Cuốn sách … kỳ lạ
Nhưng không vì thế mà bầu trời tuổi thơ của ba chị em bị bó hẹp. Ai đó nói, mỗi đứa trẻ sinh ra đều thiên bẩm thích nghi với hoàn cảnh của nó, Bánh Mì, Bơ và Hành Tây cũng vậy. Ấu thơ trong veo, mọi thứ xuất hiện trong đời đều lạ lẫm, các em thả sức rong chơi trong suy nghĩ, để rồi bật ra những câu nói ngây ngô khiến người lớn bật cười.
Những người lớn, bị lạc vào “Không được thì … thôi”, sẽ trôi tuột vào quá khứ. Sống lại những ngày mày mò tìm hiểu cái cây, ngọn cỏ, những ngày, em bé là con búp bê cựa quậy, những ngày … xốc nách em đi chơi hằn đỏ cả vùng hông nhỏ xíu. Những người mẹ, đơn giản là sẽ thấy chính mình cộm lên trong từng câu chữ.
Cuốn sách lạ kỳ, bố cục dường như chỉ là hình thức. Giống như ta chạy xe trên những đoạn đường gấp khúc, và mỗi giai đoạn của Bánh Mì, Bơ, Hành Tây là một khúc cua, mở ra đoạn đường mới, khung cảnh mới. Như bao đứa trẻ khác, ba chị em “vịt trời” được cha mẹ dạy nói, tập đi và đáp lại, chúng dạy người lớn cách yêu thương vô điều kiện.
“Không được thì … thôi” lạ lùng ở xúc cảm, người lớn bật cười trước những đối thoại “trời ơi, đất hỡi”, nhưng rồi sửng sốt nhận ra những bài học từ con trẻ. Bài học của sự lạc quan, không ngại cái mới, suy nghĩ giản đơn trước những khó khăn, thất bại đầu đời. Và rồi lắng lòng với những tâm sự của tác giả – Vịt mẹ – cũng chính là mẹ của ba cô vịt trời. Vịt mẹ cứ viết, thản nhiên như không hề mệt nhọc, nhưng ẩn sau từng câu chữ là trăn trở, là đắn đo, là lo lắng không biết mai này con mình ra sao? Không biết giờ này con mình thế nào?…
Mỗi đứa trẻ sinh ra và lớn lên là biển rộng, sông dài.
Vịt con phụ mẹ một tay ký tặng sách cho độc giả
Món quà của mẹ
Tác giả “Vịt mẹ” – Tô Hồng Vân là Thư ký tòa soạn Tạp chí Mẹ yêu Bé, và đã ba năm liền đoạt giải trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU, cao nhất là giải I Quốc gia và Huy chương Đồng quốc tế năm 1998; … Nhưng ngoài công việc, Vân cũng là một người mẹ bình thường như bao người mẹ khác. Cũng loay hoay giữa sách vở, và bản năng yêu thương tạo hóa ban cho phụ nữ. Hồng Vân nhìn con mình lớn lên rồi thảng thốt nhận ra con đã lớn. Vân hốt hoảng níu giữ những tháng ngày con đáng yêu nhất, dễ thương nhất. Vân rối rít ghi lại những khoảnh khắc, những câu chuyện tưởng đâu chỉ mỗi mình là thấy hay ho.
“Không được thì… thôi” được trưng bày rất đẹp mắt
Nhưng rồi… bạn bè, người thân, kể cả người chưa từng quen biết đều thích thú với tất cả những điều thuộc về tuổi thơ của Bánh Mì, Bơ và Hành Tây. Vân nhận ra rằng, các bậc cha mẹ tuy khác nhau về tính cách, hoàn cảnh nhưng tất cả họ đều sợ đến một ngày nào đó con sẽ tự thoát ra khỏi vòng tay bao bọc của gia đình. Nỗi sợ to dần theo mỗi ngày con lớn, theo mỗi lúc con nhíu mày, cái nhăn trán ngạc nhiên vì cha mẹ dần hỏi mình những điều quá “riêng tư”. Tự lúc nào ta lạc hậu, không còn là bạn của con, không còn là cô tiên, là ông già Noel, là thần tượng duy nhất, số một của cuộc đời con.
Như Tô Hồng Vân đã viết trong “Không được thì … thôi”: “Chả mấy chốc sẽ đến ngày con có những bí mật của riêng mình… ngày con không còn hồn nhiên chia sẻ với mẹ mọi điều trong cuộc sống của con. Vì con ngại, vì con ngượng, vì con không muốn mẹ lo, vì con thấy con và mẹ không thật “đồng điệu”, hay đơn giản, vì con muốn giữ điều đó cho riêng mình…”.
Và cuốn sách “Không được thì … thôi” ra đời như thế, một trong những nỗ lực để níu giữ những gì trong vắt nhất thuộc về những đứa trẻ – món quà quý giá nhất của cuộc đời. Tô Hồng Vân tâm sự:“Cuốn sách ngoài những gì độc giả đã cảm nhận. Nó còn là những gì mà Vân chưa kịp hoặc chưa có cơ hội để nói với các con. Rằng: Mẹ vô cùng hạnh phúc khi được làm Vịt mẹ…”.
Ngày cuốn sách ra mắt, Vân đã hạnh phúc đến choáng ngợp, vì có những người chưa từng gặp Bánh Mì, Bơ và Hành Tây nhưng đã đến khu vui chơi giải trí trẻ em Vietopia từ rất sớm. Nhưng người lớn, cầm quyển sách thơ trẻ trên tay và chỉ mong được san sẻ nỗi niềm cùng tác giả, nỗi niềm chỉ riêng những người làm cha làm mẹ mới hiểu.
Theo Đoan Hồ (Khám phá)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn