Tôi đã lỡ hẹn với tập truyện này khá lâu.
Lâu đến mức không thể lâu hơn được nữa.
Tại sao? Bởi đây là một tập tuyển truyện ngắn của những người trẻ. Mà để lâu nữa thì người viết đang trẻ sẽ thêm tuổi. Thực ra, trẻ chỉ là một khái niệm tương đối, nhất là tính về tuổi tác. "Trăng bao nhiêu tuổi trăng già / Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non", câu ca dao này có thể vận cho văn chương. Trẻ trong tập truyện này có ý nói về tuổi trẻ của người viết, nhưng để những truyện ngắn trẻ mãi được với thời gian thì có khi không phải cứ trẻ là dễ có. Tuy nhiên, với trẻ của đời người, đời viết, người ta có quyền thử nghiệm, có quyền khám phá, có quyền sai và đúng, dở và hay, bởi vì trẻ là mở đầu, là sức đẩy.
Như mỗi năm có một Rằm Giêng. Rằm mở đầu năm mới. Rằm nguyên tiêu chính nguyệt tròn đầy. "Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần" (Xuân Diệu).
Thì đây, tập truyện này đem đọc giữa Rằm Giêng, có thể khiến khát khao Xuân Hồng.
Cấn Vân Khánh day dứt nhẹ nhàng.
Nguyễn Quỳnh Trang lang thang buồn.
Nguyễn Vĩnh Nguyên trầm lắng.
Nguyễn Ngọc Tư giấu giọt nước mắt.
Vũ Đình Giang nhìn đời phác thảo.
Đỗ Bích Thúy phổ quát tình yêu.
Nguyễn Đình Tú sống nhịp hiện đại.
Phong Điệp bỏ làng ra phố.
Trang Hạ mạnh mẽ, quyết liệt.
Đặng Thiều Quang lãng mạn thời @.
Phan Hồn Nhiên suy tư.
Nguyễn Danh Lam tìm trong ký ức.
Dương Thụy nhớ về chốn cũ.
Trần Nhã Thụy hư ảo đời thực.
Trần Thị Hồng Hạnh đau niềm cổ tích.
Dương Bình Nguyên ảo vọng sắc đỏ.
Trần Thanh Hà thương đời áo ngắn.
Di Li xóa bỏ tình ca.
Khái quát cho mỗi tác giả vài ba chữ từ một truyện ngắn, ấy là tôi đang làm một việc liều lĩnh. Nhưng có sao, khi tập truyện này được đặt tên "Những truyện ngắn hay nhất của các tác giả trẻ". Hay nhất, tôi không dám chắc. Nhưng tôi chắc những truyện này là đáng đọc và đọc được. Đọc để thấy ra một dung mạo của cuộc sống trẻ hôm nay. Và đọc cũng để nhìn ra một diện mạo của nhà văn trẻ thời nay. Thực ra, khi người đọc cầm tập truyện lên tay thì người viết đã có người vượt ngưỡng bốn mươi tuổi đời. "Tứ thập nhi bất hoặc", tôi nghĩ câu này đúng chỉ với thời cụ Khổng. Đến tận thời nay, tuổi bốn mươi đang còn nhiều băn khoăn, lúng túng. Mà thế có thể lại là có lợi cho văn chương. Người viết và nhân vật chung một thế hệ, chung những băn khoăn, trăn trở trước cuộc sống, chung những hy vọng và thất vọng, cả tuyệt vọng nữa, và chung cả ý nghĩ ngày mai sẽ là một ngày mới, mình sẽ khác đi. Mười tám truyện, mười tám tác giả, mười tám cảnh ngộ trẻ khác nhau, nhưng chung lại là một chân dung thế hệ trẻ hôm nay, ở đây, bây giờ. Có vùng vẫy, có bế tắc, có tự tử, có buồn bã, có khát khao, có tình yêu, nghĩa là có một sự không bình yên trong cách sống, trong tâm tình, trong tư tưởng của những con người trẻ. Bởi vậy, người viết và nhân vật lại có chung cả người đọc, những người không bằng lòng truyện của trẻ, viết về trẻ, mà nhạt nhòa, bằng phẳng và êm dịu. Có lẽ các truyện ở đây đang có phần êm dịu, cả trong chuyện kể và kể chuyện, dù sự kiện và xung đột có cơ bùng nổ.
Và đó là một rằm giêng văn trẻ. Rằm là tròn đầy, nhưng rằm giêng là cái sự tròn đầy mở đầu cho cả một chuỗi rằm sắp sửa, không phải cái tròn đầy kết cuộc. Những truyện ở tập này đã ở lại phía sau trang viết của mỗi tác giả, đã được tiếp nối bằng những truyện khác. Có người đã khẳng định được mình. Có người đang khẳng định. Và có người đang đi tìm mình. Họ cho người đọc niềm tin và cả nỗi lo về văn chương hôm nay.
Như rằm trăng có thể quầng hay tán.
Phạm Xuân Nguyên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn