Thuận
Tốt nghiệp Văn khoa Đại học Tổng hợp Sorbonne, Thuận hiện sống ở Paris và là tác giả của 7 tiểu thuyết, trong đó 4 đã được dịch và xuất bản tại Pháp.Năm 2013, tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn đã mang lại cho Thuận giải Sáng Tạo (Bourse de Création) của Trung tâm Sách Quốc …
- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Thang Máy Sài Gòn
Năm 2004, một thiếu phụ trẻ gốc Việt, sau cái chết khó hiểu của mẹ cô trong thang máy Sài Gòn, đã quyết định đi tìm người đàn ông có tên Paul Polotski mà mẹ cô từng gặp và yêu trong nhà tù Hỏa Lò, đêm trước chiến dịch Điện Biên.
Giữa Hà Nội và Sài Gòn, Paris và Bình Nhưỡng, vừa hài hước vừa bướng bỉnh, ly kì, hành trình tìm kiếm của cô là những tuyệt vọng của một nửa thế kỷ bị lãng quên.
Thang máy Sài Gòn được trao tặng Giải Sáng tạo (Bourse de Création) năm 2013 của Trung tâm sách quốc gia Pháp (Centre National du Livre).
Nhận định:
"Trong Thang máy Sài Gòn, chính trị và tình cảm được xử lý như những chất liệu nghệ thuật độc đáo. Điện Biên Phủ, Đông Dương hay tình yêu đã mất chỉ là những ảo ảnh của một cuộc thử nghiệm văn chương khó nhọc và vô cùng cá nhân."
(- Tiến sĩ văn học Đoàn Cầm Thi)
***
Trích đoạn:
Sài Gòn
Đêm mưa tầm tã. Đêm mưa trái mùa năm 2004, mẹ em qua đời, vì một tai nạn phi lý, có lẽ chưa kịp có tên trong tiếng Việt. Anh Mai, anh trai duy nhất của em, xây ngôi nhà không biết thứ bao nhiêu, vẫn cao tầng, nhưng lần này quyết định lắp thang máy tư gia, nghe nói là đầu tiên của cả nước. Để đánh dấu sự kiện này, anh mua vé máy bay mời mẹ vào Sài Gòn. Anh bảo, mẹ phải bấm nút khánh thành thang máy, đi một vòng từ tầng trệt lên tầng thượng, quay trở lại, thì khách mới có quyền sử dụng. Anh mời cả truyền hình và báo chí tới dự. Không khó hình dung những kịch bản kiểu này, em vẫn dành một buổi tối, ngay sau đám tang mẹ, để xem hết một CD sáu mươi phút cùng một tập mấy trăm bức ảnh. Xem xong, lại ngồi xem tiếp một CD sáu mươi phút cùng một tập mấy trăm bức ảnh nữa, về chính đám tang mẹ, mà bản thân em đã chứng kiến từ đầu tới cuối.
Mẹ bao giờ cũng khác thường, từ nhỏ em đã nhận thấy như vậy, trong đám đông hay đứng một mình, dù là họp đảng ủy hay họp khu phố, dù là nhận bằng khen hay trao phần thưởng, và bây giờ, trên bàn thờ, giữa những người đã khuất, những người thân của mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị của mẹ… Và cả bố nữa. Anh Mai đã cố tình để hai tấm chân dung sát nhau, trước mặt bày bình hoa hồng đỏ, thế nhưng bố và mẹ vẫn cứ như những kẻ xa lạ, như chưa từng cùng đăng ký kết hôn, chưa từng sống với nhau hai mươi năm, chưa từng có hai đứa con (là anh Mai và em) rồi hai đứa cháu (là cái Ngọc con anh Mai và thằng Mike con em). Suốt buổi tối, em đã thử nhiều lần, những lúc còn tỉnh táo và cả khi bất ngờ chợp mắt, mà không sao hình dung lại cảnh gia đình ngày trước, khuôn mặt mẹ thì rõ mồn một, còn khuôn mặt bố liên tục phải nhờ đến sự trợ giúp của tấm chân dung, tấm chân dung giữa hoa hồng đỏ và hương khói nghi ngút. Bố mất trước mẹ mười năm…
Mời bạn đón đọc.
Đọc sách: Từ một tai nạn thang máy ở Sài Gòn
(Thethaovanhoa.vn) -Tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn (Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2013) là tác phẩm mới nhất của Thuận xuất bản tại Việt Nam (sau phiên bản tiếng Pháp). Bản tiếng Pháp tác phẩm này được Trung tâm sách quốc gia Pháp trao giải Sáng tạo năm 2013.(Thethaovanhoa.vn) -Tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn (Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2013) là tác phẩm mới nhất của Thuận xuất bản tại Việt Nam (sau phiên bản tiếng Pháp). Bản tiếng Pháp tác phẩm này được Trung tâm sách quốc gia Pháp trao giải Sáng tạo năm 2013.
1. Đây là tiểu thuyết mà theo nhà văn Thuận : "Lần đầu tiên tôi viết một tác phẩm có vẻ lằng nhằng, rối rắm, với khá nhiều nhân vật và nhiều chi tiết ảo tưởng. Tôi hoang mang lắm".
Lấy cảm hứng từ một tai nạn thang máy ở Sài Gòn, tác phẩm bắt đầu bằng cảnh cô con gái đi tìm người tình xưa của mẹ, nhưng nếu bạn chờ đợi ở đó một thiên tình sử đẫm lệ thì bạn sẽ thất vọng, mà nếu bạn chờ đợi ở đó một tiểu thuyết trinh thám ly kỳ thì bạn cũng sẽ thất vọng nốt. Thang máy Sài Gòn đề nghị bạn một cách đọc năng động hơn một chút.
Bạn sẽ thấy những điều tác giả kể chỉ là những giả thiết, mà chính tác giả cũng chẳng biết gì hơn độc giả, luôn ở trong trạng thái hoang mang với câu hỏi: sao người tình xưa của mẹ tìm mãi không ra? Trong sự thật về mẹ thì ngày càng hiển hiện, dù không biết sự thật đó đúng bao nhiêu phần trăm.
2. Người đặt tên cho tiểu thuyết này là Janine Gillon, đồng dịch giả với Thuận trong bản Pháp văn L'Ascenseur de Saigon do NXB Riveneuve ấn hành. Thuận kể: "Tôi cứ dịch khoảng chục trang lại gửi cho bà, bà chỉnh sửa rồi gửi lại cho tôi, tôi đọc lại nếu thấy không ổn thì trao đổi rồi lại chỉnh sửa, trao đổi. Ròng rã hơn sáu tháng trời. Không biết bao nhiêu công sức. Có những lần đi nghỉ bà cũng mang máy vi tính theo để làm việc. Cuối cùng bà bảo: Tháng 10 này phải dịch cho xong, không thì tao bỏ đấy".
Tôi còn nhớ, mươi ngày sau khi bản dịch hoàn tất, bà đột ngột viết email cho tôi trong đêm muộn. Hóa ra bà đề nghị mấy tên tác phẩm bằng tiếng Pháp. Cái tựa L'Ascenseur de Saigon là do bà nghĩ ra. Tôi ưng ý đến độ đổi tựa tiếng Việt thành Thang máy Sài Gòn".
Cũng xin nói thêm, Janine Gillon (1932-2012) chính là học trò tiếng Việt của Thuận từ 18 năm trước. Sau 9 tháng nhập môn, bà sang Việt Nam lưu trú để nâng cấp, sau đó là đồng dịch giả và là người hiệu đính nhiều tác phẩm như: Xuân Tóc Đỏ (Le Fabuleux Destin De Xuan le rouquin) của Vũ Trọng Phụng, Mảnh đất lắm người nhiều ma (Des Fantômes Et Des Hommes) của Nguyễn Khắc Trường, Une Vie De Chien của Bùi Ngọc Tấn, L'Ile Aux Femmes của Hồ Anh Thái…
"Tiểu thuyết của Thuận có thể xem là một thách đố đối với những ai đã quen với những mô hình truyền thống của thể loại, và bản thân tác giả cũng quan niệm viết như một hành động quấy rầy độc giả hơn là thỏa mãn tầm đón nhận của công chúng. Tiểu thuyết của Thuận mang đặc điểm của một loại tiểu thuyết hiện đại "sẵn sàng đảm nhận những đòi hỏi cao nhất của thơ" (chữ dùng của Milan Kundera)" – theo thạc sĩ ngữ văn Nguyễn Xuân Lệ Hằng.
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 6/10/2013)
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Thang máy Sài Gòn – lần tìm về quá khứ
"Paris bây giờ tạm thuộc về quá khứ. Hà Nội đã thuộc về quá khứ từ lâu". Vậy còn Sài Gòn?
Năm 2004, một thiếu phụ trẻ gốc Việt, sau cái chết khó hiểu của mẹ cô trong thang máy Sài Gòn, đã quyết định đi tìm người đàn ông có tên Paul Polotski mà mẹ cô từng gặp và yêu trong nhà tù Hoả Lò, đêm trước chiến dịch Điện Biên.
Đó hứa hẹn là một cuộc hành trình gian nguy, kịch tính nhưng cũng là chìa khoá mở ra những điều mới mẻ mà thiếu phụ này cần tìm thấy trong cuộc đời. Giữa Hà Nội và Sài Gòn, Paris và Bình Nhưỡng, vừa hài hước vừa bướng bỉnh, ly kỳ, hành trình tìm kiếm của cô là những tuyệt vọng của một nửa thế kỷ bị lãng quên.
Thang máy Sài Gòn của Thuận được trao tặng giải Sáng tạo (Bourse de Création) năm 2013 của trung tâm Sách quốc gia Pháp (Centre National du Livre). Thuận tốt nghiệp khoa văn đại học Sorbonne, hiện sống ở Paris và là tác giả của sáu tiểu thuyết, trong đó Chinatown, T mất tích và Thang máy Sài Gòn đã được dịch và xuất bản ở Pháp. "Trong Thang máy Sài Gòn, chính trị và tình cảm được xử lý như những chất liệu nghệ thuật độc đáo. Điện Biên Phủ, Đông Dương hay tình yêu đã mất chỉ là những ảo ảnh của một cuộc thử nghiệm văn chương khó nhọc và vô cùng cá nhân" – nhận định của tiến sĩ văn học Đoàn Cầm Thi.
Nhà văn Thuận sống ở Paris, tác giả 6 tiểu thuyết trong đó Thang máy Sài Gòn bản tiếng Pháp được trao Giải Sáng tạo 2013 của Trung tâm Sách quốc gia Pháp. Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành.
(Báo eva.vn giới thiệu ngày 28/10/2013)
Theo Trâm Anh (Sài Gòn tiếp thị)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn