“Nhà văn hay không không quan trọng, tôi chỉ muốn là một người viết nghiêm túc”, Nguyễn Vĩnh Nguyên nói như vậy khi có độc giả hỏi anh có phải là nhà văn. Sự “viết nghiêm túc” đó được cây bút thể hiện trong sách với các tạp văn, tiểu luận, suy ngẫm về đồ vật của một thời xưa cũ, một thời hơi hơi cũ và thời bây giờ: bàn ghế, nhà cửa, nhang đèn, áo quần, ánh sáng, cỏ cây, rồi cả chiếc bàn thờ, cả chuyện tế nhị như… việc đi toilet. Nhưng cách anh kể chuyện mới lạ, thú vị, có hài hước nhưng có chất suy tư của bộ óc quan sát và chiêm nghiệm, xen lẫn tiếng thở dài của một người sống trong xã hội nhiều sự “đắng lòng”.
Mặc dù tác giả “quảng cáo” sách nói về bàn ghế, nhà cửa… và nhiều thứ khác quanh ta nhưng sau khi đọc xong, những điều đọng lại không chỉ là sự chiêm nghiệm về kỷ vật lặng câm mà là suy ngẫm của Vĩnh Nguyên cũng như chính người đọc về những thứ màu mè phù phiếm trong thế giới đang sống. Hình như có điều gì trục trặc!
Sách nói về mâu thuẫn chồng chất trong xã hội, về sự ồn ào, dễ thỏa hiệp của đám đông, điều đó mâu thuẫn với nội tâm những người muốn đào bới, nhìn thấu bản chất giản đơn của các vấn đề kinh tế, xã hội. Thực tế loạn xạ kia tuyên chiến với những người muốn nhìn sâu, nhìn trầm tĩnh cái cuộc sống mà Internet “lôi” người ta đi hết xì căng đan này đến giật gân khác. Sách cho thấy mâu thuẫn của những người thực sự có những suy ngẫm trách nhiệm và mong muốn làm gì đó để đám đông bình thản hơn, để tìm ra câu trả lời về cái (đang xảy ra đó) và mọi người bàn tán, thực chất là cái gì.
Nguyễn Vĩnh Nguyên tự trào về nghề báo mà chính mình đang ngụp lặn trong đó. Ví dụ, trong khi bản năng về nhận thức của con người luôn khao khát muốn biết chuyện gì xảy ra ở phía ngọn đồi bên kia thì họ lại bất an, hoang mang và mất chủ động vì đọc báo và xem truyền hình với thông tin nhiễu loạn quá nhiều. Diễn viên X, nghệ sĩ Y cứ thay nhau ngồi hết bìa báo này đến bìa báo khác, với các phát ngôn, đại ngôn. Họ ngồi ngồi, nằm nằm, hở hở, thả rông thả rông… như những món ăn trong bếp ăn tập thể được dọn lên trước cơn đói đại chúng…
Và anh viết: “Báo chí chỉ là những tờ giấy, dù đứng dưới bất kỳ một măng-set nào. Điều tôi viết lên tờ giấy hẳn quan trọng hơn tờ giấy, nhưng điều tôi không muốn viết lên tờ giấy còn quan trọng hơn cả những gì đã viết lên tờ giấy”. Trong một xã hội thừa mứa thông tin bề mặt ở đây, những nhà văn, nhà báo, những lao động thực sự là sự lưu đày cô đơn đã bị lấn át trước sự lấn át của toan tính phù phiếm, và thật ít người có thể nói không để không thỏa hiệp dễ dàng với đời sống kia. Tác giả nói: “Chưa bao giờ bạn cần đến một sự chậm rãi, một độ lùi trước những cánh rừng thông tin sốt dẻo lao xao bất chấp sự chính xác như lúc này”.
Cuốn tiểu luận, tạp văn nằm trong dự án 100 tiểu luận, tạp văn về thế giới đồ vật, hiện tượng đời sống trong xã hội Việt Nam đương đại, nối tiếp cuốn sách đã xuất bản Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác của cây bút này.
Hồng Phúc
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn