Giới thiệu sách Nửa Chừng Xuân – Tái bản 06/09/2009
Khái Hưng tên thật là Trần Giư, ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương nay thuộc Hải Phòng.
Khái Hưng tham gia Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập. Trong tổ chức của Tự Lực Văn Đoàn, Khái Hưng là cây bút tiêu biểu hơn cả. Tiểu thuyết của Khái Hưng thể hiện rõ rệt các quan điểm tư sản trong nhận thức về vấn đề chính trị, xã hội, nghệ thuật. Những tác phẩm thời kỳ đầu như Hồn bướm mơ tiên và Nửa chừng xuân mang nhiều tính chất lãng mạn của một tình yêu lí tưởng. Hồn bướm mơ tiên mượn ý của một dã sử về chuyện Lê Thánh Tông thăm chùa Ngọc Hồ gặp một tiên nữ để dựng lên một câu chuyện tình ở chùa Long Giáng, một mối tình lãng mạn, hiện đại, lồng vào cảnh tôn giáo, chùa chiền. Các nhân vật sống trong mộng ảo của ái tình dưới bóng của từ bi Phật tổ. Nửa chừng xuân là tác phẩm lễ giáo chống phong kiến khá mạnh và bảo vệ tự do hôn nhân nên tác phẩm có giá trị và dễ chấp nhận hơn cả. Nửa chừng xuân kể về cuộc đời của người con gái nề nếp có nhan sắc, cha mẹ mất sớm sống nuôi em ăn học.
Hồn bướm mơ tiên và Nửa chừng xuân đều mang nhiều tính chất của tiểu thuyết lãng mạn, tình yêu của các nhân vật đều mang tính lí tưởng. Văn chương ở hai tác phẩm giàu chất gợi cảm, với nghệ thuật tiểu thuyết khá vững vàng dẫn dắt mạch truyện uyển chuyển linh hoạt, nhiều khi đi vào chiều sâu tâm lí nhân vật khi đối thoại sắc sảo, khi gợi những cảm xúc tinh vi ở người đọc.
Mời bạn đón đọc.