So với ba tập tiểu luận – phê bình trước đây của cùng tác giả (Văn học và phê bình; Đọc lại người trước, đọc lại người xưa; Sống với văn học cùng thời), thì cuốn Mênh mông chật chội… vừa được xuất bản của Lại Nguyên Ân dày dặn, đa dạng và cũng… khó đọc hơn.
450 trang chữ nhỏ với 34 bài viết dài ngắn không đều, chủ đề khác nhau, cách viết cũng không thuần nhất. Có lẽ để khích lệ người đọc chuẩn bị tinh thần đi cho hết cuốn sách, tác giả đã "giáo đầu" bằng bốn bài viết giàu chất thơ, như những bút ký văn học. Thơ, nhưng vẫn rõ chất giọng của nhà nghiên cứu, như khi tác giả truy tìm gốc tích và con đường đi của các loài hoa mộc lan, mai anh đào. Tôi có cảm giác tác giả viết những bài này ở những khoảng lặng giữa thời gian miệt mài trầm mình trong dòng chảy văn học. Lại Nguyên Ân không phải là người viết nhân các lễ lạt, nhưng những bút ký về đất, cây và người Hà Nội in vào dịp chuẩn bị nghìn năm Thăng Long – Hà Nội cũng thật ý nghĩa.
Nếu những bài bút ký trên tạo nên nét lạ cho ngòi bút tác giả, thì sáu bài viết tranh biện về những vấn đề giáo dục, xuất bản, phê bình văn học, hoạt động của các hội nghề nghiệp… là sự tiếp nối ý thức xã hội và tính chất luận chiến đã thành một nét rất quen thuộc của phong cách phê bình Lại Nguyên Ân. Có thể đồng ý hay không đồng ý với tác giả, có thể phản bác hay thảo luận cùng ông để tìm một giải pháp "khả thi" cho những căn bệnh trầm kha của văn học, nhưng không thể không chia sẻ tinh thần trách nhiệm của một người đã nhập cuộc hết mình với cuộc sống để có thể hiểu biết và nói được tận tường về nó.
Đọc ba bài viết viết về tác phẩm của Tô Hoài, Võ Thị Hảo, Đồng Đức Bốn, ta như gặp lại giọng điệu phê bình từ tốn của Lại Nguyên Ân trong những cuốn sách trước. Dù ở đây, những phát hiện nghệ thuật đã được nâng lên cả ở quan niệm văn học lẫn tầm nhìn thi pháp, nhưng vẫn có cảm tưởng rằng, trong mục tiêu nghề nghiệp của mình, Lại Nguyên Ân không còn dành sự quan tâm cho những hiện tượng mới trong sáng tác như thuở mới vào nghề.
Nói đến bề dày và sự khó đọc của cuốn sách, tôi chủ yếu muốn nói đến 21 tiểu luận mà tác giả xếp ở phần sau. Có thể cho rằng phần khó đọc này chính là phần đóng góp lớn nhất của Lại Nguyên Ân cho khoa nghiên cứu – phê bình văn học hiện nay. Người ta sẽ không ngạc nhiên về điều này nếu theo dõi quá trình làm việc cẩn trọng và kiên trì của tác giả mấy chục năm nay: từ việc biên soạn, dịch thuật những từ điển văn học, cả về lý thuyết lẫn lịch sử, đến việc sưu tầm, khảo sát và bình chú tỉ mỉ những văn bản và tư liệu gốc thuộc loại quý hiếm.
Những gì tác giả thu hoạch sau nỗ lực tìm tòi, kiểm chứng và thẩm định về những cuộc tranh luận chung quanh thơ Nguyễn Đình Thi và tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, về tuần báo Bắc Hà và tuần báo Trăm hoa, về Tinh huyết của Bích Khê và Tây phương mỹ nhân của Huỳnh Thị Bảo Hòa… không chỉ là những cứ liệu để đính chính và bổ sung cho những khoảng trống trong văn học sử, một văn học sử sống động chứ không phải chết dí trong những khuôn khổ đông cứng, mà còn có khả năng mở ra những viễn tượng mới cho sự nhìn nhận con đường phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Những ai quan tâm và yêu mến hai nhà văn có số phận đặc biệt của thế kỷ 20 là Phan Khôi và Vũ Trọng Phụng, còn phải chịu ơn Lại Nguyên Ân, người đã không tin rằng di sản của hai ông đã được khai thác và định hình đầy đủ, và đã góp phần thực sự cho việc xây dựng bộ tổng tập tác phẩm hoàn chỉnh của hai nhà văn ấy trong tương lai.
Ở nước Nga nửa đầu thế kỷ 20, những nhà nghiên cứu thuộc trường phái Hình thức như B.Eikhenbaum, B.Omashevski, Yu.Tynianov, khi không có điều kiện tiếp tục bàn về lý thuyết, đã tận hiến thời gian còn lại của đời mình cho công tác văn bản học. Nhờ tầm nhìn sâu rộng và lao động nghiêm túc của họ mà toàn tập các tác gia cổ điển mới được ra đời. Nhưng đó là một con đường gian nan, đòi hỏi nhiều hy sinh. Xem cung cách mà Lại Nguyên Ân thao tác trên văn bản tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, tác phẩm báo chí của Phan Khôi, tác phẩm của phong trào Thơ Mới…, ta vừa khâm phục tài năng và sự mẫn cảm của nhà nghiên cứu, vừa thấy buồn phiền khi nhận ra ngày nay, trong học giới, những người say mê và hết lòng với văn học dân tộc như thế ngày càng trở nên hiếm hoi.
Mênh mông chật chội…, nhan đề của tập sách được tác giả lẩy ra từ một bài viết về không gian nông thôn và đô thị đã trở thành hoàn cảnh có tính chất định mệnh của những trí thức và văn nghệ sĩ một thời. Có thể mượn hình ảnh ấy để nói về không gian của chính văn học. Nơi này, lúc này mênh mông; nơi khác, lúc khác chật chội: đó là một cách nghĩ. Tuy nhiên, cái tình thế mênh mông hay chật chội có phần do tâm thế của ta, muốn mênh mông thì nó mênh mông, bằng không thì ngược lại.
Nếu ta còn sẵn lòng yêu thì vẫn còn rất nhiều đất để dụng võ, một đời dẫu cày xới mãi cũng chưa biết bao giờ mới xong…
Huỳnh Như Phương
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn