Tập Sinh ra là thế gồm hai truyện dài: Trong máy giặt và Sinh ra là thế. Có vẻ như được chia hai, nhưng mạch cảm xúc thì đi về nhịp nhàng. Đọc xong truyện Trong máy giặt, bắt nhịp tới Sinh ra là thế, không bị ngắt bởi hàng rào phân chia "nhà bên này" với "nhà bên kia". Cùng chung một cách kể chuyện, một giọng văn, nên hai truyện gối đầu sát nhau tựa như hai căn hộ xây liền kề cùng một thiết kế, chỉ khác là chủ nhân.
Điên khùng sâu lắng
Từ lời giới thiệu của họa sĩ Trần Ngọc Sinh, cũng là người làm biên tập cuốn này, "Sinh ra là thế là tác phẩm độc đáo hòa trộn sự huyễn hoặc và hài hước điên khùng sâu lắng", đừng nhanh chóng hiểu tác giả có vẻ bề ngoài cũng giống như một chàng nhà văn ưa lảm nhảm những chuyện tào lao bên bàn nhậu say khật khưỡng. Cái sự điên khùng sâu lắng của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần nằm bên trong anh, thông qua các tác phẩm, có thể là văn chương, đôi khi là điện ảnh, hoặc qua vài bức chân dung chụp bạn bè, chụp con, chụp vợ để hiển lộ.
Sự điên lắm khi, chỉ đơn giản là người ấy biết sống thật, nghĩ thật, làm thật. Và cái tình hồn nhiên yêu thương của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, làm cho người tiếp xúc cũng được ở trong trạng thái bình yên.
Nếu một ngày, trong một quán nước, bạn có vô tình gặp Nguyễn Ngọc Thuần đang nhẩn nha bên ly cà phê, nhìn dáng vẻ đó, bạn không thể đoán được nghề nghiệp của anh. Áo sơ mi cắm gọn gàng trong quần âu tối màu, với dép xăng đan, vẻ lóng ngóng của một anh công chức nhà nước của những năm thập niên 80 thế kỷ trước, ngồi bên cạnh là cô con gái nhỏ xinh xắn tóc tết hai bên mặc váy đồng phục của trường, và nét hiện đại duy nhất đến từ hai cha con, là cô nhỏ ấy ngồi chơi game nhoay nhoáy trên Ipad.
Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần rất thú vị, không phải vì anh là người hoạt ngôn, hay kể tốt những câu chuyện hài, hoặc có khả năng làm cho sôi nổi bàn luận từ một vấn đề… mà là khi bên anh, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn một tâm hồn từ ánh mắt sáng đến kiểu cười hồn hậu, từ cách quan tâm đến câu chuyện người đối diện chăm chú chân thành, đến kiểu bàn tay thô tháp của anh vén mái tóc tơ để lau mồ hôi cho con gái. Câu chuyện giữa tôi và nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần lan man từ công việc của anh, đến cô con gái ngồi bên, sang tác phẩm đang in (cuốn Sinh ra là thế), qua đồng nghiệp văn chương (mà anh ít biết ai với ai hoặc không có gì để kể), rồi tập trung vào phần điện ảnh.
Nguyễn Ngọc Thuần có vẻ đang muốn tìm hiểu thêm những kỹ năng điện ảnh, cụ thể là làm phim ngắn giản dị mà quái quái, lĩnh vực mà anh đang thử sức. Có lẽ sự dung hòa giữa làm phim đã đi vào truyện, nên trong Sinh ra là thế, vừa mang màu sắc văn chương, lại có những hình ảnh có thể quay phim được.
Hồn nhiên cuộc đời
Nguyễn Ngọc Thuần viết về những thứ rất gần gũi với bạn, hiển hiện trong cuộc sống của bạn. Như Trong máy giặt, câu chuyện rất đơn giản, bạn mua một cái máy giặt về và không hiểu sao trong máy có sẵn một con ma. Đó là một bà già ưa sạch sẽ thích ngồi chồm hỗm trên máy giặt và mỗi đêm lại giặt tất cả quần áo trong nhà của bạn, cái sự tốn xà bông, hao điện hay tiếng chạy ì ì ma quái của máy giặt giữa đêm bỗng dưng không thành vấn đề khi một ngày bạn, vợ cùng hai cô con gái bị rạn vỡ tình cảm.
Hai cô con gái cho rằng, bạn và vợ của bạn, trái với các lề thói đạo đức bạn đã dạy chúng, đang âm mưu giết bà cụ "yêu quý" của chúng (qua việc bạn gọi người sửa chữa máy giặt đến để xử lý vấn đề máy giặt, bao gồm cả việc làm sao tống được con ma ra khỏi nhà).
Cái hay trong tập Sinh ra là thế, là ở chỗ nhà văn đã có những thắc mắc và chỉ điểm hồn nhiên trong cách vận hành suy nghĩ của con người. Ừ thì câu chuyện về con ma trong máy giặt, khi người ta chấp nhận trong mỗi nhà sẽ có một con ma, hoặc cụ thể hơn mỗi con người đều ẩn chứa một vài ba con ma (thói hư, tật xấu, những cảm xúc chán chường, lo lắng, mệt mỏi, sợ hãi, hay thú tính còn rơi rớt), thì vấn đề đơn giản hơn rất nhiều, là xử lý và tống chúng đi. Nhưng cái đơn giản ấy, loài người lại dùng một loạt những lý do có vẻ thật điên khùng, để bao biện cho cái việc khỏi phải động vào những con ma ấy, và dĩ nhiên chúng vẫn sống chung cùng chúng ta, thậm chí còn sinh sôi nảy nở. Chính từ đó, nảy sinh ra những lạnh lùng chia rẽ trong mỗi người, và để giải tỏa được những ẩn ức khổ đau, con người thay vì tìm đến với con người, lại trả tiền để một con cá heo dụi mõm vào mặt hay tìm đến một con chó có khả năng làm cho người ta nhẹ nhõm hài lòng.
Giọng văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, luôn mang một vẻ hài hước nhẹ nhàng cùng những ý tưởng, mà nó chảy tràn trong não anh cũng như những con người ưa nói về vấn đề xa lạ thay vì giải quyết một việc rất gần. Và họ cứ nói và nói, nghĩ và nghĩ, nhưng bắt tay vào làm, thì rốt cuộc đành để mặc để hôm sau xử lý tiếp.
Thì trên thực tế, chúng ta vẫn hay tránh né vấn đề thật sự của mình bằng một cách trái khoáy nào đó, mà dĩ nhiên vẫn mặc sức coi là bình thường một cách hồn nhiên.
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 9/6/2013)
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn