(Thứ Sáu, 25/05/2007)
Vững chắc trên cây cầu phiêu lưu
(Tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái)
|
9g ngày 26-5 nhà văn Hồ Anh Thái có buổi giao lưu với bạn đọc về tác phẩm mới nhất của mình tại Cung văn hóa Lao động (55B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM). Nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc dẫn chương trình – Ảnh: Thanh Đạm |
TT – Ý nghĩ đầu tiên khi cầm cuốn sách trên tay, đó là băn khoăn. Thường thì những cuốn sách mang đề tài tương tự rất dễ rơi vào sự kể lể. Quanh cuộc đời những đấng khai sáng như Đức Phật có vô vàn huyền tích. Tác giả sẽ chọn hướng đi nào để tiểu thuyết hóa được nó?
Kế nữa, cũng bởi nguyên nhân này, tác giả sẽ chọn lọc ra sao giữa mớ thông tin ngồn ngộn, để mang tới cho người đọc những gì chắt lọc nhất, không ôm đồm, thừa thãi – nhất là khi ông mang trong đầu kho tư liệu của một tiến sĩ văn hóa phương Đông?
Và có thể nói, tác giả đã làm một cuộc phiêu lưu: nếu kể về Phật theo hướng lắp ghép những tư liệu lịch sử có thật, chẳng hóa ra là một sự giải thiêng, khiến nhiều người phản ứng?
Mà đi theo hướng thiêng hóa dân gian, nhà tiểu thuyết hẳn nhiên sẽ tự ném những trang viết của mình như kiểu múc một thìa nước mà đổ xuống sông Hằng?
Tác giả chênh chao giữa hai bờ, bên này là trường hợp của Nikos Kazantzakis với Cám dỗ cuối cùng của Chúa, và bên kia là Pearl Buck với Chuyện Kinh Thánh.
Đức Phật, nàng Savitri và tôi, được giải quyết bằng cấu trúc xen kẽ có chủ đích giữa ba tuyến nhân vật đã nêu trong nhan đề. Tôi: để dẫn người đọc vào bối cảnh câu chuyện. Nàng Savitri: để đưa câu chuyện trở về thời Đức Phật. Và Đức Phật: chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết.
Phần dẫn chuyện bởi Tôi, gọn nhẹ, mênh mang, đôi khi thấp thoáng cách viết dí dỏm, hài hước, dấu ấn Hồ Anh Thái.
Ở Nàng Savitri, một bữa tiệc hoành tráng của lịch sử và văn hóa Ấn Độ. Tác giả thỏa sức vẫy vùng với những kiến thức về đạo Bà La Môn, về Veda, Upanishad, Ramayana, Mahabharata và cả Kama Sutra. Những cuộc chiến, những tham vọng, đố kỵ, khổ đau, tang thương… Bối cảnh ấy làm nền, làm bề mặt tương phản cho sự xuất hiện của Đức Phật.
Và phần khó khăn nhất, chắc chắn là những chương mang tên Đức Phật. Tác giả có lẽ đã chọn thủ pháp “nén” thật chặt. Trên cây cầu phiêu lưu, tốt nhất là người ta không nên bước bừa, bước quá. Những chương này thường rất ngắn, đủ, súc tích. Với những người đọc ngưỡng mộ Đức Phật, vẫn nguyên vẹn những cảm xúc yêu thương, thành kính. Với những người đọc chờ đợi một sự giải thiêng, hình như cũng “ngộ” ra: Đức Phật đã không hề thiêng hóa mình, vậy cũng sẽ chẳng ai cần phải nghĩ đến sự giải thiêng. Nói một cách bình thường nhất về Phật, kể một cách dung dị nhất về Phật, đấy chính là Phật.
Và những băn khoăn đã được tác giả giải quyết một cách ổn thỏa. Mang đến cho người đọc những trang viết hấp dẫn, nhiều cảm xúc, lịch lãm. Ngay đến cả những chi tiết có thể gây thắc mắc về cách phiên âm, cũng được Hồ Anh Thái khéo léo “dùng” nàng Savitri để lý giải.
Một dòng sống miên viễn không ngừng chảy được mô tả qua nhiều hành trình lồng ghép trong nhau theo những vòng đồng tâm: vòng ngoài cùng là chuyến đi của tôi và Savitri – hậu thân, cô gái hướng dẫn viên du lịch, người kể chuyện Phật. Vòng bên trong là cuộc săn đuổi của Savitri – tiền thân. Người trong suốt bốn mươi năm luôn tìm cách níu kéo Shidarta về với cõi trần. Vòng trong cùng là hành trình của thái tử Shidarta đi tìm chân lý. Chín chương về Đức Phật chỉ chiếm một phần tư dung lượng tác phẩm, nhưng vị trí của nó như ngọn đuốc ở giữa soi chiếu toàn bộ vận động của hai phần còn lại. Với Shidarta, tình yêu lớn nhất dành cho chân lý. Với Savitri, chân lý lớn nhất là tình yêu. Hai hành trình đối nghịch nhau đến cùng, ngay cả trong cuộc gặp mặt lần cuối cùng ở Kushinagar trước lúc Phật nhập diệt. Savitri cho đến cùng vẫn không qui y, không trở thành tín đồ, nhưng kiếp này qua kiếp khác nàng vẫn đi theo dấu chân Phật – định mệnh hay là ân phước? Người đọc có lẽ sẽ đóng sách lại với sự khai mở một thế giới lớn lao, trong đó mọi khát vọng của con người đều được đẩy đến cùng… TRẦN THÙY MAI |
NGUYỄN DANH LAM
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn