Giới thiệu sách Những Bông Hoa Tháng Hai
Tháng 2 năm 1979, sau vài ngày nhà cầm quyền Trung Quốc đưa nửa triệu quân tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, tôi cùng các anh em nhà báo đã có mặt trên nhiều trận địa. Mới đầu là bất ngờ vì sự tráo trở. Mới đầu là giật mình. Mới đấy là đồng chí mà bất đồ thành giặc, vừa sáng giặc bành trướng đã súng ống tua tủa nhô lên đầu núi. Làng bản đêm qua còn êm ấm bàn chuyện làm ăn. Bãi chợ đêm qua còn vừa hát vừa uống rượu kết bạn. Bất đồ thành chiến trường. Những tưởng rối loạn. Những tưởng mất người, mất đất chỉ trong gang tấc. Nhưng kỳ lạ, ngay sau đó, bản lĩnh của một dân tộc từng trải mấy chục năm đi qua hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, vừa giành thắng lợi trọn vẹn 30/4/1975 lập tức nhận ra âm mưu thâm độc và tham vọng của đối phương, vội xắn tay áo, cầm lấy súng với ý thức chiến đấu giữ gìn từng thước đất, trước hết là nơi ăn nơi ở của mình. Làng làng như thế. Người người như thế. Biên cương dài hơn một ngàn mấy trăm cây số bỗng nhấp nhô chiến lũy ngăn quân xâm lược bằng đủ các loại vũ khí có trong tay.
Có mặt ở nhiều trận địa, điều mà chúng tôi thấy, giặc cướp đất binh hùng tướng mạnh hẳn hoi, với vũ khí hiện đại, đủ loại xe tăng, pháo binh. Còn ta, vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh ác liệt với kẻ thù đứng đầu đế quốc, nhiều vết thương trên da thịt chưa kịp lành, nhiều gia đình chưa kịp đoàn tụ, bấy giờ chúng ta lấy gì để thắng? Vũ khí ư? Không đọ kịp. Biển người ư? Không so bằng. Biến ảo sắc màu đen đỏ để đánh lận phải trái ư? Càng không thể. Chúng ta chỉ có thể thắng bằng sức mạnh toàn dân, nơi nào giặc tới, thì nơi đó nhân dân và lực lượng vũ trang cùng đứng lên, đánh giặc bằng mưu trí sáng tạo, ý chí quật cường, tinh thần cảm tử. Kẻ xâm lược từng mộng tưởng cậy thế đông người, nhiều súng, đè bẹp chúng ta một sáng một chiều. Nhưng ngược lại, chỉ một tháng chiến đấu, chúng ta tống cổ kẻ xâm lược về nơi xuất phát, giữ vững toàn vẹn chủ quyền và độc lập dân tộc. Chiến công này xứng đáng là hậu duệ của vua Lê Thánh Tông, đấng minh quân từng dạy thần dân của Người về nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ tiên để lại. (Sử cũ ghi lại, vua Lê Thánh Tông đã từng dạy bọn Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần… Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”
Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc đã lùi xa bốn mươi năm. Đất nước đi lên có nhiều thay đổi. Nhưng trong đời sống có những giá trị bất biến, không sự thay đổi nào làm phai lạt, luôn tồn tại đồng hành với đời sống đương đại, ấy là hình ảnh những người con ưu tú từng quên mình vì sự trường tồn của đất nước, của dân tộc.
Là chiến sĩ công an trẻ Đặng Văn Khoan công tác tại Công an Hoàng Liên Sơn. Anh được giao phụ trách xã Bản Qua, huyện Bát Xát. Ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cho quân đánh chiếm xã Bản Qua. Đặng Văn Khoan cùng đồng đội đã bình tĩnh bám bản, bám dân, giúp đỡ nhân dân đi sơ tán đến nơi an toàn. Trong lúc đưa những người dân thôn Đông Phón, xã Bản Qua đi sơ tán về phía sau, khi đến thôn Bản Lợi (xã Quang Kim), địch đuổi theo quá sát, anh đã dừng lại chặn đánh địch để bảo vệ nhân dân rút lui an toàn. Anh đã hy sinh anh dũng để bảo vệ đồng bào và chiến sĩ ta.
Nhạc sĩ Ngọc Quang đã sáng tác bài hát “Từ bản nhỏ hát về anh”: “Từ đỉnh núi cao tôi lắng nghe khúc hát yêu thương sâu lắng, khúc hát ngân lên từ xóm nhỏ bên dòng suối biên cương, khúc hát như thương, như ngợi ca tên người. Người chiến sĩ an ninh ghi một dấu son trong lòng dân bản nhỏ đời đời. Đặng Văn Khoan, Đặng Văn Khoan anh đã hy sinh cho miền quê biên giới, ngăn bọn giặc thù tàn phá quê hương… Bản nhỏ hát về anh, đồng đội hát tiếp khúc ca về anh…”.
Là Đỗ Chu Bỉ công tác ở đại đội 6, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh. Ngày 1/3/1979, Đỗ Chu Bỉ trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án ngữ tuyến đầu, cách biên giới Việt – Trung 300m, cách đồn biên phòng Hoành Mô 400m. Để chiếm vị trí quan trọng chốt A1, quân Trung Quốc đã tập trung pháo binh các loại, bắn liên tiếp suốt 1 tiếng đồng hồ. Pháo vừa dứt, 4 tiểu đoàn địch ào ạt xông lên, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chờ cho địch đến gần rồi mới hạ lệnh cho đơn vị đồng loạt nổ súng, bắn thẳng vào đội hình của chúng, tiêu diệt nhiều tên địch. Sau đó, anh còn tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh lui hàng chục lần tiến công của địch. Anh bị thương vào tay, vào sườn, vẫn không rời trận địa. Cuộc chiến đấu kéo dài, ngày càng ác liệt, trời lại mưa, chiến hào lầy lội, anh tổ chức đưa thương binh sang chốt A2, tiếp tục bảo vệ chốt A1. Khi đồng đội tìm đến chi viện, anh đã hy sinh. Trên người anh là mười chín vết dao và vết đạn bắn. Trong túi áo ngực đẫm máu là bức thư anh viết dở cho mẹ: “Mẹ ơi, con không thể chết được đâu, dù kẻ thù tàn bạo đến thế nào… Mẹ ơi, con sẽ về. Không kẻ thù nào giết nổi con đâu…”
Là Nguyễn Bá Lại – Trưởng phòng Kỹ thuật, trung đội trưởng tự vệ Đoàn Địa chất 305, Liên đoàn Địa chất 3, Tổng cục Mỏ – Địa chất. Sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc cho pháo bắn dồn dập và dùng lực lượng lớn vượt hai cầu phao bắc qua sông Hồng, chiếm các điểm cao và bao vây khu vực đoàn bộ Đoàn địa chất 305. Trung đội của Nguyễn Bá Lại tổ chức chiến đấu ở hướng chính diện, ngăn địch tấn công từ mỏ Sin Quyền. Trung đội của anh đã đánh lui 7 đợt tiến công của địch. Địch dùng cối bắn cấp tập rồi ồ ạt xông lên điểm chốt của quân ta.
Nguyễn Bá Lại nhảy lên khỏi hầm dùng AK bắn vào đội hình địch. Bất ngờ một tên địch vào cách hầm 2m, trên tay cầm quả lựu đạn đang xì khói. Nguyễn Bá Lại nổ súng bắn tên địch ngã gục, quả lựu đạn văng vào trong hầm. Anh lập tức nằm đè lên quả lựu đạn, nhận sự hy sinh về mình để cứu sống sáu đồng đội trong hầm.
Là trung đội tự vệ 26 người, khu phố Tân An, thị xã Cao Bằng. Họ vốn là những người dân phố bình thường, khi giặc đến vội thu xếp việc nhà, cho người già và trẻ nhỏ sơ tán về phía sau, rồi tập hợp lên cao điểm ngay phía sau khu phố, nêu cao khẩu hiệu: “một tấc không đi, một ly không rời”, phối hợp với bộ đội đánh lui nhiều đợt tấn công của quân xâm lược.
Sẽ không bao giờ kể hết NHỮNG BÔNG HOA THÁNG HAI. Trong tập sách này là một phần những câu chuyện, những tấm gương tiêu biểu trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc bốn mươi năm về trước.
Xin trân trọng giới thiệu.
Nhà văn Hà Đình Cẩn
Mời bạn đón đọc.