Giới thiệu sách Nghề Giúp Việc – Phát Hành Dự Kiến 28/11/2020
Ở tuổi 28, kế hoạch rời quê nhà vùng Tây Bắc Thái Bình Dương để theo đuổi giấc mộng đại học và trở thành nhà văn của Stephanie Land tan thành mây khói khi cô phát hiện ra mình mang thai. Bạn trai cô không muốn đứa bé ra đời nên bắt cô phá thai, cô vẫn kiên quyết sinh con và chịu sự bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần từ cha đứa bé. Không bằng cấp, không nghề nghiệp, không nhận được sự trợ giúp vật chất và tinh thần nào từ người thân và cả cha đứa bé, cô đành làm nghề giúp việc theo giờ – dọn dẹp phòng ngủ, cọ nhà vệ sinh, làm vườn… để sống qua ngày. Với khao khát cháy bỏng cho con gái cuộc sống tốt đẹp nhất, Stephanie vừa làm những công việc nặng nhọc để kiếm những đồng lương ít ỏi vừa tham gia các lớp trực tuyến để có được tấm bằng cao đẳng, và bắt đầu miệt mài viết. Cô đăng ký tham gia khóa học Viết sáng tạo của Đại học Montana ở tuổi 30, và trong khi “bạn bè viết về những chuyến đi nước ngoài của họ, còn tôi viết về việc cọ bồn cầu”, như cô chia sẻ.
Trong cuốn tự truyện đầu tay Nghề giúp việc, Stephanie Land viết ra những câu chuyện có thật chưa từng được kể: Câu chuyện của những người dân Mỹ làm lụng vất vả để kiếm lấy khoản tiền lương chẳng hề tương xứng; câu chuyện của một người mẹ đơn thân vật vã trong cuộc mưu sinh với đứa con gái nhỏ… Cô đã phải sống nhờ tem phiếu thực phẩm và phiếu WIC (dành cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ nhỏ) để sống qua ngày. Cô còn phải cậy nhờ các chương trình chính phủ để có nhà ở. Những nhân viên chính phủ lạnh lùng, vô cảm luôn cho rằng cô may mắn vì được trợ cấp, nhưng cô không hề có cảm giác rằng mình may mắn. Cô viết để ghi nhớ cuộc vật lộn ấy, và cuối cùng xóa bỏ vết nhơ đã ăn sâu về những người lao động nghèo khó.
Nghề giúp việc khám phá những góc khuất trong cuộc sống của tầng lớp trung lưu khấm khá của nước Mỹ và việc phục vụ họ thực chất như thế nào. “Tôi đã trở thành một bóng ma vô danh”, Stephanie đã viết như thế về mối quan hệ với các khách hàng, rất nhiều người trong đó không hề phân biệt cô với những người giúp việc khác, nhưng cô lại biết rất nhiều về họ. Khi cô bắt đầu hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ – cả nỗi buồn lẫn niềm vui – cô bắt đầu tìm thấy hi vọng cho chính mình.
Lòng trắc ẩn và sự can đảm dám viết ra sự thật của cô đã tiết lộ cảnh đời của những công nhân “phục vụ”, và những người theo đuổi giấc mơ Mỹ từ dưới mức nghèo. Nghề giúp việc là câu chuyện của Stephanie, nhưng không phải chỉ của riêng cô. Nó còn là tuyên cáo cho sức mạnh, nghị lực và chiến thắng tột cùng của con người.
Nghề giúp việc được đón nhận nồng nhiệt đồng thời cũng tạo ra những luồng dư luận trái chiều ngay trong nước Mỹ. Nhờ cuốn sách này, một số nhà lãnh đạo đang nỗ lực để giảm bớt khó khăn cho những người lao động nghèo. Thượng nghị sĩ Kamala Harris đang thúc đẩy Dự luật về Quyền của người lao động trong nước, hỗ trợ những người làm bảo mẫu, dọn dẹp nhà cửa, y tá chăm sóc sức khỏe tại nhà và các công việc tương tự. Dự luật sẽ tạo điều kiện cho những người lao động trên nhận được nhiều lợi ích giống như các ngành nghề khác, bao gồm chế độ nghỉ ốm, chăm sóc sức khỏe, tiền tiết kiệm hưu trí và lịch làm việc hợp lý.
Tác giả
Stephanie Land sinh năm 1978, lớn lên giữa Neo, Alaska và Washington, trong một gia đình trung lưu. Một tai nạn xe hơi ở tuổi 16 khiến cô mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương mà sau đó trở nên trầm trọng hơn bởi những cuộc vật lộn mưu sinh của cô. Năm 28 tuổi, cô làm mẹ đơn thân mà không nhận được sự trợ giúp từ gia đình hay cha đứa bé. Dọn nhà thuê là công việc duy nhất cô có thể tìm được khi trong tay không có tấm bằng đại học. Mặc dù không lớn lên trong nghèo khó, nhưng cô đã sống nhiều năm dưới mức nghèo khổ và dựa vào một số chương trình phúc lợi để trang trải các chi phí cần thiết.
Stephanie Land đăng ký tham gia khóa học viết sáng tạo của Đại học Montana ở tuổi 30. Sau khi lấy được chứng chỉ tiếng Anh vào năm 2014, cuối cùng cô cũng đã có thể theo đuổi nghiệp viết. Cô trở thành cây viết cho Trung tâm thay đổi cộng đồng có trụ sở tại Washington, DC. Bài viết của cô đã được dẫn lên các trang tin tức như New York Times, Washington Post, New York Review of Books, Guardian,… Và bây giờ, sau nhiều năm đói khổ, thành công đã đến với Stephanie Land. Cô được độc giả đón nhận và nhiều nhà sản xuất săn đón. Cô đã đi khắp nước Mỹ trong nhiều tuần để diễn thuyết về câu chuyện của mình. Một người hâm mộ có hoàn cảnh khó khăn đã tiết kiệm tiền trong nhiều ngày, gom đủ 18 đô la mua vé tàu chỉ để tận mắt nhìn thấy cô.
Stephanie Land hiện là cây bút đấu tranh vì công bằng xã hội và kinh tế đồng thời là một diễn giả cộng đồng có tầm ảnh hưởng. Hiện cô sinh sống tại tiểu bang Missoula, Hoa Kỳ cùng chồng và ba con.
Dịch giả Hà Ly
Sinh năm 1990, tại Hải Phòng. Tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghiệp Hà Nội; Hiện làm việc tại NXB Phụ nữ Việt Nam.
Đã dịch hơn 20 đầu sách: Trò chơi Vương quyền, Vũ Khí Bóng Đêm, Công Chúa nhỏ, Peter Pan…
Mời bạn đón đọc!