Giới thiệu sách Lính Trận
Với Lính trận, địa danh chiến trường PleiMe trở thành cái tên xuyên suốt tác phẩm, khắc sâu vào tâm trí người đọc với đủ phương diện, cấp độ của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Và cũng qua đó, người ta cảm nhận được những sắc độ của “thất tình” (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục) của người lính, nhất là những người lính trẻ năm xưa. Nếu bạn đã đọc tác phẩm này, hẳn còn nhớ tới một trang mà nhân vật trong truyện đã ghi lại tên tuổi những đồng đội đã hy sinh sau một trận đấu. Người trẻ nhất tuổi chỉ vừa đôi tám, người “già” nhất cũng chưa tới 23. Những người lính đi vào trận chiến chỉ mang trong lòng duy nhất một khát vọng làm người anh hùng cứu quốc. Hành trang của họ, thậm chí, còn chưa kịp có một cái hôn đầu.
Một cảm nhận rất dễ thấy ở tác phẩm này là tính tự truyện của người viết. Giọng điệu trần thuật sử dụng ngôi thứ nhất với nhân vật chính là Bỉnh choắt, hay Bỉnh còi. Xung quanh Bỉnh là một trung đội với những cái tên như Khôi đen, Nam ú, Xuyên con, Chính béo, Ton nồng, Tíu xoăn, Báu chèo, Ty hâm, Tụ già, Hiễn đẹp trai. Mỗi người mỗi tính, mỗi tật. Kèm theo tên cúng cơm của họ đều có những từ đệm định danh đặc trưng cho họ. Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết với tư cách một người trong cuộc khi miêu tả sinh động những nét tâm lý rất hồn nhiên và cũng rất đời của những người lính trẻ năm xưa (biết đâu có thể là ngay trong hôm nay vẫn vậy!). Những người lính chia sẻ với nhau khát khao được ngắm nhìn một cô gái đẹp, người “sờ ngực”, được “bóp” đôi gò bồng đảo. Nếu dùng theo ngôn ngữ hôm nay thì các chiến sỹ thời ấy đã lấy những câu chuyện tếu táo, “chém gió” làm liều thuốc tinh thần đặc hiệu để vượt qua bom đạn, những cơn sốt rét run người và cả cái chết có thể đến rất dễ dàng và lắm khi thậm vô lý. Chiến trường dữ dội và khốc liệt. Nó không như trong hình dung đầy mầu hồng mà anh lính Bỉnh choắt từng thú nhận. Không có những tên giặc tự giàn hàng cho chiến sỹ ta nổ súng. Không có những thành tích dễ dàng đạt được và không có những phóng viên sẵn sàng chờ đợi để phỏng vấn thành tích oai hùng của những người lính trận. Chiến trường là những ngày chiến chinh gian khổ, hôm nay sống mà chưa biết mai thế nào. Chiến trường là những bãi thây người chết cả ta và địch mà có khi, mùi tử khí bốc lên đến ngợp cả một khoảng trời. Chiến trường là những đợt bom B52, B57 làm nổ tung lồng ngực và san phẳng cả một vùng mênh mông chết chóc. Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết và in cuốn sách này lần đầu năm 1997, nghĩa là cách đây đã 15 năm. Và vào thời điểm ấy, ông đã có thể nhìn nhận rồi viết về sự khốc liệt của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước theo một cách trực diện và thẳng thắn hơn.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc, chúng ta đã phải đổ máu quá nhiều. Sự thật ấy, dẫu né tránh, cũng không thể né tránh mãi. Và mối tình có vẻ như “vượt rào” của Chuốt với cô H’Rieul rõ ràng chỉ là những khoảnh khắc vui quá ngắn ngủi và hiếm hoi với những người lính trận. Dẫu thế thì nhà văn vẫn phần nào đó có chút rụt rè khi nói về tình cảm đôi lứa. Cũng dễ hiểu thôi, khi cuộc chiến còn đang quá dữ dội và ác liệt, khi những người đồng đội ngày càng thưa dần, một số nằm lại nơi này, số khác lại nằm lại nơi kia, những hạnh phúc riêng tư giữa chiến trường đôi khi giống như tội ác. Là một người trong cuộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh hẳn thấm thía điều đó hơn bất cứ ai. Nhà văn không khắc họa những nhân vật anh hùng điển hình như cách mà các tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh vẫn thường làm. Ông muốn khắc họa cả một tập thể những người lính trận trong một môi trường mà cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu trở thành một lẽ bình dị như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Và chính điều đó đã làm nên một biểu tượng của tinh thần, ý chí anh hùng mạnh mẽ nhất. Có thể nói, đây cũng là một sự lựa chọn đầy ý thức trong nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn Trung Trung Đỉnh.
Không đề là tự truyện, nhưng cảm giác tự truyện, như đã nói, rất rõ trong cuốn sách này. Rõ ràng, nhà văn Trung Trung Đỉnh, sau những năm tháng cận kề cái chết bên những người đồng đội, đã muốn viết một điều gì đó để tri ân với những người đồng chí của mình. Có thể họ chỉ là những người lính trận rất đỗi bình thường, nhưng họ đã dâng hiến tuổi xuân theo đúng nghĩa đen của từ này để cho những người như Bỉnh choắt có cơ hội “được sống và kể lại”, để nhớ về những năm tháng không được phép lãng quên trong lịch sử dân tộc.
Mời bạn đón đọc.