Cuốn sách Bảy năm ở Paris gồm hai hồi. Hồi một mang tên “Bỏ nhà đi Paris” từng được xuất bản trước đó như một cuốn sách độc lập. Ở ấn bản này, phần sách được tiếp nối thêm hồi thứ hai mang tên “Sống và yêu”, là lời tâm sự về bảy năm trọn vẹn của một người phụ nữ gắn liền với thành phố Paris.
Thật khó để xếp cuốn sách này vào một thể loại cụ thể. Có vẻ như nó là một cuốn hồi ký. Nhưng đôi lúc, nó lại rất giống với một cuốn cẩm nang du lịch, hoặc một quyển sách viết về lịch sử và địa lý của một vùng trên thế giới. Có nhiều đoạn lại giống truyện phiêu lưu. Từng trang viết phóng khoáng và tự do như chính tính cách của tác giả.
|
Bìa sách “Bảy năm ở Paris”.
|
Chuyến phiêu lưu của tác giả, hay chính xác hơn là một cuộc “chạy trốn” không khí bí bách mà cô phải chịu đựng trong cuộc sống của mình, bắt đầu vào tháng Giêng năm 2003, khi cô đặt chân lên đất Pháp. “Trong bị gậy của tôi lúc ấy chỉ đủ tiền sống trong vòng ba tháng, địa chỉ của một số người bạn học của bà ngoại, có giấy mời học tiếng Pháp, số điện thoại của cô em gái sống gần Paris của chị khách hàng Câu lạc bộ thẩm mỹ tôi mở và vừa kịp chuyển nhượng cho người khác trước khi đi”, đó là những lời tâm sự của Camille Thắm Trần về sự chuẩn bị cho chuyến đến Paris của cô. Ngoài ra, hành trang nữ tác giả mang theo là visa ở Pháp ba tháng, ba tháng học tiếng Pháp cấp tốc với một sinh viên ngoại ngữ trước đó, những kiến thức về nước Pháp cô tìm hiểu qua các tác phẩm văn học nổi tiếng Ba chàng lính ngự lâm.
Chỉ bấy nhiêu “thơ với thẩn” đó làm sao có thể làm nên hành trình bảy năm ở Paris? Bấy nhiêu đó làm sao có thể giúp cô sống một cuộc sống không hẳn là không kham khổ nhưng rất tự do, thời gian để viết, vẽ tranh, chơi đàn piano, học nhảy flamenco và… yêu?
Câu trả lời là nhờ một bài thơ. Và chính xác hơn đó là sự tò mò, là lòng khao khát tự do. “Tôi cố níu kéo, lấy tay mà giữ sương khói, mà đỡ cái bình pha lê cực mỏng chực tan ra làm nghìn mảnh. Tôi chỉ giữ được phần nào, vội vàng họa nó lên trang sách. Vì nó là quá khứ, nó mang vẻ mơ hồ”.
Những gì tác giả viết ra đều đã thuộc về quá khứ, có gần, có xa, từ những ngày chân ướt chân ráo đến Paris, đến lúc cô có thể “chửi bậy bằng tiếng Pháp thợ như Chí Phèo chửi bằng tiếng Việt”. Lật mở quyển sách, bạn đọc như đang nhẹ nhàng kéo cánh cửa của một ngôi nhà nhỏ, nơi chứa đựng ký ức của tác giả trong suốt bảy năm sống và làm việc tại Paris. Những đồ vật trong nhà khá bừa bộn, vì chúng được sắp xếp theo trình tự của ấn tượng, cảm xúc, suy tư. Nhưng mỗi thứ đều có thể mở ra một câu chuyện nhỏ, một bí ẩn nhỏ của câu chuyện lớn về một người phụ nữ can đảm “bỏ nhà ra đi”. Ngay đến cái tên Camille mà cô tự chọn cho mình cũng là một câu chuyện dài về một nữ điêu khắc gia tài năng, kiêu hãnh nhưng bất hạnh.
Ngôi nhà ấy đặc biệt có nhiều cửa sổ. Mỗi cánh cửa sổ mở ra là một mảng không gian mà tác giả chia sẻ với Paris, về những câu chuyện trong quá khứ và hiện tại. Như tác giả tự nhận xét, “câu chữ trong chuyện được khâu tay, lộm cộm, chứ không đều tăm tắp mượt mà như khâu máy”. Vì thỉnh thoảng đang khâu, tác giả có lơ đãng nhìn ra cửa sổ, “nơi có lúc ánh nắng chan hòa, có lúc lại mưa dầm gió bấc”, trôi theo nó và lỡ nhịp khâu. Nhưng mỗi khung cửa sổ đó đều chứa đựng rất nhiều tình cảm của cô đối với Paris, nơi cô đã tìm hiểu tỉ mỉ từng con đường, góc phố, nơi đã chấp nhận cô đến tìm một cuộc sống mà cô không thể có được ở quê nhà.
Bảy năm, khoảng thời gian không dài cũng không quá ngắn đủ để cho cô ngụp lặn, vẫy vùng giữa cả hai vùng sáng tối của thành phố hoa lệ này. Paris có lúc đáng ghét khủng khiếp như “con khủng long bạo chúa”, nhưng cũng có lúc đẹp như cổ tích, với những ngôi nhà cổ kính, những đường nét chạm trổ, với hình đầu người, tượng các vị thần khỏa thân, hình những con quỷ dữ tợn, tất cả dường như sống dậy trong đêm, hay đẹp như phong cảnh trên những đỉnh núi mà đôi chân của cô có dịp khám phá. Đôi lúc cô cũng có những phút giây lạc dòng, thấy mình “đục ngầu, sôi sùng sục”, biến chất khi cứ phải trôi theo dòng lũ. Lúc đó, “những hạt nước trong sạch cuối cùng” trong cô nổi loạn, và cô đã rời đi.
Tác giả tâm sự: “Chuyện tôi vẽ đây không phải là một bức tranh đậm đặc tình tiết, dạt dào cảm xúc, chi li tỉ mỉ, đao to búa lớn, mà chỉ họa nét đậm nét nhạt, có lẽ có chút khói mây, bạn đọc phải tưởng tượng. Những gì tôi viết chỉ gợi như cánh cửa mở hé căn phòng bí mật. Và khi đó, chính bạn là một phần của chuyện. Bạn không thụ động nhận câu chuyện đã quá toàn vẹn mà bạn sẽ là mắt xích cuối cùng tưởng tượng và vẽ nốt bức tranh. Nhiều bản hoàn thiện cuối cùng, vì mỗi người có nhân sinh quan và cách diễn đạt, không ai giống ai”.
Thanh Hà
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn