Bóng là chuyện những gì mà Nguyễn Văn Dũng – một người đồng tính ngoài tuổi 40 – đã trải qua. Anh – người kể lại câu chuyện của mình trong cuốn sách, đã đi hết chặng đường khổ ải rất dài, từ khi nghĩ rằng mình bệnh hoạn, đến lúc ý thức được rằng về căn bản, người đồng tính bình thường về sức khỏe, trí tuệ, chỉ khác về khuynh hướng tình dục bẩm sinh là thích người cùng giới.
Tên sách: BÓNG
Thực hiện: Hoàng Nguyên – Đoan Trang
Đâu là điểm chung giữa những cái tên Plato, Michelangelo, Leonardo da Vinci, Federico García Lorca, Allen Ginsberg, Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, André Gide, Marcel Proust, Oscar Wilde, Elton John, George Michael,… những nhân vật đã có đóng góp không thể phủ nhận cho lịch sử văn hóa và văn minh nhân loại?
Câu trả lời có lẽ bất ngờ đối với nhiều người: Đó đều là những người đồng tính (ĐT), hoặc chí ít, có quan hệ tình dục với người cùng phái!
1. Bóng – tự truyện của một người đồng tính là cuốn sách được thực hiện theo lời kể của Nguyễn Văn Dũng, chủ nhiệm một câu lạc bộ dành cho người đồng tính tại Hà Nội.
Từ trước khi chính thức phát hành, cuốn sách này đã gây được sự chú ý từ khá đông độc giả, và đặc biệt là trên các diễn đàn dành cho cộng đồng giới tính thứ ba tại Việt Nam.
Phải chăng, sự xuất hiện của cuốn tự truyện từ một người đồng tính đã “khơi đúng mạch” về một vấn đề mà xã hội hiện đại ngày càng có nhu cầu được thảo luận nhiều hơn?
2. Những năm gần đây, ĐT không còn là khái niệm quá "nhạy cảm" trong xã hội Việt Nam. Một số vấn đề của người ĐT đã được báo chí và các phương tiện truyền thông Việt Nam thường xuyên đề cập tới một cách cởi mở hơn, tuy không phải bao giờ cũng chính xác trong các quan niệm, và khách quan, khoa học trong sự nhìn nhận.
Ở góc độ tiểu thuyết, một số tác phẩm đầu tiên về đề tài này cũng đã ra mắt như Một thế giới không có đàn bà, Vòng tay không đàn ông (Bùi Anh Tấn), 1981 (Nguyễn Quỳnh Trang), hay tập truyện ngắn Những đống lửa trên vịnh Tây Tử (Trang Hạ)…
Còn với Bóng, mọi thứ diễn ra từ lời kể của một người trong cuộc. Bởi thế, yếu tố xác tín, không “tiểu thuyết hóa” sự việc, tránh “tô hồng” và “bôi đen” là điều đáng chú ý từ cuốn sách này.
Cho dù vẫn mang nhiều yếu tố éo le, kịch tích và bạo liệt, Bóng vẫn là sự phản ánh trung thành cuộc sống của một nhân vật có thật – một trong những người “mang tâm hồn phụ nữ trong thân xác đàn ông, cả đời chỉ mơ một lần mặc váy cưới lên xe hoa”, với đầy đủ những tình cảm yêu ghét, khổ đau, hờn giận, và cả những tủi nhục, bi kịch khi phải sống đời sống hai mặt và tự trốn tránh bản thân mình.
Bạn có bao giờ hình dung được cảnh những người mang thân xác đàn ông ấy, đêm đêm mặc váy, đeo đồ trang sức nhảy múa chỉ để có một khoảnh khắc trong ngày được sống đúng với bản chất phụ nữ của mình?
Hay nỗi đau của người đồng tính khi chuyển đổi giới tính để “được là phụ nữ”, mà vẫn hiểu rằng cho dù có làm cách gì, họ cũng không thể trở thành phụ nữ “thật” được, vì, như họ thốt lên trong truyện, những đứa trẻ không mọc ra từ họ?
Hay nỗi chua xót ám ảnh người đồng tính khi mối tình trai của họ buộc lòng phải chia tay họ để trở về với cuộc sống bình thường, lấy vợ, sinh con?
Bóng kể lại tất cả những bi kịch ấy.
3. Nếu là một người dị tính, bạn có thể đọc Bóng theo đôi ba cách.
Chẳng hạn, bạn hãy đọc theo nhu cầu của một cá nhân đang tò mò về cuộc sống, tâm tư tình cảm và sinh hoạt của một nhóm người tồn tại bên cạnh mình- một nhóm người có thể chiếm thiểu số trong xã hội, nhưng càng ngày càng muốn bày tỏ về thiên hướng luyến ái của họ.
Để rồi, tùy sự trải nghiệm, vốn sống, tùy khả năng xử lý và tiếp nhận thông tin, bạn sẽ tự rút được cho mình những suy nghĩ riêng về người ĐT.
Bạn cũng có thể đọc Bóng để tìm về những hình ảnh, những hoài niệm quá khứ của Hà Thành một thuở, thông qua "những góc khuất trong cuộc sống và nội tâm của giới đồng tính" (Tiền Phong) được tác giả dựng lại.
Để rồi tự vấn bản thân: bạn đã thực sự thấu hiểu, thật sự khoan dung và thể tất với người ĐT, những người đã cùng bạn sống qua những thời khắc cam go của đất nước, đã có những cống hiến cho xã hội có thể không hề thua kém bạn, nhưng đến giờ vẫn hay phải chịu những cái nhìn theo hướng tiêu cực, vương vấn màu sắc định kiến?
Bởi lẽ, nói đến người ĐT là phải nhắc đến con đường gian nan, hàm chứa vô vàn những bi kịch cá nhân và xã hội, để được thừa nhận và được đối xử trong tinh thần tôn trọng, khoan dung!
Và bạn cũng có thể đọc Bóng với khá nhiều thông tin về những “vùng tối” của thân phận những người đồng tính. Để rồi tự kết luận: Trước khi đặt ra sự e dè, cảnh giác với những người đồng tính thuộc dạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, bạn có thể “thử cố gắng” thông cảm với họ một lần?
Bởi, dù chỉ là “thử” về khả năng thông cảm của bạn, cộng đồng người tính cũng đã thấy hạnh phúc hơn rồi, bất kể kết quả sẽ thế nào.
4. Còn nếu là một người đồng tính và có dịp cầm trên tay cuốn sách, bạn sẽ có cách nào để đọc nó?
Bóng là chuyện những gì mà Nguyễn Văn Dũng – một người đồng tính ngoài tuổi 40 – đã trải qua.
Anh – người kể lại câu chuyện của mình trong cuốn sách, đã đi hết chặng đường khổ ải rất dài, từ khi nghĩ rằng mình bệnh hoạn, đến lúc ý thức được rằng về căn bản, người đồng tính bình thường về sức khỏe, trí tuệ, chỉ khác về khuynh hướng tình dục bẩm sinh là thích người cùng giới.
Để rồi, Dũng can đảm "lộ mình", để sống thực với mình và "dám" lên tiếng khẳng định với những người quanh anh: "Đồng tính luyến ái có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, trong bất kỳ giai tầng nào, xã hội nào. Đồng tính không phải sự đua đòi, cũng không phải hậu quả của bản tính ủy mị, yếu đuối, kém bản lĩnh. Đồng tính không lây. Không có virus đồng tính luyến ái! Đồng tính không phải một căn bệnh. Xin đừng xem chúng tôi như những con bệnh".
Để có được sự hành xử đẹp đẽ ấy, xã hội còn phải nỗ lực rất nhiều, và nỗ lực ấy phải được coi là cố gắng chung của cả người ĐT lẫn dị tính.
5. Trong Bóng không chỉ có một người đồng tính như Dũng. Đó còn là thế giới của những Hưng, Nhân, Trung, “Cách Cách” và một số người đồng tính không tên khác. Có người trong số họ là bóng "lộ". Có người sống vẫn giấu giếm bản thân mình. Có người mang thân phận đàn ông bình thường, vì cuộc sống mà phải gắn bó với người đồng tính, có người lại coi đó như một cách mưu sinh. Những điều đó đã cho thấy một phần nào bức tranh về người đồng tính tại Việt Nam.
Điểm hay, và cũng là điểm dở của Bóng, chính là ở góc độ tiếp cận. Do đặc điểm về cuộc sống của một người bình thường như Dũng, thế giới trong đó mới chỉ là một bộ phận rất nhỏ những người trong cộng đồng đồng tính tại Việt Nam.
Ở đó chưa có thông tin gì nhiều về cuộc sống của những người đồng tính ở một tầng lớp xã hội cao. Nhưng bù lại, chính cách sống và điều kiện của Dũng cũng khiến độc giả có thể đi sâu và hiểu hơn cuộc sống của một lớp người trong tầng lớp xã hội, nơi có nhiều góc khuất.
6. "Xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại, thưa cô", câu nói nghẹn ngào của Nguyễn Văn Dũng trả lời phát biểu của một nữ đại biểu khi bà này gắn liền ĐTLÁ với những "tệ nạn" như "đua đòi, đồi bại, phi đạo đức, ma túy, nghiện hút, mại dâm, AIDS…", cho thấy rằng đã đến lúc, xã hội và các thành viên dị tính của nó cần có cái nhìn "thoáng" hơn, chuẩn xác hơn về hiện tượng ĐTLÁ và người ĐT.
Chính Nguyễn Văn Dũng cũng thổ lộ: ĐTLÁ không phải lựa chọn của những người như anh, nếu được lựa chọn, lúc nào các anh cũng mơ về một mái ấm gia đình, mơ sống cho bằng người, bằng bạn bằng bè chứ chẳng ai muốn lâm vào cảnh trớ trêu như thế.
7. Như lời bộc bạch của hai tác giả, bản thân Bóng không hề là cuốn sách "cổ vũ cho một trào lưu". Thực chất, nó mong muốn mang đến độc giả một thông điệp nhân văn: Người ĐT không có lỗi trước khuynh hướng giới tính của họ, họ cũng là những con người có đóng góp cho xã hội và cần được chấp nhận một cách bình đẳng, với sự hiểu thông và khoan dung phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Linh
(Nguồn: Tuần Việt Nam)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn