Giới thiệu sách Vũ Tông Phan Với Văn Hóa Thăng Long – Hà Nội
Có nhà nghiên cứu đã gọi Vũ Tông Phan là một hiện tượng – "hiện tượng Vũ Tông Phan"(GS. Nguyễn Huệ Chi)
Sinh thời ông đã là một "hiện tượng"
Đám rước vinh quy bái tổ của tân quan Nghè Phan mùa xuân năm Bính Tuất (1825) có đến bảy cờ biển vua ban (Từ điển văn hóa Việt Nam)
Hội Hướng Thiện do ông Nghè Tự Tháp làm Hội trưởng sáp lập đền Ngọc Sơn năm 1841 không phải chỉ để thờ cúng mà "chủ yếu" là để "bọn sĩ phu kết giao với nhau… làm những việc có ích cho người"
Kẻ cướp xông vào đến cổng làng, nhận ra ông, "bảo nhau không dám phạm"(Đại Nam liệt truyện)
Đám tang "gần xa mấy nghìn người trở lên đến hội táng" (Đại Nam liệt truyện), "học trò mặc áo sô gai cùng chịu tang hàng ngàn người, làm tắc cả đường cái quan" (Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản)
Trong 10 năm qua, một số bình diện trong việc nghiên cứu về vị danh nhân họ Vũ, đặc biệt là di sản văn thơ và tư tưởng của ông vẫn được tiếp tục. Vì vậy trước thềm đại lễ 1000 năm Thăng Long, lại cũng vừa tròn 210 năm sinh của người đã khởi xướng công cuộc chấn hưng văn hóa đất cố đô địa linh nhân kiệt, nhà xuất bản cho tái bản công trình này, có sửa chữa và bổ sung những bài có thông tin và nhận định mới, nhân đó bố cục lại đôi chút nhằm làm nổi bật hơn vai trò của ông lúc đương thời và ảnh hưởng của ông đối với sự phát triển văn hóa – giáo dục Thăng Long – Hà Nội trong thời kỳ thiếp theo.
Bố cục cuốn sách lần tái bản này được chia làm bảy phần chính:
01. Cái quan định luận.
02. Thân thế và sự nghiệp
03. Đồng chí và môn sinh trong công cuộc chấn hưng văn hóa Thăng Long
04. Quê hương và dòng họ
05. Người đồng thời viết về Vũ Tông Phan
06. Di sản tư tưởng
07. Trích lục thơ văn Vũ Tông Phan về Thăng Long
Ngoài ra, còn có thêm phần phụ lục: Giai thoại về Vũ Tông Phan
Công trình này sẽ không phụ lòng mong đợi của những bạn đọc quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của con người từng được coi là "bậc lương tri" của một thời.
Mời bạn đón đọc.