Các bạn tôi ở trên ấy (NXB Trẻ) là tập sách mới nhất của ông, gồm 24 bút ký về vùng đất mà ông từng gắn bó lâu dài. Ở đó, thiên nhiên và con người Tây Nguyên với nền văn hóa phong phú, độc đáo được ông khắc họa rõ nét.
Trong Hiền minh của rừng, ông viết ngắn, nhưng đọc xong ta nhớ mãi những chi tiết khá độc đáo. Ngày nọ, ông cùng những người bạn Thụy Sĩ ngồi quanh cái bếp trên nhà sàn Tây Nguyên, ở đó có treo những quả bầu đựng nước. Một phụ nữ Thụy Sĩ muốn mua hai trầu bầu kia. Thế nhưng chủ nhà – cũng là già làng Dak Rơwa không bán. Thật bất ngờ, nhà văn Nguyên Ngọc viết tiếp: "Im lặng một lát, rồi ông chủ nhà lại nói tiếp, vẫn thản nhiên như không:
– Không bán… chỉ cho thôi. Thích, xin, thì cho!
Bây giờ thì đôi vợ chồng quí phái Thụy Sĩ thật sự sửng sốt. Họ như không còn tin ở tai mình nữa.
Ông chủ nhà chậm rãi đứng dậy, cầm quả bầu từ trên giàn tre xuống. Quả thật nó đẹp đến mê hồn. Hai anh chị lập cập đứng dậy. Chị vợ gần như cúi gập cả người xuống, run run đưa tay ra đỡ lấy quả bầu. Chị đã cầm được quả bầu. Nhưng thật bất ngờ, ông chủ nhà bỗng giật lấy lại:
– Không, không, chưa được!
Ngay cả chúng tôi cũng sửng sốt. Chuyện gì đây? Chúng tôi đã lại phạm phải điều thất thố gì chăng?
Không nói không rằng, ông già đưa tay gỡ lấy cái nút trên miệng quả bầu vứt đi: đấy là một cái nút quấn bằng nilông. Rồi ông lấy từ trên sàn treo một mảnh lá chuối khô, chậm rãi cuốn thành một cái nút thật khéo, thật chặt, cắm vào miệng quả bầu. Bây giờ ông mới trao hẳn nó cho chị Thụy Sĩ:
– Phải thế này này. Thế này mới đúng là quả bầu Ba Na!".
Thế đấy, từng chi tiết khắc họa tính cách người Tây Nguyên được chắt lọc đến độ đọc xong ta nhớ mãi. Với các bút ký như Tượng gỗ rừng già, Người hát rong giữa rừng, Lửa nguyên thủy v.v… ta cảm nhận rằng, nhà văn Nguyên Ngọc đã yêu mến, hiểu sâu sắc về Tây Nguyên đến dường nào.
Và cũng có nhiều thú vị được phát hiện như trường hợp ca khúc Bóng cây K'nia rất nổi tiếng do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, lâu nay, ta vẫn nghĩ là nhà thơ Anh Ngọc dịch bài thơ này. Thật ra không phải: "Chính tôi, mãi về sau tôi mới biết, chẳng phải "dịch" gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. Bóng cây K'nia là bài hay nhất. Lạ lùng thay, tôi, tôi phải viết hàng mấy trăm trang hì hục để có một chút gì đó Tây Nguyên, một chút gì đó miền Nam.
Ngọc Anh thì chỉ viết:
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc
…
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ
…
Rễ mày uống nước đâu?
Uống nước nguồn miền Bắc
Chẳng cần thêm một chữ nào nữa. Vang động tận đáy lòng ta. Vang động cả tâm hồn dân tộc. Bóng cây K'nia đã trở thành dân ca chính cống. Ngọc Anh dịch hay sáng tác, chẳng có gì quan trọng. Cả nước chấp nhận nó. Người Tây Nguyên chấp nhận nó".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ghi nhận rằng: "Với Nguyên Ngọc là thứ văn trong sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt. Đọc cứ bàng hoàng váng vất mãi". Thật vậy, khi đọc Các bạn tôi ở trên ấy, chúng ta cảm nhận điều này rất rõ. Và có một điều chắc chắn, sau khi đọc tác phẩm này, trong lòng ta lại dạt dào một niền cảm xúc những muốn "phiêu du" một chuyến lên Tây Nguyên, bởi những trang viết của nhà văn Nguyên Ngọc lôi cuốn và ấn tượng quá.
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu 21-1-2013)
T.K
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn