Những bài viết của nhà báo cách mạng Lưu Quý Kỳ sống và viết trong những năm tháng sôi nổi và đầy biến động của lịch sử dân tộc vừa được nhà báo Lưu Ðình Triều và nhà thơ Lê Minh Quốc sưu tập và hệ thống thành tập sách Lưu Quý Kỳ – người nghệ sĩ tài ba độc đáo do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Ðiều đặc biệt là những trang viết được hình thành dọc theo bước đường cách mạng của tác giả. Ở đó có cuộc chia ly người thân, gia đình, quê hương lên đường tập kết; có những chuyến vượt Trường Sơn trong chiến tranh, có những lần đi công tác nước ngoài, và cả nhiều cuộc giao lưu báo chí với quốc tế… Tất cả trở thành một phần cuộc sống của nhà báo Lưu Quý Kỳ, như tấm lòng canh cánh luôn hướng về Nam, như tinh thần tha thiết luôn hướng về quốc tế cộng sản, và như những tâm sự luôn chan chứa một niềm tin vào một ngày dân giàu nước mạnh và hai miền Nam – Bắc sum họp một nhà.
Cách mạng Việt Nam vẫn vận động và phát triển, và cái nhìn biện chứng của nguyên tổng thư ký Hội Nhà báo VN Lưu Quý Kỳ từ cách đây nhiều thập niên qua những tác phẩm của mình đã trở thành tiêu chí tham chiếu cho những người cách mạng hôm nay, như bài viết "Tuổi trẻ và tự do" đã phân tích dòng chảy của lịch sử có những mạch sống ngầm mang giá trị trường cửu được tích hợp và "làm nên chuyện" nhờ những người trẻ của từng thời đại.
Nhưng cảm động nhất là những trang đời của tác giả Lưu Quý Kỳ được đặt trùng với những trang sử cách mạng. Như cuộc hội ngộ giữa ông và hai con sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thân phận của người cha dứt ruột xa con 21 năm cộng với thân phận của hai con đi học với tờ khai sinh "cha mẹ chết" tự thân đã là một đặc thù của cách mạng Việt Nam. Những mảng đời bị nén lại, bị đặt trong vòng quay của lịch sử, nếu không có những trang viết bộc bạch tâm tình, hẳn những thế hệ hôm nay khó chia sẻ những giá trị được hình thành trong nhiều chiều náo loạn của lịch sử một đất nước nhỏ bé luôn đương đầu với thử thách.
Và cái cách nhà văn Nguyễn Quang Sáng tiếp cận những trang văn của Lưu Quý Kỳ cũng là một điều cực kỳ thú vị: ông nhìn thấy một Lưu Quý Kỳ bình dị mà nhiệt tình với những bài diễn thuyết cùng bà con nông dân, nhìn thấy hình dáng một nhà cách mạng ngược xuôi trên những ngả sông rạch của vùng sông nước miền Tây. Và ở đó ông nhớ nhất những vần thơ Lưu Quý Kỳ viết về Nam bộ…
Cũng bởi tập sách tựu thành từ cách nhìn của một người cách mạng nên cách tiếp cận và chia sẻ, học tập hay tranh luận, rút kinh nghiệm là vấn đề còn "để ngỏ" cho độc giả hôm nay.
Lam Điền
(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn