Giới thiệu sách Thi Nhân Việt Nam
Từ hơn nửa thế kỷ trước đây, phong trào Thơ mới đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền văn học trước Cách mạng tháng Tám của đất nước. Các thi sĩ của thuở ấy đã đem lại cho bạn đọc một tiếng nói mới, phản ánh khá trung thực tâm trạng của cả một lớp thanh niên tiểu tư sản trong cuộc sống có nhiều đau buồn, trăn trở và đôi khi bế tắc trước hiện trạng của đất nước thời bấy giờ. Với sự đổi mới mạnh mẽ của hình thức nghệ thuật, Thơ mới thật sự đã thu hút được sự chú ý của khá đông bạn đọc yêu thơ và đó cũng là một đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển của thể loại và chứng minh khả năng biểu đạt phong phú của tiếng Việt.
Ngay lúc bấy giờ, hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân đã sớm nhận ra giá trị ấy và đã kịp thời sưu tầm, giới thiệu các thành tựu của phong trào Thơ mới qua tác phẩm Thi nhân Việt Nam và đã cho xuất bản vào đầu năm 1942.
“Thi nhân Việt Nam” là sự khám phá và đánh giá đầu tiên đối với Thơ mới. Chúng ta đều biết việc lựa chọn tác phẩm và tác giả đương thời, nhất là những người mới xuất hiện trên văn đàn, là một việc hết sức khó khăn, nhưng với sự cảm thụ khá sâu sắc và với cái nhìn tinh tế, các tác giả đã chọn được một chùm hoa giàu hương sắc trong vườn Thơ mới để gửi tặng những người yêu thơ. Chính vì thế, Thi nhân Việt Nam đã được bạn đọc cả nước đón nhận và tán thưởng.
Nhằm tiếp tục đáp ứng yêu cầu của bạn đọc trong và ngoài nước, nhất là những nhà nghiên cứu, những sinh viên Văn khoa và đông đảo những người yêu thơ, một lần nữa Nhà xuất bản Văn học cho tái bản tác phẩm Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân..
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, việc thẩm định lại những giá trị có thể có những thay đổi, nhưng để bảo đảm tính lịch sử của một tác phẩm đã xuất hiện trước đây, chúng tôi cho in nguyên văn của tác phẩm.
Ngoài ra, để giúp bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo, chúng tôi in thêm Lời cuối sách của nhà văn Từ Sơn, trưởng nam của nhà văn Hoài Thanh.
***
“Nếu xem thơ, bạn thấy mệt, ấy là lỗi tự bạn. Quyển sách này không phải sách xem hết một lần. Vả bạn cũng nên nghĩ rằng, tuy còn bỏ sót nhiều, ít ra tôi cũng đã xem năm mươi quyển này. Lắm khi xem một trăm bài thơ, chỉ có một bài trích được. Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi.”
Hoài Thanh – Hoài Chân
Mời bạn đón đọc.