Giới thiệu sách Phong Thần Diễn Nghĩa – Trọn Bộ 2 Tập – Tái bản 07/07/2007
Phong Thần Diễn Nghĩa – Trọn Bộ 2 Tập:
“Theo sử Trung Hoa thì trước kia đời Nghiêu, Thuấn vợ thứ của vua Đế Cốt là Giảng Định đi cầu con ở gò Cao Mai trông thấy chim én đẻ rơi trước mặt. Bà Giảng Định cho điều ấy là điềm lạnh, liền lấy trứng chim én nuốt vào ruột. Quả nhiên, vì nuốt trứng bà thọ thai sinh được một trai lên là Khiết.
Ông Khiết lớn lên phò vua Nghiêu, rồi đến vua Thuấn, được phong làm chức Tư đồ. Vì có công dạy dân, về sau ông Khiết được phong Lạc ấp, và làm một xứ.
Dòng dõi ông Khiết vẫn nối chức cai trị thái ấp cho đến đời ông Thái Ất, tức Thành Thang.
Thành Thang là người nhân đức và trung hậu, nghe đồn ông Y Doãn là người tài trí, nhất thời ẩn cư cày ruộng nơi Sằn Dã, liền đến rước về, dâng cho vua Kiệt nhà Hạ dùng. Ấy là vì lòng trung thành, Thành Thang không dám dùng người tài cho riêng mình. Ai ngờ vua Kiệt bất trí, không biết dùng người tài, nghe lời dua mị không trọng dụng Y Doãn. Y Doãn bỏ vua Kiệt trở về Thành Thang.
Bấy giờ vua Kiệt càng ngày càng đắm say tửu sắc, giết quan Long Phùng là một vị gián quan có công với nước, nên chẳng ai dám ra can nữa. Hành động của vua Kiệt mỗi lúc một thối nát thêm.
Ông Thành Thang thấy vậy sai người qua khóc lóc để khuyên can. Vua Kiệt đã không nghe lại còn bắt ông Thành Thang giam tại Hạ Đài suốt một thời gian dài mới thả về.
Trong lúc vua Kiệt ham dâm độc ác như vậy thì ông Thành Than lại tỏ cho thiên hạ thấy là một người nhân hậu có tiếng.
Một hôm, ông Thành Thang ra ngoài đồng thấy người đi săn bủa lưới bốn phía, khấn vái:
Trên trời sa xuống,
Dưới đất chui lên,
Tất cả bốn phương
Đều vô trong lưới.
Ông Thành Thang nghe lời vái ấy, than thầm:
– Nếu vậy muông cầm điểu thú đều bị bắt hết còn gì?
Ông truyền mở ba phía lưới ra, rồi khiến các thợ săn vái rằng:
Muốn lại thì lại, muốn qua thì qua
Ở trời sa xuống, có cánh bay xa
Ở đất chui lên, có chân chạy ra
Con nào liều mạng, thì bay vào lưới ta.
Cầm thú đều ra khỏi lưới hết. Bởi vậy đời sau người ta thường nói: mở lưới Thành Thang, tức là nhắc tới tích ấy.
Giăng lưới để bắt cầm thú ăn thịt mà chỉ giăng một mặt, chừa chỗ cho con thịt thoát ra thì lòng nhân còn gì hơn. Bởi vậy, tiếng đồn tới cõi Hán Nam, thiên hạ đều khen Thành Thang đức lớn, hơn bốn mươi nước đều theo.
Đến sau, vua Kiệt vô đạo, hại dân gần chết, ông Y Doãn phò Thành Thang đánh đuổi vua Kiệt qua đất Nam Sào, các chư hầu hội đủ mặt, tôn Thành Thang lên làm Thiên tử, Thành Thang vẫn từ chối, nhận bổn phận chư hầu mà thôi, nhưng các chư hầu khác ép buộc, Thành Thang cực chẳng đã phải thuận lời lên ngôi Thiên tử lập kinh đô nơi đất Bạt vào năm Ất Mùi, mở đầu nhà Thương.
Vua Thành Thang bỏ các điều luật ác hiểm của vua Kiệt, đặt ra những việc dân ưa, dân mến, lấy đức trị dân nên ai nấy đều theo về cả.
Trong thời gian đầu, vì vua Kiệt bất nhân, nên trời hạn hán suốt bảy năm, vua Thành Thang mới cầu mưa, trời liền mưa xuống, vua trị dân nhân đức, dân coi vua như cha mẹ. Trong nước không xảy ra điều gì phải dùng đến luật pháp nữa.
Vua Thành Thang trị vị được mười ba năm, thọ một trăm tuổi, rồi truyền xuống con cháu 28 đời, cộng năm trăm sáu mươi tư năm, đến đời Ân (vua Trụ) nhà Thương mới mất.
Truyện này nói về cuối đời nhà Thương, lúc Trụ Vương mất nước, và nhà Chu lên kế vị.
Vua Trụ là con thứ ba của Đế Ất. Vua Đế Ất có ba người con trai là Vi Tử Khai, Vi Tử Điển và Ân Thọ (vua Trụ).
Nhân khi vua Đế Ất ngự ngoài vườn xem hoa mẫu đơn với các quan thấy lầu Phi Vân gẫy mất một kèo, liền truyền quan thay cây kèo ấy. Các quan xúm lại đỡ không nổi. Bấy giờ có Ân Thọ đi theo, thấy vậy chạy tới, một mình một tay đỡ kèo, một tay nhổ cột lên thay. Các quan trông thấy sức mạnh của Thọ Vương ai cũng quỳ lại chúc mừng.
Thừa tướng Thương Dung và quan đại phu Mai Bá, Triệu Khải đồng quỳ tâu với vua Đế Ất:
– Thọ Vương tuy là con út nhưng tài năng như vậy có thể làm rạng rỡ nhà Thương sau này, xin bệ hạ phong làm Thái tử để nối ngôi.
Đế Ất bằng lòng, lập Ân Thọ lên làm Thái Tử.
Vua Đế Ất trị vì được ba mươi năm thì băng hà. Lúc lâm chung có phó thác Thọ Vương cho Thái sư Văn Trọng, đóng đô tại Triều Ca. Hai người anh vua Trụ tuy không được nối ngôi, song cũng vẫn một lòng hiếu thuận, không hiềm khích hoặc có ý ganh tị. Bởi vậy, từ trong đến ngoài đều an lạc. Văn thì có Thái sư Văn Trọng đủ tài trị nước, võ thì có Trấn quốc Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ đủ tài trấn áp các chư hầu. Trong cung ba bà cung hậu như Chánh cung Khương Hoàng Hậu, Tây cung Hoàng thị, Hình khánh cung Dương thị đều có đức hạnh, trinh chính, hoà nhã, hiền lạnh…”.
Mời bạn đón đọc.