Sau những tác phẩm đầy đặn và thành công trước đây như Công ty, The Joker, Mắt bão… Phan Hồn Nhiên gọi Ngựa thép là tiểu thuyết đầu tiên của mình. Điều đó cho thấy tác giả là người cẩn trọng trong việc phân loại tác phẩm, đồng thời tiết lộ ý thức, chủ đích của chị khi bắt tay thực hiện tác phẩm.
|
Sách “Ngựa thép”.
|
Ngựa thép có cấu trúc ba phần, kể ba câu chuyện với những nhân vật hoàn toàn khác nhau. Họ có thể được gọi tên là Bách, là Sơn, là Anna, Anne, Hoan; hay được gọi bằng đại từ nhân xưng ở những ngôi khác nhau như “cô”, “cặp song sinh”, “người anh”, “người em”… Các nhân vật ấy đều là những trí thức, nghệ sĩ thành công trong sự nghiệp, nhưng mỗi người một cách, đều gặp bi kịch khi kết nối với thế giới.
Phần 1 – Cơ thể – được xây dựng trên ba lời kể, lần lượt của Bách, Anna, Hoan. Cả ba được gắn kết bằng một nhân vật tên Sơn, để rồi khắc họa những số phận đau thương trên đường đi tìm hạnh phúc. Nếu Bách – một giảng viên đại học khát khao hạnh phúc gia đình như bao người khác thì Anna – vợ anh – dường như lại chẳng biết đâu là hạnh phúc. Để rồi khi Anna ngoại tình, Bách tìm được sự bình yên bên em gái của vợ – Anne. Sơn là con riêng của Anna, được Bách và dì Anne yêu thương, nhưng trớ trêu thay anh gây tai nạn, mang đến bất hạnh cho Anne; và cuối cùng chính anh không qua khỏi tiếng gọi của thần chết khi còn rất trẻ. Các nhân vật cứ quanh quẩn trong mớ bòng bòng do chính mình tạo ra. Không chỉ khát khao hạnh phúc, họ còn yêu thương nhau mà không cách gì bày tỏ.
Cặp anh em song sinh trong phần hai – Bên bờ biển – gặp nhau trong chuyến du lịch xuyên rừng tại một hòn đảo. Từ đó, quá khứ đau buồn của một gia đình được mở ra. Việc có một người cha ngoại tình, người mẹ nhẫn nhịn, vượt qua nghèo khó để nuôi hai anh em khôn lớn, thành đạt là những di chứng ảnh hưởng lớn tới tính cách, đời sống nội tâm của hai nhân vật. Sự gắn bó và đố kỵ của hai anh em song sinh, những câu hỏi họ tự vấn và đặt ra cho nhau thể hiện họ là hai người tuyệt vọng trong đời sống thực tại.
Pelikan – phần ba của tiểu thuyết – nói về cô gái bị mất ký ức ngôn ngữ sau một vụ tai nạn. Để tìm lại khả năng sử dụng từ vựng của mình, cô được một nhà ngôn ngữ trẻ hướng dẫn đọc quyển sách có tên Pelikan. Cuốn tiểu thuyết kỳ lạ nói về vị đầu bếp già giết chết người tình đồng giới trẻ của ông. Quá trính điều trị giúp cô gái mất ký ức và chuyên gia vốn xa lạ trở nên đồng cảm, nương tựa nhau. Ở phần cuối này, nhân vật củaNgựa thép đã tìm được tiếng nói chung, hai con người đặc biệt đã có sự thấu hiểu kỳ lạ.
Ngựa thép có những con người bình thường, nhưng mối quan hệ giữa họ thật khác thường: một cặp song sinh, tình cảm cha dượng và con riêng, người mất trí nhớ và thầy giáo của cô ấy. Điều bất thường ở đây chính là thế giới nội tâm của họ, sự cô đơn, kiếm tìm cách biểu hiện yêu thương, kết nối với những người xung quanh… trong một thời đại mà các phương tiện kết nối phát triển.
Ba câu chuyện trong ba phần của tiểu thuyết dường như hoàn toàn khác biệt. Chúng được kết nối bởi hình ảnh một chú ngựa, khi thì là một món đồ chơi, khi ở trong bức tranh, lúc nằm trong giấc mơ đeo bám nhân vật…
Tiểu thuyết Ngựa thép dường như là một phép thử cấu trúc của Phan Hồn Nhiên. Chị không xây dựng tác phẩm theo một trật tự tuyến tình thời gian, không gian nào, mà lồng vào đó những cách kể lạ. Ở phần một, câu chuyện được kể bởi ba nhân vật, để rồi từ đó khắc họa cuộc đời của nhân vật chính – Sơn. Còn ở phần ba, trong khi kể câu chuyện của cô gái mất trí, tác giả lồng thêm vào đó một tiểu thuyết khác – câu chuyện trong cuốn sách Pelikan – mà nhân vật chính đọc. Trong phần “Lời cuối sách”, Phan Hồn Nhiên tiết lộ chị viết tác phẩm trong thời gian tham gia trại sáng tác quốc tế ở Iowa City (Mỹ). Chị cho biết việc đầu tiên chị làm để nhào nặn nên Ngựa thép là tìm ý niệm, phác thảo, kết cấu tác phẩm.
Thể hiện sự tìm tòi của Phan Hồn Nhiên trong việc đi tìm lối viết riêng,Ngựa thép có cấu trúc mới, hiện đại. Tác phẩm được đánh giá là “Sự hài hòa điêu luyện giữa tính chất trình diễn của một nghệ sĩ và sự khéo léo tỉ mỉ của một nghệ nhân. Đây là một tiểu thuyết đầy đặn, vững chãi và sâu sắc của một trong những nhà văn trẻ có đam mê và ý thức rõ ràng về việc phải làm gì để hòa nhập với dòng chảy văn chương đương đại thế giới”.
Lam Thu
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn