Tên sách: Hội thề
Tác giả: Nguyễn Quang Thân
NXB Phụ nữ
"Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay"
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi)
Năm 1427, Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhận định như trên về hội Thề Đông Quan, hồi kết của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược.
Gần 600 năm sau, có một nhà văn sau nhiều năm cẩn trọng tìm tòi, suy ngẫm, bằng những trang viết đã tái hiện lại Hội thề, một khoảnh khắc hào hùng trong lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước. Đó là một sự kiện tiêu biểu cho đường lối ứng xử ngoại bang, thể hiện tầm vóc văn hóa, trí tuệ, và bản sắc yêu chuộng hòa hiếu của một dân tộc. Tiểu thuyết Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân đã đạt giải A, giải thưởng tiểu thuyết Hội Nhà văn lần 3 năm 2006 – 2010.
Hơn 5 vạn quân Vương Thông bó tay chịu chết ở Đông Quan sau trận Xương Giang lịch sử; gần 10 vạn quân Minh bị vây hãm khắp các thành trì. Chỉ cần nghĩa quân Lam Sơn thực hiện thêm một vài chiến dịch quân sự, 10 vạn quân Minh tiêu vong. Nhưng, chủ soái Lê Lợi theo kế của vị quân sư tài ba Nguyễn Trãi đã quyết định không dồn giặc đến đường cùng mà mở cho họ một con đường sống. Tại hội thề Đông Quan, chúng ta cam kết cấp lương thực, khí giới cho Vương Thông rút quân về nước. Đất nước Đại Việt bắt đầu một thời kỳ hòa bình độc lập tự chủ kéo dài hơn 300 năm.
Qua Hội thề, chúng ta biết cái "mưu kế kì diệu" đó thành sự không phải dễ dàng, nó chỉ đến được sau một quá trình đấu tranh gay gắt. Nó được khởi xướng bởi Nguyễn Trãi, được sự sáng suốt đồng tình của Lê Lợi. Chấp nhận hòa hoãn sao được, khi mà chúng ta đang hừng hực khí thế chiến thắng? Nguyễn Trãi với đầu óc sáng suốt, nhìn xa trông rộng đã không hòa vào niềm vui chiến thắng chốc lát, mà để dành tâm trí nghĩ đại cục sau này.
Bên chủ chiến là những chiến tướng Lê Sát, Lê Ngân… Họ lỗ mãng, võ biền nhưng đầy công lao, ít học nhưng đầy quyền uy. Bên kia là những tri thức thành Đông Quan: Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Trần Nguyên Hãn. Họ công lao nhiều nhưng xa minh chủ, trí thức nhưng bị hiềm nghi. Hai phe cánh, hai quan điểm, hai cách hành xử khiến Lê Lợi rất khó xử, cuối cùng ông lại nghiêng về những người trí thức Đông Quan. Có thể thấy, mâu thuẫn mà Hội thề nêu ra không chỉ là mâu thuẫn giữa cá nhân Nguyễn Trãi và Lê Sát, Lê Ngân; hay là chỉ là mâu thuẫn của một tổ chức, một giai đoạn, mà là mâu thuẫn mang tính chất lâu dài, tất yếu, giữa những đường lối giao thiệp với nước ngoài, đặc biệt là khi chúng ta phải sống bên "người khổng lồ" Trung Quốc.
Đọc Hội thề để thấy sự thắng lợi của đường lối Nguyễn Trãi không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh cá nhân ông, mà tôn vinh những trí thức luôn nhẹ nhàng, cương quyết, thanh cao; tôn vinh bản chất hiền hòa, thích hòa hiếu nhưng không yếm thế của dân tộc; tôn vinh một nền văn hiến đã có gần 4.000 năm hình thành cùng với hành trình dựng và giữ nước vĩ đại của dân tộc.
Nền văn hiến phần nào thể hiện thực tế qua cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được tác giả diễn đạt lại trong tiểu thuyết với những góc nhìn mới. Một sự tự tôn về lịch sử lâu đời của dân tộc "vốn xưng nền văn hiến đã lâu"; tự hào có một chỗ đứng vững chắc "phong tục bắc nam cũng khác"; khẳng định một bản lĩnh văn hóa "lấy chí nhân thay cường bạo".
Với tiểu thuyết Hội Thề, bên cạnh những trang viết khắc họa mâu thuẫn sâu xa trong nội bộ nghĩa quân Lam Sơn, còn có nhiều trang viết về tình yêu éo le và sâu đậm. Tiêu biểu là hai mối tình Lê Lợi và hoàng hậu Ngọc Trần, Vương Thông và cô thôn nữ Việt. Có hai chi tiết quan trọng khiến chúng ta suy nghĩ và có lẽ tác giả cũng đặt nhiều tâm huyết: Lê Lợi đã gạt lệ hy sinh Ngọc Trần làm lễ tế nghĩa quân trong khi Vương Thông thì xả mình giải thoát cho cô gái Việt mà ông ta đã cướp về.
Có ý kiến cho rằng nhà văn đề cao mối tình của tên tướng giặc, hạ thấp mối tình của Lê Lợi. Nhưng cũng có ý kiến nhận xét, nhà văn không thiên vị mối tình nào cả. Cả hai tình yêu đều đẹp, nếu biết đặt trong hoàn cảnh của từng người. Lê Lợi là minh chủ, phải biết đặt cái lợi ích của nghĩa quân lên hết. Cái chết của Ngọc Trần là hy sinh vì đất nước, vì tình yêu, tình yêu nam nữ hòa quyện vào cái chung. Vương Thông là một vị tướng giặc cướp nước làm bao điều tàn ác, thời cuộc bể dâu khiến ông quyết định làm điều tốt đẹp cho người yêu. Tình yêu hiện diện khắp nơi trên trang viết. Đúng như Nguyễn Quang Thân từng phát biểu với báo giới: dù cho chiến tranh xảy ra, dù cho vật đổi sao dời, thì tình yêu giữa con người với con người là thứ tồn tại trong sáng, tự nhiên và vĩnh viễn.
Nguyễn Quang Thân đã chọn cách dựng truyện giống như một cuốn phim với các chương mang chủ đề khác nhau, các hành động nhân vật đan xen làm nổi bật chủ đề của chương. Với lối viết chừng mực, thanh nhã, nhà văn đã lột tả được những tư tưởng sâu sắc về lịch sử mà ông muốn chuyển tải đến người đọc.
Đọc Hội thề để thấy lịch sử dân tộc chúng ta hào hùng bi tráng, tình người chúng ta đẹp không kém những trường thiên tiểu thuyết được dịch đầy các nhà sách, hay những bộ phim dã sử nước bạn đang chiếu ngập tràn các kênh truyền hình. Và hơn hết, Hội thề giúp chúng ta thêm yêu, thêm tự hào về đất nước Việt Nam.
Trần Thanh Giảng
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn