Nếu như Mộng Mỵ là gương mặt mới cầm bút thì Keng đã được biết đến qua các tác phẩm: Hồng gai, Dị bản, Muốn chết…
TT&VH có cuộc trò chuyện với hai tác giả xung quanh tác phẩm này.
* Điểm tương đồng nào giữa hai cô gái sinh ở hai thập niên, làm việc trong hai lĩnh vực khác nhau lại quyết định ra chung một đứa con tinh thần?
– Mộng Mỵ: Trước đây, Tôi và Keng đã từng cùng làm chung công việc copywriter (viết lời quảng cáo- NV) tại một công ty hơn hai năm. Bên cạnh công việc liên quan đến chữ nghĩa, chúng tôi chia sẻ với nhau khá nhiều những câu chuyện về cuộc sống, tình yêu và hôn nhân. Tuy chênh nhau 10 tuổi, nhưng chúng tôi cùng quan điểm về một số vấn đề, giống nhau một vài sở thích và có chung một mong muốn là giãi bày bằng chữ nghĩa.
– Keng: Tôi thường không câu nệ hay tính toán gì về chuyện in chung, in riêng cái nào lợi hơn. Đơn giản là khi đọc truyện của chị Mộng Mỵ, tôi thấy cách thể hiện và góc nhìn về cuộc sống khá mới lạ bởi con mắt của người thuộc về hội họa, nên muốn giới thiệu đến bạn đọc. Hơn nữa truyện của cả hai chị em đều nhất quán một đề tài về khao khát yêu thương và kết lại bằng những cái chết!
* Một Keng lập dị, khó tính đến từng chi tiết và một Mộng Mỵ mới "chạm ngõ" văn chương với một thể loại cũng khá mới mẻ: truyện thị giác. Liệu sự tương tác này có đem đến cho công chúng một cái mới hay một sự tò mò, hoặc một điều gì đó vĩ mô hơn thế?
– Keng: Lập dị thì tôi xin nhận, nhưng khó tính chắc phải nhường cho người khác. Tôi chỉ đòi hỏi sự hoàn mỹ đối với những thứ sẽ trao đi, chứ nếu của riêng tôi thì sao cũng được. Chẳng hạn một cuốn sách được xuất bản, tôi là tác giả sẽ không mong nó còn lỗi chính tả, câu cú…, bên cạnh đó, muốn nó có thiết kế đẹp từ cái bìa cho trên từng trang ruột. Còn truyện viết như thế nào, đánh giá thuộc về người đọc. Vốn dĩ đã là văn chương hư cấu thì không có cái đúng tuyệt đối, nên mới mẻ, hay tò mò, hay vĩ mô đều nằm gọn trong cái mình có thể chia sẻ và đồng cảm được với độc giả. Điều cuối cùng, bất cứ người viết nào mong muốn đều chỉ đơn thuần là được độc giả yêu mến thôi!
– Mộng Mỵ: Tôi nghĩ người đọc có thể tìm thấy trong câu chuyện của chúng tôi một niềm an ủi nào đó, một chút vui, một chút thú vị và có thể là một chút thông cảm cho những tình huống nào đó trong cuộc sống của họ. Không có gì gợi tò mò hay vĩ mô đâu.
* Điều tôi cảm nhận ở tập truyện này là Keng trẻ trung và nhựa sống chảy tràn trong từng câu chữ. Nhưng lại là một Keng bế tắc, quẩn quanh và không lối thoát. Mộng Mỵ thì "đánh bóng" cuộc sống xung quanh bằng những triết lý khôn ngoan, gam màu tinh tế nhưng cũng chưa tìm ra cho mình một lối thoát cho chính mình?
– Keng: Lối thoát của tôi là viết lại những câu chuyện đáng viết trong cuộc sống. Những trần trụi, thảm cảnh, đau thương của chính bản thân tôi và của cả người đời được hóa thân thành câu chữ có vẻ như đọng lại nhưng thực ra đang lan tỏa, san sẻ và phần nào triệt tiêu bớt những xót đắng trong số phận của những người đồng cảm.
Vốn là họa sĩ, Mộng Mỵ (tên thật là Chu Thị Mỵ) sinh năm 1973. Theo kế hoạch, tháng 12/2011 tới, nữ họa sĩ này có buổi triển lãm những tác phẩm mới trên chất liệu lụa.
– Mộng Mỵ: Thực ra, đó là câu chuyện của nhân vật, chứ chính tôi không bế tắc đến vậy. Tôi thử tìm cách lý giải cho những người phụ nữ phạm sai lầm, bằng cách nào họ đã được yêu, bằng cách nào họ đã phản bội và bằng cách nào họ đã được tha thứ… Mà thực ra, có phải họ đã sai lầm không? Có phải họ đã được tha thứ không?
* Vũ điệu cuộc sống của giới trẻ chẳng lẽ lại u sầu, tẻ nhạt và chán chường đến thế. Với Keng, một cô gái 8X chưa chạm ngõ hôn nhân đã đành…
– Keng (cắt ngang): Không hẳn đâu ạ! Chỉ là tôi thích chọn những gam màu tối để vẽ nên bức tranh treo trong căn phòng sáng tác của mình. Tôi luôn nhận mình là người bi quan, thích đắm chìm trong sầu não, cô đơn. Gieo mình vào giữa đám đông, tôi mới thấy mình vô hồn, trống rỗng. Đây cũng là một trong những lý do tôi không muốn chạm ngõ hôn nhân…
* Còn chị, Mộng Mỵ, chị cũng có đáp án như vậy sao?
– Mộng Mỵ: Tôi thấy nhân vật của tôi thú vị đấy chứ, có chán chường đâu, họ có đam mê riêng, sống khá lành mạnh, biết rung động trước cái đẹp mà… hay là chỉ mình tôi thấy vậy!?
* Rũ bỏ trần gian chỉ đơn thuần đưa đến cho độc giả một thông điệp về sự bế tắc, hỗn độn không lối thoát hay Keng và Mộng Mỵ còn muốn chuyển đến độc giả một thông điệp nào khác nữa?
– Mộng Mỵ: Có thể có, hay là để người đọc tự tìm lấy thông điệp nhỉ, vì nhiều khi người viết muốn gởi gắm điều gì đó sau con chữ nhưng người đọc lại đọc bằng kinh nghiệm của chính mình, tìm ra một thông điệp khác, nên tôi thấy có thể không cần giải thích gì thêm… Sách đã in ra, người đọc cũng đã đọc, có chuyển gì thì cũng không kịp nữa.
– Keng: Khi tôi viết những câu chuyện chỉ liên quan đến chết chóc, tôi muốn nhắn nhủ với người đọc rằng: Ranh giới giữa yêu thương và mất mát rất mỏng manh. Hôm nay người mình thương vẫn còn ở bên cạnh, thì hãy cứ yêu trọn cả con tim. Lỡ mai, một biến cố xảy ra, người xa khuất khỏi nhịp sống thế gian, thì những yêu thương mình chưa kịp trao đi sẽ trở nên dư thừa và uổng phí.
* Sách best-seller (bán chạy) hiện nay không nhiều. Keng luôn là một cái tên được nhiều nhà sách săn lùng. Việc "đi cùng" Mộng Mỵ liệu có làm giảm đi "độ nóng" của Keng không? Và việc "in chung" với Keng có tăng độ "hot" cho Mộng Mỵ không?
– Mộng Mỵ: Tất nhiên là có, độc giả biết đến Keng nhiều đương nhiên là tôi được hưởng lợi từ sự nổi tiếng của cô ấy. Cô ấy có độ phủ rộng và người thích đọc cô ấy là những người trẻ, còn những người đọc tôi, nếu có, thì ở độ tuổi như tôi, có thể coi như tôi có độ phủ về chiều sâu, mà bắt đầu một độ sâu thì đường kính phía trên rộng hay hẹp cũng không quan trọng.
– Keng: Tôi thì không quan tâm nhiều đến độ "nóng – lạnh" của bản thân. Chỉ là quý mến ai thì muốn đồng hành cùng với người ấy trong ít nhất một chặng đường nào đó, để sau này giữ lại những kỷ niệm. Chứ đoạn đường nào mà chẳng có kết thúc.
Hoa Quỳnh (thực hiện)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn