Hương cỏ mật là tác phẩm đầu tay – mà cũng là sau cùng của cố tác giả Bùi Văn Lam, học chưa hết cấp 2 vì mắc bệnh hở van tim. Những trang viết đã ngủ yên suốt hơn nửa thế kỷ qua, hôm nay mới được trải ra cùng độc giả
Được phát hành cùng thời điểm với loạt sách văn học thiếu nhi dịp hè của Công ty Sách Thương Huyền và NXB Kim Đồng, Hương cỏ mật nằm lặng lẽ giữa các tác phẩm của những nhà văn tên tuổi khác. Cái tên Bùi Văn Lam lạ lẫm cũng không khiến nhiều người chú ý bởi tác giả này chưa hề có tác phẩm nào trước đó.
Khi đến được với độc giả thì câu chuyện đã là những hình ảnh một thời của thế hệ thanh niên trong những năm đầu thập niên 1960. Bùi Văn Lam kể chuyện bằng giọng văn dung dị, mộc mạc như chính con người chân chất và quê làng hiền hòa nơi anh sống. Không cố tình tạo ra những mâu thuẫn hay tình tiết gay cấn trong mỗi chương sách, nhưng tác giả lại có thể níu giữ người đọc bằng chính những trang viết trầm và chân thành. Câu chuyện trôi đều đều như một dòng sông, không gợn sóng nhưng lại xuôi qua những con đường mấp mô của ruộng đồng, của hành trình cuộc sống, nỗi lo và ước mơ của những đứa trẻ quê nghèo.
Nhân vật của tác giả cũng đơn giản, những đứa trẻ như Hờ, Lúi, Tuấn, Mai… sống bình thường theo quy luật tự nhiên của thời gian và cũng làm việc theo tinh thần thơ trẻ. Nhưng tất cả những điều ấy lại làm nên bức chân dung thế hệ thanh niên của một thời – sống vô tư trong trẻo nhưng cũng đầy trách nhiệm và khát khao được cống hiến một phần sức lực cho công cuộc cải cách chung của quê hương, đất nước.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn – người tham gia biên tập tác phẩm -nói: “Trẻ con bây giờ làm sao biết được cuộc sống của thời trước và tuổi thơ vất vả, tranh đấu của thế hệ cha anh là như thế nào”. Thật vậy, những đứa trẻ của hôm nay không có những ngày thổi sáo trên lưng trâu, không phải vất vả thức hằng đêm để giữ không cho trâu ra phá lúa; cũng không làm việc trong hợp tác xã vừa phải thay phiên nhau canh giữ cẩn thận ruộng lúa thử nghiệm vừa phải cắt cỏ cho trâu ăn; có khi phải bày sách vở học khuya ngay cạnh chuồng trâu.
Mỗi người một hoàn cảnh, một tính nết nhưng tất cả đều biết thương yêu, cùng nhau đoàn kết phấn đấu và luôn ý thức được trách nhiệm công dân của mình. Những đóng góp nhỏ với tinh thần đồng đội cao và ý thức cộng đồng của các nhân vật nhí cũng làm được nhiều “đại sự” cho cả làng như: phát hiện kẻ trộm cào rơm của trâu hay những “thành phần xấu” dám lùa giấu đàn gà con của người khác. Đêm đêm, bọn trẻ bày trò đánh trận giả nhưng thật ra là đang thực hiện một “dự án lớn lao” mà mục tiêu chính là bảo vệ đàn trâu và ruộng lúa.
Những hình ảnh của một thời được tái hiện nhẹ nhàng, chân thật đến từng chi tiết nhỏ. Không nêu lên những tấm gương điển hình của người lao động trong những năm đầu cải cách ruộng đất, tác giả cho cái xấu và cái tốt xen lẫn vào nhau và để cho “công cuộc đấu tranh” hồn nhiên của những đứa trẻ vạch trần những điều gian dối
Tiểu Quyên
(Nguồn: Báo Người lao động)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn