Ông cho biết tập sách Văn hóa… gỡ lần này có công sức sưu tập chung của TS Hà Minh Châu (Ðại học Sài Gòn), các tác phẩm in trong tập được tìm thấy trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy và báo Mới.
* Từ những quan tâm về văn học Nam bộ, nguyên do gì khiến ông đã dành nhiều công sức sưu tầm tác phẩm của Vũ Bằng?
– Vũ Bằng đối với tôi cũng có một chút duyên. Tôi là người đưa tác phẩm Món lạ miền Nam của Vũ Bằng (nguyệt san Tân Văn, Sài Gòn, 1970) cho chị Nguyễn Bính Hồng Cầu tái bản lần đầu tiên ở NXB Văn Nghệ TP.HCM.
Văn hóa… gỡ bao gồm phóng sự tám kỳ đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, lúc đầu có tên Khúc ngâm trong đất Hà – ghi những điều mắt thấy tai nghe tại Hà Nội. Bên cạnh đó là các bài viết về các đề tài khác trước đây chưa được tập hợp thành sách, chỉ mới đăng báo từ khoảng năm 1941-1954: Thông cáo về việc gạo, Lá cờ trên công sở, Tôi vừa trẩy hội chùa Hương, Một chữ bẻ làm đôi, Tình đặc biệt, Ăn tết chữ…
Một lần đến nhà lưu niệm Ðông Hồ ở Hà Tiên để sưu tầm tài liệu cho đề tài nghiên cứu cấp trọng điểm Ðại học Quốc gia Văn học Nam bộ 1945-1954 do tôi làm chủ nhiệm, tôi lại tình cờ đọc được nhiều phóng sự, truyện của Vũ Bằng trên báo Mới, một tờ báo xuất bản ở Sài Gòn những năm 1952 – 1954 do Phạm Văn Tươi làm chủ nhiệm. Ðây là những tác phẩm lâu nay chưa ai nhắc đến và cũng chưa được đưa vào Tuyển tập, Toàn tập Vũ Bằng.
Vũ Bằng là một nhà văn tôi yêu thích đã lâu, lại có sự đồng cảm với những lận đận trong đời của ông, vì thế tôi muốn giới thiệu cho những bạn đọc yêu Vũ Bằng và những nhà nghiên cứu Vũ Bằng các tác phẩm mới phát hiện này để chúng ta hiểu thêm về một nhà văn tài hoa, về một giai đoạn đau thương của đất nước, để bổ sung cho gia tài văn học vốn chưa giàu có lắm của chúng ta.
* Sự nghiệp sáng tác của Vũ Bằng thật đa dạng và phức hợp, có thể nói gì về vai trò tác phẩm của ông với văn học Nam bộ không?
– Trước 1954, Vũ Bằng chưa hoạt động văn học ở miền Nam, nhưng đã có nhiều tác phẩm được công bố trên báo chí ở Sài Gòn. Báo Mới đã đánh giá rất cao Vũ Bằng qua mấy lời cuối phóng sự Hà Nội trong cơn lốc của Vũ Bằng in trên báo: "… Với cốt tính đặc biệt ấy của một nhà văn miền Bắc, không phải đến bây giờ, nhờ thiên bút ký này, Vũ Bằng mới tạo cho mình một chỗ ngồi trong văn đàn của xứ sở.
Từ đã lâu lắm, những công trình sáng tác của Vũ quân, rải rác khắp các báo chí trong Nam ngoài Bắc, đã khiến bút hiệu Vũ Bằng thành một bảo đảm văn chương".
Sau năm 1954, như chúng ta đã biết, Vũ Bằng vào miền Nam và hoạt động rất sôi nổi cả trên hai lĩnh vực văn học và báo chí. Tác phẩm của ông do đó đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với văn học miền Nam.
* Trong rất nhiều đề tài mà Vũ Bằng đã đề cập, khai thác, theo ông, những vấn đề gì đang còn hấp dẫn giới nghiên cứu văn học, và người đọc hôm nay? Nếu nói ngắn gọn về một đặc điểm riêng biệt trong nghệ thuật Vũ Bằng thì đó là gì?
– Ngoài việc bổ sung, hoàn chỉnh gia tài sáng tác của Vũ Bằng, các tác phẩm mới phát hiện của Vũ Bằng, theo tôi, cũng đáng được giới nghiên cứu văn học và cả giới báo chí chú ý. Ðặc biệt các phóng sự của ông vẫn còn rất thời sự, chẳng hạn như vấn nạn buôn bằng cấp, nạn đạo văn, đạo sách, "ai trả tiền thì viết thì dịch, không cần biết những người trả tiền đó làm hại dân tộc mình", "cách kiếm tiền mau và mạnh" bằng cách cho in sách rẻ tiền của các nhà xuất bản. Ðó là những người bị ông mắng là "bọn người đánh đĩ văn nghệ". Rồi nạn chăn dắt ăn mày, bọn thầy thuốc vô lương tâm chữa bệnh chỉ vì tiền, bọn đầu cơ chính trị, đám công chức bất tài vô dụng…
Cách viết của ông cũng đáng cho các nhà báo viết phóng sự hiện nay suy nghĩ. Ông quan sát, tìm hiểu rất sâu vấn đề, có cái nhìn hiện thực sắc sảo, giọng điệu trào lộng rất chua cay nhưng vẫn tràn đầy một niềm tin vào con người, vào dân tộc, vào thế hệ tương lai. Các tác phẩm của ông vừa có tính thời sự của báo chí, đồng thời lại có chất văn học, vì thế đã gây ấn tượng lâu dài nơi bạn đọc.
Uyên bác, tinh tế, sắc sảo và giàu cảm xúc, đó là đặc điểm của văn chương Vũ Bằng.
LAM ÐIỀN
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn