Giới thiệu sách Trinh Tiết – Tuyển Tập Truyện Ngắn Akutagawa
Trinh Tiết – Tuyển Tập Truyện Ngắn Akutagawa
Bạn đọc đang cầm trong tay một trong những cuốn sách tuyệt diệu nhất mà văn chương có thể cung hiến cho con người. Tôi có cơ duyên được biết đến Akutagawa từ rất sớm, năm lên tám hay chín tuổi. Trong tủ sách của mẹ tôi có một cuốn sách mỏng, tập truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke, bản dịch của Thụ Nhân, Nxb Nhị Nùng, Sài Gòn, 1966 (nếu tôi nhớ không lầm). Tôi đọc Trong rừng trúc, Kesa và Morito, Cái chết của một con chiên (hay Tuẫn đạo, theo bản của Thụ Nhân)… và bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của chúng, một vẻ đẹp bí ẩn, thanh cao, ám ảnh và khắc khổ. Điều cũng quan trọng như việc khám phá thế giới quanh mình đối với một đứa trẻ, ấy là tôi đã khám phá ra Nhật Bản, một đất nước, một nền văn hoá, một thế giới. Và, một khám phá còn lớn lao hơn thế, ấy là: tác giả, một con người, với tất cả những hành trang hữu hạn của đời người, đã có được quyền năng để tạo nên và mang tới cho một đứa trẻ hậu sinh ở xứ sở xa xôi là tôi một phiên bản tinh ròng của thế giới ấy bằng phương tiện duy nhất là ngôn ngữ. Khám phá của tôi – thông qua Akutagawa – thật giản dị: bằng những âm, những chữ, những câu, người ta có thể mang đến cho nhau cơ hội sống những cuộc đời khác, cảm nhận những chiều kích khác của hiện hữu, một cách sâu sắc, máu thịt, tận đáy.
Có đôi điều đáng nói hơn về tập sách này. Theo tôi biết, từ trước đến nay, hầu hết tác phẩm của Akutagawa – cũng như các văn hào Nhật khác như Kawabata Yasunari, Mishima Yukio, v.v… – đều được dịch ra tiếng Việt thông qua một ngôn ngữ châu Âu (Anh, Nga, Pháp…). Còn ở đây, lần đầu tiên, một tuyển tập tác phẩm của Akutagawa được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật – trong đó có những truyện được dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên. Các dịch giả là những người miền Nam sang Nhật Bản du học vào thập niên 1960, theo những ngành không liên quan gì đến văn chương như nông nghiệp, cơ khí, thủy sản, kinh doanh… Đến nay, mỗi người một nơi, ở Nhật, Úc, Pháp…, cuộc sống ổn định, vẫn với những nghề nghiệp “xa lạ với văn chương” ấy – như anh Lê Ngọc Thảo hiện là kỹ sư thiết kế cho hãng Sony. Nhưng, họ đã chọn văn chương – cụ thể là dịch Akutagawa – như một cách để giữ tình thân hữu, giữ gìn tiếng mẹ đẻ, và để bắc một nhịp cầu văn hóa giữa đất nước Nhật Bản mà họ nặng lòng tri ân với Tổ quốc Việt Nam.
Thế mạnh khó ai sánh được của họ là đã sống nhiều năm tại Nhật, am hiểu sâu sắc ngôn ngữ và văn hóa Nhật. Các anh chị đã làm việc hết sức cẩn trọng, góp ý, trao đổi với nhau từng chữ, ngõ hầu mang lại cho bạn đọc những bản dịch tốt nhất có thể. Tuy nhiên, do trình độ các dịch giả không đồng đều, và mỗi người một văn phong, nên không phải bản dịch nào cũng mang lại sự thỏa mãn như ta mong muốn. Mặt khác, do các dịch giả đã sống phần lớn cuộc đời ở nước ngoài, nên ngôn ngữ Việt của các anh chị không khỏi có một khoảng cách với tiếng Việt hiện nay. Đây là một điều cần thể tất, bởi chắc chắn các anh chị chưa hài lòng với những gì mình đã làm được và sẽ không dừng lại ở đây.
Các dịch giả đã làm một nghĩa cử đẹp là rút ngắn hơn khoảng cách giữa văn hóa và tinh thần của Nhật Bản và Việt Nam, hai nước đồng chủng đồng văn, nhưng trong sự gần gũi lại có những khác biệt có tính quyết định đối với diện mạo tinh thần và vận mệnh lịch sử của hai đất nước này. Tôi kính trọng nỗ lực và tấm lòng của họ.
Tôi rất vui rằng bạn đã mở cuốn sách này, cũng như tôi đã mở trang đầu cuốn sách mỏng ngày xưa và, cũng như tôi, bạn sẽ bước vào thế giới của Akutagawa, nơi mà con người, với tất cả những cung bậc tư tưởng, tình cảm được đẩy tới tận cùng, cùng với thiên nhiên và vạn vật, tất cả đều xiết bao có thực và sống động trước chúng ta. Nơi đó, đất nước và con người Nhật Bản mở ra với chúng ta vừa lạ lẫm vừa thân quen, để cuối cùng ta nhận ra rằng đó là “cảnh tượng của nhân gian”, là một phần của chính chúng ta, và đó là nhân loại.
TRẦN TIỄN CAO ĐĂNG.
… Giữa căn phòng, Otomi đang nằm dài, ngửa người bất động, tay áo phủ trên mặt. Mới nhìn cảnh tượng này, Shinko bỏ chạy như tháo thân về lại căn bếp. Một tình cảm kỳ quái không thể nào diễn tả hiện trên nét mặt gã, có thể nó là một sự ghê tởm, hay xấu hổ, nào ai biết…
(Trinh tiết)
…Gã quên hẳn tình yêu thương, hờn ghét, ngay cả nỗi hammuốn nhục dục mà chỉ ngắm nhìn cái vú đồ sộ, trông giống như một trái núi bằng ngà. Trong trạng thái quá kinh ngạc, gã đứng sững sờ hồi lâu như choáng váng, quên bẵng cả mùi mồ hôi trên giường. Chỉ đến khi Dương mỗ biến thành con rận thì gã mới thực sự biết được vẻ đẹp thân thể vợ mình…
(Thân thể đàn bà).
Mời bạn đón đọc.