Giới thiệu sách Tuyển Tập Thơ Chữ Hán Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến thuộc một lớp người nhà nho tài tử, ra đời vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, nối tiếp lớp nhà nho tài tử như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… nên trong chừng mực nào đó, ông cũng kế thừa và tiếp tục những tính chất vốn được xem như là bản chất của người tài tử, bộc lộ một loạt những bất quy phạm trong hành động cũng như trong sáng tác. Nhắc đến Nguyễn Khuyến, người ta không thể không nói đến bộ phận sáng tác vô cùng đặc sắc bằng chữ Nôm của ông. Nhà thơ hiện đại nhất Việt Nam, thi sĩ Xuân Diệu đã nói về Nguyễn Khuyến rất đúng khi ông gọi Nguyễn Khuyến là nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam. Nhưng dùng lời ấy để nói về thơ chữ Hán của cụ Nguyễn cũng không có gì quá đáng. Thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến hoàn toàn không phải là loại thơ ngâm vịnh phong hoa tuyết nguyệt, cảm xúc của con người vũ trụ như ta thường bắt gặp ở các nhà nho, mà trong những dòng thơ chữ Hán ấy, chúng ta đọc được tất cả những tâm tình của một con người sinh trưởng nơi xóm làng quê hương Việt Nam, một con người cá nhân với bao tình cảm ưu tư, yêu thương, căm ghét, mai mỉa… mang tính chất của thời đại nhiều biến động xô bồ, thị phi, điên đảo.
Mời bạn đón đọc.