Giới thiệu sách Truyện Kiều – Tái bản 04/08/2008
Tác phẩm Truyện Kiều, nguyên tên là Đoạn trường tân thanh, từ khi ra đời đến nay, khoảng 200 năm, trong lịch sử Văn học Việt Nam, chưa có tác phẩm nào được các nhà khảo cứu, phê bình, xuất bản quan tâm đến nó, từ nội dung, hình thức, lẫn văn bản và thời điểm sáng tác đặc biệt đến như vậy. Một trong nguyên nhân chính là vì bản gốc của Nguyễn Du sáng tác không còn nữa.
Điều đó cho thấy rằng, để có một bản Kiều hoàn hảo, xích gần với nguyên tác là công việc còn lâu mới kết thúc. Cũng như từ thực tế ấy mà từ năm 1974, học giả Đào Duy Anh đã chú tâm biên soạn cuốn Từ điển Truyện Kiều. Cuốn sách này đã góp vào kho tàng các ấn phẩm về Truyện Kiều của Nguyễn Du thêm phong phú.
Bản Truyện Kiều mà bạn đọc đang có trên tay đây là do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim thực hiện được xuất bản năm 1925, cách nay đã 82 năm.
Học giả Bùi Kỷ sinh năm 1887, mất năm 1960, đỗ Phó bảng năm 1909, và đỗ bằng Thành chung (Brevet) tại Paris. Còn Trần Trọng Kim (1882-1953) xuất thân trong gia đình Nho học, được đào tạo tại nhiều trường ở Pháp. Cả hai vị bùi Kỷ và Trần Trọng Kim đã có nhiều công trình nghiên cứu, biên khảo có giá trị về Lịch sử, Văn hoá, Văn học Việt Nam. Sự kết hợp giữa hai nhà văn hoá để thực hiện một văn bản Truyện Kiều đã tạo được niềm tin khi chúg ta đọc vào tác phẩm.
Để phục vụ bạn đọc phổ thông, ấn phẩm này chỉ in phần văn bản và có minh hoạ. Thơ văn Nguyển Du là một kho báu. Thơ chữ Hán và Truyện Kiều của ông là tinh hoa.
Xong mời bạn đọc hãy bước vào câu chuyện, mà như nhà thơ Tố Hữu từng viết:
Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình.
Để hiểu thêm tài năng và nỗi niềm của đại thi hào Nguyễn Du, cũng như tự hào vì Việt Nam ta có một thi sĩ đại sánh vai với các văn nhân thế giới.
Mời bạn đón đọc.