Giới thiệu sách Tuyệt Đỉnh Cổ Vật
Tôi muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện vì sao tôi lại viết cuốn tiểu thuyết Tuyệt đỉnh cổ vật này. Trước đây, mặc dù tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngôn ngữ học tiếng Việt, tôi không biết quá nhiều về chữ Việt cổ, cũng chưa từng gặp bất kỳ ai dạy về thứ hỏa tự cổ thú vị này. Tôi khám phá ra chúng lần đầu tiên khi tình cờ tìm kiếm trên mạng những thông tin về các ngôn ngữ cổ để làm tư liệu phục vụ cho việc viết cốt truyện game – một nghề tay trái khi ấy của tôi.
Từ đây, tôi bắt đầu biết đến chữ Việt cổ và hành trình gian nan nửa thế kỷ nghiên cứu chữ Việt cổ không mệt mỏi của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền. Không thể lý giải nhưng dường như có thứ gì đó thôi thúc, cuốn tôi vào những ngày tìm kiếm thông tin và đọc tư liệu lịch sử cổ đại Việt Nam. Đến bây giờ, tôi chỉ có thể nói rằng lịch sử Việt Nam thời cổ đại quả thực là một kho kiến thức tuyệt diệu mà tất cả chúng ta nên “lật tung” nó lên để tìm hiểu ít nhất một lần trong đời! Có những kiến thức cao hơn những gì tôi biết, bên cạnh những kiến thức vừa tầm với khiến tôi say mê.
Đặc biệt, ý tưởng về cuốn sách Tuyệt đỉnh cổ vật càng được hình thành rõ ràng trong đầu hơn khi tôi đọc xong hai cuốn sách: Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia (Tạm dịch Địa đàng ở phương Đông: Lục địa chìm đắm của Đông Nam Á) – một công trình do nhà nghiên cứu, nhà di truyền học, bác sĩ nhi khoa người Anh – Stephen Oppenheimer – nghiên cứu, viết và công bố; và Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền. Từ đây, tôi bắt đầu nảy sinh ý định: Tại sao mình không viết một cuốn tiểu thuyết liên quan đến chữ Việt cổ gắn liền với những điều huyền bí của lịch sử Việt Nam? Và cuốn tiểu thuyết này đã ra đời như thế.
Tôi vừa tìm tư liệu vừa viết trong khoảng hơn một năm, trong đó ba tháng cuối để tập trung hoàn tất cuốn tiểu thuyết, tôi đã quyết định nghỉ việc hoàn toàn tại công ty. Sau khi hoàn thành, tôi đã gửi bản thảo cho nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền để nhờ thầy sửa chữa, bổ sung giúp những phần liên quan đến chữ Việt cổ. Mặc dù giai đoạn này thầy đã lớn tuổi, sức khỏe không tốt như trước, nhưng thầy vẫn tận tâm phản hồi bằng bản viết tay khiến tôi vô cùng cảm động. Từng dòng chữ thầy sửa đủ để tôi hiểu rằng thầy yêu chữ Việt cổ và là một nhà nghiên cứu nhiệt huyết thế nào. Bên cạnh đó, tình cờ tôi cũng có cuộc nói chuyện với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (đạo diễn các phim truyền hình Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình…), khi nghe về cuốn sách, bác đã rất hứng thú, ủng hộ, thậm chí muốn chỉnh sửa để chuyển thể thành phim.
Tôi biết, một cuốn sách tiểu thuyết phiêu lưu, hành động, giả tưởng có nhắc nhiều đến lịch sử, văn hóa, cổ ngữ Việt Nam sẽ khó được độc giả quan tâm, nhất là sách được viết bởi một tác giả mới xuất hiện lần đầu như tôi. Tôi cũng biết rất nhiều bạn trẻ như tôi, còn ngại ngùng bởi chặng đường xuất bản sách, trở thành một nhà văn đầy khó khăn phía trước. Tuy nhiên, chúng ta đừng vì thế mà dừng bước, đánh mất những trải nghiệm suốt cuộc hành trình.
Mời bạn đón đọc.