Ngô Thị kim Cúc (tuyển chọn)
- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Truyện Ngắn Hay Báo Thanh Niên
Được chọn từ 52 truyện đăng trên Thanh Niên Cuối tuần năm 2007, tập sách này khẳng định một điều: truyện ngắn Việt Nam vẫn là thế mạnh, vẫn đang có những thay đổi đáng mừng, dù điều đó diễn ra một cách lặng lẽ. Mỗi nhà văn viết theo góc nhìn riêng, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì ngoài chính mình. Dù theo phong cách “truyền thống” hoặc “làm mới” nhưng họ đã góp phần phơi bày diện mạo cuộc sống, theo nhân sinh quan của mình…
Gấp sách, đọng lại nỗi buồn phiền nhiều hơn niềm vui. Con người cơ đơn quá, trong cuộc sống còn nhiều bóng tối. Thế nhưng, nỗi buồn ấy không làm người ta bi quan, thất vọng, bởi vì ngôn từ của nhà văn có lẽ giống như lời khai bệnh của một xã hội đang cần đựơc thuốc thang.
– Ngô Thị Kim Cúc
“… Mưa rơi lộp độp trên mái tôn thấp, hắt vào phòng không khí oi bức của một ngày nắng gắt. Anh ra ngoài tìm nút công tắc bật chiếc quạt trần trong phòng. Những căn phòng trọ im ắng, mọi người dường như đã ngủ, chỉ còn nghe tiếng mưa rơi như trút.
Khi cả hai đã nằm trên chiếc giường rộng theo tư thế góc vuông, anh vẫn cảm thấy có điều gì đó không ổn trong mối liên hệ của anh và cô gái.
Một cô học trò ở nông thôn, nhà gặp hoàn cảnh bất hạnh nhưng vẫn cố gắng học, theo anh lên thành phố với hy vọng mong manh sẽ nhận đựơc một học bỗng từ thiện của một người anh quen. Một người đàn ông đứng tuổi, có gia đình nhưng không có con cái và tình yêu, lên thành phố chữa bệnh. Họ ở chung trong một phòng trọ dành cho những người đau tim. Điều gì đã khiến họ đến với nhau? Điều gì đã khiến cô gái tin vào một người đàn ông như anh?
Cô gái dáng ngủ thật đẹp. Mái tóc dài xoã quanh gối, gương mặt trái xoan trắng trẻo, bộ ngực cao phập phồng, cặp đùi dài trong làn vải jean săn chắc. Nhìn cô gái ngủ, anh có cảm giác mình vừa nhìn một người đàn bà hơn là một đứa trẻ. Anh thấy xấu hổ vì mình đã nhìn trộm cô gái.
– Chú không ngủ à? – Cô gái chợt mở to mắt quay về phía anh, hỏi.
– Đêm nay có lẽ chú không ngủ được.
– Sao vậy?
– Chú không quen với thế nằm co chân.
– Chú cứ nằm thoải mái, có sao đâu.
– Sợ đụng chân, cháu mất ngủ.
– Thôi, để cháu quay lên cho.
Cô gái nhỏm dậy, mang gối đặt lên phía trên, nằm sát vào vách ván.
– Chú có thích nghe kể chuyện mối tình đầu của cháu không?…”
(Trích đoạn ngắn trong Phòng Trọ)
Truyện Ngắn Hay Báo Thanh Niên gồm 20 truyện ngắn sau:
Phòng trọ
Mưa mặt nạ
Cánh trái
Mùa đông kiêu hãnh
Chuyện qua đường
Hàng rào sẫm tối
Hình dung
Tháng Năm nóng
Nơi có những cây tùng xanh biếc
Con nhà làm bún
Những chi tiết nhỏ nhưng phiền toái
Phía núi bên kia
Bàn tròn cho ba người
Tháng bảy
Hợp đồng của quỷ
Chàng trẻ măng ở phố treo đầu
Cái mặt biến hình
Thời chuồn chuồn cắn rốn
Ký ức đánh rơi
Thảo nguyên.
Mời bạn đón đọc.
Truyện ngắn hay Báo Thanh Niên 2007
Được chọn từ 52 truyện đăng trên Thanh Niên cuối tuần năm 2007, tập sách này khẳng định một điều: truyện ngắn Việt Nam vẫn là thế mạnh, vẫn đang có những thay đổi đáng mừng, dù điều đó diễn ra lặng lẽ. Dù theo phong cách "truyền thống" hoặc "làm mới", họ đã góp phần phơi bày diện mạo cuộc sống, theo nhân sinh quan của mình.
Được chọn từ 52 truyện đăng trên Thanh Niên cuối tuần năm 2007, tập sách này khẳng định một điều: truyện ngắn Việt Nam vẫn là thế mạnh, vẫn đang có những thay đổi đáng mừng, dù điều đó diễn ra lặng lẽ. Dù theo phong cách "truyền thống" hoặc "làm mới", họ đã góp phần phơi bày diện mạo cuộc sống, theo nhân sinh quan của mình.
Nếu Nguyễn Bản tưởng sẽ sống lại một tình bạn ngỡ cố cựu thuở xưa thì hóa ra đó chỉ là một ngộ nhận được khám phá quá muộn màng (Thời chuồn chuồn cắn rốn), Trung Trung Đỉnh lại chạm đến một vết thương chưa lành: những mất mát không sao bù đắp cho những người từng trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ (Thảo nguyên).
Nhiều tác giả len vào những ngóc ngách trong tâm hồn con người đô thị đang bị sức ép của đời sống dồn vào chân tường, tới mức chỉ muốn cắt đứt với mọi thứ (Những chi tiết nhỏ nhưng phiền toái – Vũ Thành Sơn), hoặc mang một tâm trạng riêng tư, nhòa nhạt, không hề liên quan tới phần còn lại của cộng đồng (Hình dung – Mai Sơn). Hàng rào sẫm tối của Vương Biên Hương cũng nói điều tương tự, về tình cảnh hai cha con bị bỏ rơi đang tìm cách che chở nhau, trong một hàng rào tưởng tượng.
Dương Thụy bổ sung một câu chuyện khác: đằng sau những quy ước hình thức của cuộc sống hiện nay là gì? Là những bi kịch mà người ta tự đẩy mình vào (Mùa đông kiêu hãnh). Con nhà làm bún của Ma Văn Kháng lại mô tả quá trình đô thị hóa rất ẩm ương, khiến người ta đau khổ nhiều hơn vui mừng. Chuyện qua đường của Lưu Sơn Minh lại giống một nụ cười nhếch mép mỉa mai: vụ ngoại tình ngẫu nhiên đã được đáp lại bằng một cú lừa vớ vẩn.
Nói đến tình yêu cũng mỗi người mỗi cách. Phía núi bên kia của Nguyễn Thiên Ngân là câu chuyện về tình yêu và sự thất bại của những kẻ muốn chống lại tình yêu. Trong Ký ức đánh rơi của Yến Linh có những "mối tình" của cô gái đã chấp nhận luật chơi của cuộc sống, để rồi với "ba cốc cà phê đen không đường mỗi đêm", cũng chỉ "quên những cái không đáng quên còn những cái muốn quên lại hiện ra mồn một… ".
Bàn tròn cho ba người của Bích Khoa chạm tới chuỗi mắt xích bí ẩn của mối quan hệ đồng giới. "Có những người, trải qua những rối loạn đó, bước tới mà không nhìn lại, không cần nghĩ suy nhiều… Nhưng cũng có những người, mãi vẫn không thể bước tới". Trong Phòng trọ của Hồ Ngạc Ngữ, tình yêu thuộc về một người già bệnh hoạn, và vì thế chỉ đọng lại nỗi hoang mang như kẻ mới vỡ lòng trong lớp học tình yêu. Nguyễn Vĩnh Nguyên trong Tháng năm nóng mô tả tình yêu trong cuộc sống vợ chồng. Có gì đó như sự mỉa mai, sự xúc phạm từ nhiều phía, nhưng dù vậy, tình yêu vẫn cứ là tình yêu không khác được. Không có tình yêu, cũng không có điều gì to tát, Chàng trẻ măng ở phố treo đầu của Trần Nhã Thụy giống một bài thơ về một hình bóng nhỏ bé nhưng nếu thiếu những con người như thế thì cuộc sống sẽ kém đi rất nhiều thi vị.
Không hẹn mà Phan Hồn Nhiên trong Cánh trái cũng nói điều gần giống Nguyễn Danh Lam trong Hợp đồng của quỷ: có ma quỷ trong đời sống con người không, và khi nào ma quỷ sẽ xuất hiện? Câu trả lời là, ma quỷ sẽ xuất hiện khi con người biến mình thành đồng minh của nó. Một "cặp đôi" khác trong hai truyện Mưa mặt nạ của Nhật Chiêu và Cái mặt biến hình của Trần Thanh Sơn: Từ những sự việc tưởng như ngẫu nhiên, một vấn nạn hiện ra: con người có thể đánh mất mình rất dễ, nhiều lúc chỉ như một trò đùa phi lý.
Gây ấn tượng mạnh là một "cặp đôi" khác: Tháng bảy của Nhân Ý và Nơi có những cây tùng xanh biếc của Trần Thùy Mai. Làm nền cho tình yêu trong Tháng bảy là một không gian nhếch nhác, nhưng tình yêu bị cấm của đôi trai gái ấy vẫn mạnh hơn tất cả, một sức mạnh nổi loạn, bùng ra trong tiếng nổ kinh hồn và cái chết tan thây trong hồi kết quá buồn của câu chuyện. Trong khi đó, làm nền cho Nơi có những cây tùng xanh biếc là một không gian đã được chắt lọc qua phẩm chất cao quý của hai con người ưu tú. Nếu ông hoàng lưu vong người Việt không đau đớn vật vã đến thế vì tình yêu vô vọng dành cho cố quốc, thì người phụ nữ ngoại quốc ấy chưa hẳn đã dâng hiến trái tim mình một cách toàn tâm toàn ý đến mức ấy.
Gấp sách, đọng lại nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Con người cô đơn quá, trong cuộc sống còn nhiều bóng tối. Thế nhưng, nỗi buồn ấy không làm người ta thất vọng, bởi ngôn từ của nhà văn có lẽ giống như lời khai bệnh của một xã hội đang cần được thuốc thang.
Ngô Thị Kim Cúc
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn