
Theo Hàn Thái Công, sự giao tiếp của người với người cũng chính là sự giao lưu của các cuốn từ điển mà để hiểu nhau thì người này phải hiểu từ điển của người kia. Từ điển Mã Kiều cũng được tạo ra với mục đích để những người phương xa hiểu hơn về lời ăn tiếng nói của người Mã Kiều. Song không chỉ là một khảo cứu công phu, chi tiết và thú vị về ngôn ngữ mà Từ điển Mã Kiều còn là một tổng tập lịch sử, văn hóa, xã hội.
Nhà văn đã tái hiện rất chi tiết ngày lễ mùng 3 tháng 3 hàng năm của người Mã Kiều. Đây có thể coi là lễ xuống đồng của họ. "Trong những ngày ấy, mọi người đều mài dao, nhà nào cũng có tiếng mài xoèn xoẹt làm kinh thiên động địa, cây lá trên rừng phải run rẩy vì những âm thanh ấy".
Cũng có khi người đọc lại hình dung ra không gian của những buổi hát đối, những đám cưới, đám tang,…của người dân Mã Kiều. Những quan niệm truyền thống của người Mã Kiều còn mang đậm dấu ấn của văn hóa phồn thực: cửa tháng, đất ông, ruộng bà, hát ghẹo,…
Tồn tại song hành với đời sống, Từ điển Mã Kiều là "Bản giao hưởng số phận" của những con người ngày ngày sử dụng ngôn ngữ ấy. Nhà văn gắn chặt ngôn ngữ với cuộc sống của người dân. Sự xuất hiện các từ ngữ huyễn hoặc, mơ hồ, huyền ảo: "bà mộng", "hồn phiêu", "oa vi" (tinh khí của người chết) tạo nên những câu chuyện tựa hồ như truyền thuyết và mang yếu tố kì ảo của văn chương hiện đại: Diêm Tảo- người độc hơn rắn độc, Đan Tử gặp lại tiền kiếp của mình là Thiết Hương hay Mã Tử Nguyên còn nửa cái đầu mà vẫn ngồi đan giày cỏ ở đầu hè…
Những số phận bi thảm của mọi tầng lớp người dân ở thôn Mã Kiều từ Mã Bản Nghĩa- bí thư chi bộ, đến Mã Minh- kẻ hoàn toàn bị tước đoạt số phận là một con người đều được tác giả ghi lại trong thời kỳ chao đảo của cách mạng văn hóa.
Mảng tối của cách mạng văn hóa được phơi bày như một lí do đẩy nhiều con người tới bi kịch, tới những cái chết nhục nhã và không thể kêu oan. Sự quy chụp điạ chủ, Hán gian vô căn cứ đẩy những nạn nhân vô tội vào vòng lao lí, bị phân biệt đối xử, bị tước đoạt mọi quyền lợi, phải sống một đời câm lặng, thua thiệt. Người ta trở nên cay độc và tàn nhẫn với chính đồng loại của mình.
Số phận của những người bần nông, dù thoát khỏi vòng lao lý và không bị phân biệt đối xử nhưng cũng chẳng khá hơn. Họ bị chôn vùi trong cái bần cùng, lạc hậu, u mê tựa hồ như sự gặp lại cái xã hội mà AQ của Lỗ Tấn đã sống.
Cái đích cuối cùng mà Hàn Thiếu Công vươn tới chính là phản ánh bản chất đen tối, thối nát của cách mạng văn hóa, những chính sách đã kéo tụt sự phát triển của đất nước Trung Hoa trong những năm cuối thế kỷ XX. Và với cuốn sách không quá dày dặn, tác giả Hàn Thiếu Công đã giúp chúng ta hiểu cuộc đời một con người dài thế nào và cũng ngắn ngủi đến thế nào.
Thảo Trần – Đình Khôi
(Nguồn: Tuần Việt Nam)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn