Giới thiệu sách Phong Trào Minh Tân – Ở Nam Kỳ Đầu Thế Kỷ XX – Phát Hành Dự Kiến 05/11/2019
Trong thập niên đầu của thế kỷ XX, phong trào Minh Tân bùng lên mạnh mẽ ở Nam kỳ. Đây là một phong trào yêu nước diễn ra cùng thời, vừa có tính độc lập vừa có mối quan hệ với phong trào Đông Du, Duy Tân ở Trung kỳ và Bắc kỳ. Phong trào Minh Tân ở Nam kỳ mở đầu bằng việc kêu gọi người Việt thay đổi tư duy kinh tế trên báo Nông cổ mín đàm từ năm 1901 và bùng lên thành một phong trào yêu nước khi có sự kết nối với phong trào Đông Du, góp phần vào sự phát triển chung của phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Bối cảnh kinh tế – xã hội Nam kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và những tư tưởng mới được du nhập trực tiếp từ Pháp vào Nam kỳ đã dẫn đến sự xuất hiện cuộc vận động đổi mới tư duy kinh tế của người Việt ở Nam kỳ do Lương Khắc Ninh khởi xướng trên báo Nông cổ mín đàm ngay từ năm 1901 với mục tiêu thay đổi quan niệm của người Việt về nghề kinh doanh, buôn bán, kêu gọi hùn vốn để lập hội, mở công ty sản xuất kinh doanh, cạnh tranh với các thế lực ngoại bang, làm cho dân phú, quốc cường.
Phong trào Minh Tân ở Nam kỳ diễn ra công khai mạnh mẽ trên các diễn đàn báo chí (Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn), tập trung vào lĩnh vực kinh tế, văn hóa và giáo dục, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc vận động thành lập các tổ chức kinh tế theo mô hình của phương Tây để sản xuất kinh doanh và tranh thương với Hoa kiều, Ấn kiều; vận động những người có điều kiện kinh tế tài trợ cho phong trào Đông Du, cho con em sang Nhật Bản hoặc sang Pháp du học để tiếp thu kỹ thuật, văn minh phương Tây, mang về phục vụ cho công cuộc mở mang công nghệ và thương mãi, phục vụ cho phát triển đất nước trong tương lai.
Trong quá trình phát triển, nhiều nhân vật tiến bộ, có tinh thần yêu nước ở Nam kỳ như Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương, Nguyễn Thần Hiến, Đặng Thúc Liêng,… đã có những cống hiến to lớn, góp phần quyết định sự thành công của phong trào. Nhờ vậy, cuộc vận động Minh Tân ở Nam kỳ đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, trong đó có thể kể đến như sự ra đời và hoạt động của Nam kỳ Minh Tân công nghệ, Nam Trung khách sạn, Minh Tân khách sạn, Chiêu Nam lầu, đồng thời Nam kỳ cũng đã tích cực ủng hộ tài chính, cho con em tham gia phong trào Đông Du, góp phần quan trọng cho sự phát triển của phong trào này.
Bên cạnh công trình khảo cứu được xếp vào loại sớm nhất viết về phong trào Minh Tân ở Nam kỳ là cuốn “Miền Nam đầu thế kỷ XX – Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân” của Sơn Nam còn có nhiều bài báo khoa học liên quan đến vấn đề này đã được công bố như: “Một vài đặc điểm của phong trào Duy Tân ở Nam kỳ” của Nguyễn Đình Thống, “Tư tưởng Minh Tân của Nguyễn Chánh Sắt” của Lưu Hồng Sơn, “Nguyễn Háo Vĩnh – chiến sĩ phong trào Đông Du miền Nam” của Phan Lương Minh, “Vai trò Nông cổ mín đàm trong phong trào Duy Tân ở miền Nam” của Phạm Long Điền,… Đặc biệt gần đây, một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu về phong trào Minh Tân ở Nam kỳ đã được thực hiện, góp phần làm rõ dần những mảng tối của vấn đề lịch sử này.
Trong quá trình hơn 10 năm theo đuổi chủ đề này, tác giả may mắn tiếp cận được nhiều số báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn và đồng thời là người đi sau nên có cơ hội kế thừa những kết quả của các nhà nghiên cứu đi trước, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về phong trào Minh Tân ở Nam kỳ. Với hướng tiếp cận bối cảnh, đặt phong trào Minh Tân trong bối cảnh kinh tế – xã hội cụ thể của Nam kỳ và bối cảnh chung của Việt Nam cũng như khu vực (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX) để đi tìm những yếu tố nội sinh, đặc trưng và xác định vị trí của phong trào Minh Tân ở Nam kỳ trong phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Hy vọng rằng, công trình sẽ có sự phong phú hơn về mặt tư liệu và bổ sung một vài kiến giải mới so với các công trình đi trước.
Phong trào Minh Tân ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX thất bại nhưng vẫn có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển của lực lượng tư sản ở Nam kỳ, thúc đẩy hình thành phong trào tranh thương, phong trào du học phương Tây trong thập niên 20 của thế kỷ XX và đặc biệt là góp phần vào việc nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của dân tộc.
Mời bạn đón đọc.