Giới thiệu sách Mặc Cảm Của Đ. (Tiểu Thuyết)
Mặc Cảm Của Đ. (Tiểu Thuyết):
“Này, cậu cho mình biết đi, lần đầu tiên cậu biết trên đời này có người đồng tính luyến ái là khi nào vậy?
– Đó là khi – chờ chút nhé để mình tính lại đã – hình như đó là hồi mình hai mươi lăm tuổi.
– Cậu chắc vậy chứ? Hai mươi lăm? Muộn vậy hử?
– Mặc à, cậu chẳng thay đổi tí gì cả, vẫn cứ cái thói ranh ma đặt ngón tay vào vết thương của kẻ khác. Cậu biết đấy, mình yếu đuối như mọi đàn bà bốn mươi tuổi trên đời này.
– Mình nghĩ ít ra là có thể làm dịu được nỗi đau, nếu như vết thương chưa lên da non. Bây giờ, nếu cậu muốn, cậu hãy coi cuộc nói chuyện điện thoại đường dài gần nghìn cây số này như là một buổi chữa bệnh bằng phân tâm học miễn phí.
– Cắt đứt ngay đây này, Mặc. cậu gọi để chúc mừng sinh nhật, ô kê, mình rất cảm động. Cảm ơn cậu. Nhưng đừng có giở trò ngớ ngẩn ra ở đây. Đâu có còn như thời đi học với nhau nữa. Bây giờ mình là bà góa, hơn nữa lại là người làm công việc chăm sóc tử thi.
– Một từ cực hay! Chăm sóc tử thi. Mặc dù mình chẳng biết tí gì về nghề đó, nhưng chỉ nghe tên gọi là mê rồi. Như là với một số phim ấy, yêu và thích phim trước khi được xem phim.
– Thì sao nào?
– Hà cớ gì mà cậu lúc nào cũng cứ cảnh giác đề phòng nhỉ? Cậu biết không, gì thì gì mình cũng giữ kín mọi điều cậu nói ra. Một nhà phân tâm học cũng như một cha cố không khi nào được đem bí mật của người xưng tội nói ra với mọi người. Vấn đề ý thức bí mật nghề nghiệp. Hãy tin mình đi, nói ra chỉ có lợi cho cậu thôi. Thử coi.
– Nói cái lần đầu mình biết có chuyện đó hử?
– Đúng, thế, nói về những người đồng tính luyến ái. Hình như cậu sợ từ đó hả?
– Trước khi mình hai mươi lăm tuổi, chưa khi nào mình được nghe nói đến từ đó.
– Lần đầu tiên nghe đến là khi nào, cậu nhớ không?
– Có… đó là khoảng hai mươi năm trước khi chúng mình cưới nhau, nhưng anh Kiên với mình, hai đứa đã hứa hôn rồi. Anh ấy dạy tiếng Anh ở trường trung học. Bữa đó là thứ bảy, vào thời đó, ngày thứ bảy cũng làm việc. Anh ấy tới đón mình ở nhà xác vào khoảng sáu giờ chiều. Mình ngồi phía sau bóp ba ga của anh ấy như mọi bận. Anh ấy đạp xe…”.
Mục Lục:
Phần thứ nhất: Đường bay của một tinh thần hiệp sĩ
Một ông học trò của Freud
Tấn kịch trước đêm hợp cẩn của cô nàng chăm sóc tử thi
Những ván mạt chược
Mô hình máy bay
Cái bơm
Chẩn trị phân tâm học lưu động
Bà đầm thép ở chợ lao động.
Phần thứ hai: Vẫn đang đêm
Xe vận tải nhỏ chở hàng ban đêm
Vào lúc hai giờ sáng
Khu chung cư tên là ánh sáng
Bánh bột đã chín.
Phần thứ ba: Tiểu lộ
Em đừng nuốt răng của anh
Núi Đầu Rồng
Chiếc bít tất bay
Lão quan sát viên già
Hải sâm
Con chim vàng anh.
Mời bạn đón đọc.
(Ngày 09/08/2007)
Biến thái của những ẩn ức
Sau Balzac và cô thợ may Trung Hoa, Đới Tư Kiệt lại đến với độc giả Việt Nam qua cuốn tiểu thuyết mới Mặc cảm của Đ. với mạch bút sung mãn hình ảnh và đầy tính ẩn dụ văn hoá
Mặc, một nhà nghiên cứu phân tâm học từ Pháp trở về Trung Hoa tìm cách cứu bạn gái khỏi tù đày và án tử hình. Qua đó, anh nhìn thấy ẩn ức trong đời sống tư tưởng của dân tộc mình. Hình ảnh lướt qua cuốn sách là chàng trai trí thức đạp xe chạy tìm kiếm cuộc giải phóng bản thân với lá cờ thêu chữ Mộng bay phấp phới trên đầu. Biến hoá chữ Mộng trong truyền thống Trang Tử đã được tiếp biến bởi những dồn nén ẩn ức vô thức tập thể trong nhóm thanh niên trí thức tiếp cận với văn hoá phương Tây, chạm đến tư tưởng Freud.
Một thực tế quẩn quanh, ngổn ngang nhưng đầy khẩu hiệu lạc quan tếu trong hình ảnh quan toà Đê suốt cuộc đời mở miệng cấm đoán tự do tư tưởng, nhân danh thi hành những điều luật thiêng liêng bảo vệ văn hoá truyền thống, nhưng lại luôn khát khao được “rửa mình” bằng những cô gái trinh, nhận hối lộ bằng gái trinh. Lạ thay, những con người như thế cứ dật dờ chết đi sống lại. Một anh trí thức ôm nỗi mặc cảm đồng tính nhảy từ lầu 6 tự tử và trở thành nỗi ám ảnh với người vợ trẻ ở nhà ướp xác goá bụa nhưng vẫn còn trinh. Trên các chuyến tàu nông thôn miền núi hoang dã, cướp bóc và gian xảo trở thành “môn thể thao của nhà nghèo”…
Mặc, một kẻ đa thê trong tưởng tượng, thấy nhiều biết nhiều, nhưng rốt cuộc chua chát vì chưa tự giải phóng được mình. Chiếc xe chở lá cờ Mộng của anh đi qua còn quá nhiều rào chắn vô hình nào đó…
Đới Tư Kiệt là một đạo diễn gốc Hoa sống tại Paris. Lợi thế xây dựng thủ pháp đan cài không gian thực – mơ, suy tưởng – tự sự, hình ảnh – liên tưởng bằng vốn điện ảnh trong cuốn tiểu thuyết này khiến cho bạn đọc như được thưởng thức một bộ phim lạ, đầy rung cảm.
Nền nã và đầy những ngoa dụ, cuốn tiểu thuyết tạo hứng thú cho người đọc nào muốn suy tư, giải mã.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Thứ ba, 27/05/2008)
Hãy tiếp tục theo dõi bước chân của tiểu thụ nhân Tobie Lolness, cùng trải qua những cạm bẫy, những khó khăn và cả những rung động đầu đời đầy xao xuyến… Phần hai của Tobie Lolness lập tức cuốn bạn vào cuộc phiêu lưu ấy với sự lôi cuốn khó cưỡng lại.
Cho dù trước mắt là nỗi đe dọa kinh hoàng tới tính mạng, mặc kệ kẻ thù đông đảo đang rình rập khắp nơi, Tobie vẫn dứt lòng chia tay với thế giới người Trụi để trở về Đại Thụ. Cậu đi trong ánh mắt yêu thương nay trở thành thù hận của cô gái người Trụi – Ilaia, mà không hề biết sẽ có một ngày, tình yêu đeo đẳng của cô trở thành tai họa.
Nhiều năm xa nhau, Tobie chợt nhận ra trái tim mình chỉ hướng về một người duy nhất, đó là cô bạn Elisha, người từng ở bên cậu trong những lúc khó khăn, đơn độc. Và Tobie sẽ còn đau đớn hơn nếu biết, cô gái mà cậu xiết bao muốn gặp ấy đang là tù nhân của Léo, người bạn thân nhất của cậu ngày xưa…
So với tập một, Tobie Lolness tập hai lôi cuốn hơn khi những mâu thuẫn, những xung đột ở Đại Thụ được đẩy dâng cao tới cùng. Đại Thụ đang dần héo hắt vì những tên phá phách điên cuồng như Jo Mich. Léo Blue ngày càng giận dữ vì càng ham muốn chiếm đoạt Elisha, hắn càng chất chứa trong lòng nỗi thất bại ê chề, cho dù ở vị trí chủ nhân. Cư dân của xứ Đại Thụ bị đàn áp đến nghẹt thở, người Trụi bị săn lùng và đày đọa không thương tiếc… Liệu Tobie có làm nên điều gì đó kỳ diệu cho thế giới của mình?
Tobie không còn là một đứa trẻ trốn chạy như năm nào, cậu đã trở lại để tìm bố mẹ và người bạn gái khó quên ngày trước. Ilaia cũng bất chấp hiểm nguy, lên đường đuổi theo Tobie nhằm báo thù, Léo chỉ muốn ăn tươi nuốt sống người bạn cũ… Nhưng Tobie không hề đơn độc. Vào thời điểm khắc nghiệt nhất mùa đông, cuộc nổi dậy đã nổ ra với những người cùng khổ ở xứ Đại Thụ.
Chỉ có thể nhận xét về thế giới nhân vật trong Tobie Lolness bằng một từ ngắn gọn: kỳ diệu. Một câu chuyện dài và một cuốn sách khổ lớn, nhưng Tobie Lolness không hề nặng nề nhờ bàn tay sắp đặt đầy dấu ấn của một kịch gia. Tập hai được chia làm hai phần với 27 mục nhỏ, vừa dễ theo dõi, vừa cảm nhận được văn phong bay bổng chất thơ của Timothée de Fombelle.
Với những câu văn ngắn gọn, cách viết nhẹ nhàng, đơn giản cùng một chiều sâu tâm lý hiếm có trong văn học trẻ,Timothée de Fombelle khiến độc giả muốn được tìm đến bên một gốc Đại Thụ nào đó, ngửa mặt lên những tán lá xanh rậm rì, tưởng tượng trong đó có hình bóng bé nhỏ của Tobie, Elisha, chàng tiều phu Nils Amen, chị em Mặt Trăng, vợ chồng giáo sư Sim, cười vui vẻ với chàng lính ngờ nghệch song rất tốt bụng có cái tên ngồ ngộ Củ Khoai, bật cười chế nhạo tên chỉ huy Krolo – một kẻ xuẩn ngốc thiên tài… Tobie Lolness là cuốn sách tuyệt vời dành cho tất cả những ai đồng thời yêu thích hành động và suy ngẫm.
Phía sau những cuộc phiêu lưu của các nhân vật, thông điệp mà tác giả người Pháp gửi gắm là tình yêu thiên nhiên qua hình ảnh Đại Thụ, là tình thương yêu kéo tất cả mọi người xích gần bên nhau trong tình bạn, tình yêu. Sức lay động đó tạo nên thành công cho Tobie Lolness. Tờ Le Monde nhận xét: “Timothée de Fombelle là một cái tên mới, nhưng với Tobie Lolness, anh đã chiếm một chỗ sáng chói trong nền văn học kỳ ảo”.
Hải Hòa
(Theo Evăn)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn