- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Say sóng
Mỗi nhà văn đều có phong cách viết riêng của mình, song nhà văn – dịch giả Mai Sơn cho rằng Say sóng là tập truyện “không đầu không cuối” thể hiện “cuộc phiêu lưu của những nhà văn tự tin”. Mai Sơn nhận định: “Từ bỏ một cốt truyện chặt chẽ, từ bỏ một câu chuyện dù hay ho thú vị đến cỡ nào, để viết một truyện ngắn “không đầu không cuối” là một cuộc phiêu lưu của những nhà văn tự tin biết mình có những phương cách khác để cuốn hút người đọc… Trong tập sách này, các nhà văn Bích Ngân, Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, bằng nhiều cách khác nhau, đã vượt khỏi cách xây dựng cốt truyện thông thường để thể hiện trong các truyện ngắn của mình những dự phóng và đặc điểm nghệ thuật kể trên”.
Vẫn thấp thoáng có những câu chuyện, nhưng không được kể ra mạch lạc một cách chủ ý, chỉ thấy một hai mảnh nhỏ phản chiếu cái toàn cảnh, một vài chi tiết khơi gợi một bức tranh. Như thể họ muốn nói với người đọc rằng, “Cũng như tôi, các bạn đã biết câu chuyện xảy ra thế nào rồi đấy; đây chỉ là cái nhìn của tôi về nó.”
Không có kịch tính Hy Lạp; chỉ có sự quyến rũ của bút pháp.
Ít thấy sự trật tự của hành động hay sự kiện; chỉ có sự xao động khó nắm bắt của tâm tưởng.
Mời bạn đón đọc.
SAY SÓNG
PNO – Có một điều thú vị là trong tập truyện ngắn Say sóng (NXB Văn hóa Văn nghệ), bốn nhà văn đương đại cùng “đứng chung”.
Đó là Bích Ngân, Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam. Mỗi nhà văn góp 5 tác phẩm làm nên độ dày cuốn sách hơn 200 trang in.
Ở đây, các nhà văn chọn những truyện ngắn mà họ ưng ý nhất theo phong cách riêng tương đối đồng nhất. Đó là sự thể nghiệm cách viết truyện ngắn không có cốt truyện rõ ràng. Trong truyện ngắn của họ, đôi khi chỉ là những cảm nhận về những gì đã bắt gặp trong cuộc sống.
Ta có thể kể đến những trăn trở đời thường, những âu lo trong quan hệ xã hội trong Lửa chiều, Trên đường (Nguyễn Danh Lam); hoặc suy tư về số phận của con người trước thiên nhiên bao la như Biển, bình minh và đôi lứa; Ban mai dịu dàng (Bích Ngân); hoặc những khắc khoải đời sống đô thị trong Nhẫn gỗi nâu, Một số người tốt (Phan Hồn Nhiên); hoặc là những "ghi chú" của cảm giác trước một sự việc nào đó qua Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh, Tình án (Trần Nhã Thuỵ)…
Lối viết này có thể sẽ khó hấp dẫn những bạn đọc đến với truyện ngắn như cách giải trí đơn thuần. Thế nhưng, nếu đọc chậm rãi và muốn tìm hiểu diễn biến tâm lý nhân vật thì ta sẽ thấy thú vị và có thể "gật gù" bởi cảm nhận tinh tế của các nhà văn.
Trong tình hình truyện ngắn Việt Nam những năm gần đây chưa có những tác phẩm đột phá đáng kể về phong cách thì Say sóng cũng là một tín hiệu mới đáng ghi nhận.
Phi Yến
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn