Giới thiệu sách Nhật Ký Đặng Thùy Trâm – Tái bản 03/2014
Giờ đây có thể nói gì thêm về Nhật Ký Đặng Thùy Trâm? Rằng đó là một cuốn sách kỳ lạ, phá kỷ lục xuất bản của Việt Nam, đã khiến người nữ tác giả đã mất cách đây hơn ba muơi năm của nó trở thành anh hùng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng? Rằng đó là cuốn sách đã khuấy động cả một xã hội đang mỗi lúc mỗi trở nên nhạy cảm và dè chừng trước mọi hình thức khuấy động? Rằng đó là tác phẩm đánh dấu cả một thời đại trong nghĩ và sống? Và chính vì lẽ ấy mà nó vẫn có nguyên giá trị trong khi dòng đời đã đổi và lòng người đã khác? Rằng mỗi thế hệ, mỗi cá nhân vẫn hoàn toàn có thể lật giở những ngày sống của Thùy Trâm với những nhìn nhận riêng và vô cùng khác biệt? Rằng đó là tác phẩm của một thời song lại như hướng đến một số phận toàn thể và vì thế phi thời?
Ai có thể trả lời rành rõ, ngoài bạn, người đọc sách?
– “… Tôi không sợ quá lời khi nói điều này: nhật ký Thuỳ Trâm đang gây ra một cuộc đánh thức đạo đức nghiêm trang trong xã hội chúng ta, trong mỗi chúng ta. Và còn điều này nữa: Không chỉ chúng ta mà cả những người từng ở bên kia trận tuyến một thời từng là kẻ thù sinh tử của chúng ta, họ cũng bị rung chuyển dữ dội. Đến mức buộc từ nay phải nhìn thế giới một cách hoàn toàn khác…” – Nhà văn Nguyên Ngọc.
– “… Tôi có cảm tưởng ngay cả các nhà văn có nhiều lăn lộn ở chiến trường thời gian qua cũng viết như để làm hàng chứ chưa ai viết bằng tất cả tâm huyết của bản thân. Những ghi chép chân thực của Đặng Thuỳ Trâm khiến người ta muốn bình tâm nhớ chuyện những năm chiến tranh để cùng suy nghĩ lại về quá khứ…” – Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn.
– “… Thời nào tuổi trẻ cũng đam mê và mạnh mẽ. Mỗi thế hệ gánh trên vai mình một sứ mệnh của thời mình sống. Bàn tay thời nào cũng để làm công việc của thời đó. Đặng Thuỳ Trâm, và những người như chị, đã giơ thẳng cánh tay xung phong vào chiến trường, và bàn tay họ đã đem về cho dân tộc chiến thắng của tự do và độc lập…” – Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.
– “Khẩn thiết và giản dị, tác phẩm này làm trái tim nhói đau” – Tạp chí phê bình văn học Kirkus.
– “Như quà tặng của một nữ anh hùng hy sinh ở tuổi 27, nhưng tiếng nói của cô vẫn sống để nhắc chúng ta về tính nhân văn và sự tốt đẹp những điều vẫn tồn tại trong chiến tranh bất kể mọi rùng rợn và hỗn độn của cuộc chiến” – Francis Prose, Tạp chí the Oprah.
– “Đầy bi kịch trong tình cảm cũng như bi kịch chiến tranh” – Seth Mydan, Thời báo New York.
Mời bạn đón đọc.