Giới thiệu sách Sáng Kiến Vành Đai – Con Đường (BRI): Lựa Chọn Nào Của Đông Nam Á?
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, người sáng lập và điều hành Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), là một trong số rất ít những chuyên gia, đã liên tục theo dõi quá trình hình thành và phát triển của Sáng kiến Vành đai-Con đường từ những ngày đầu tiên.
Là người thông thạo cả hai thứ tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, có điều kiện làm việc trong các mạng lưới nghiên cứu rộng lớn trong lục địa lẫn các nhóm nghiên cứu đa dạng bên ngoài Trung Quốc, đóng vai trò chủ chốt trong những dự án nghiên cứu liên quan đến Vành đai, Con đường của cả Trung Quốc lẫn các tổ chức đa phương như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), TS. Phạm Sỹ Thành nắm giữ những lợi thế đặc biệt không phải chỉ ở Việt Nam, mà cả trong khu vực, và thực sự đã trở thành một nhà nghiên cứu có thẩm quyền về Sáng kiến Vành đai-Con đường.
Trong những năm qua, tác giả đã cho ra đời nhiều đầu sách về chủ đề Vành đai-Con đường, góp phần cập nhật rất kịp thời và hữu hiệu về bối cảnh và nội dung của quá trình phát triển của đại dự án này. Lần này, TS. Phạm Sỹ Thành công bố một chuyên khảo sâu hơn về Sáng kiến Vành đai, Con đường trong khu vực Đông Nam Á, đặt trong bối cảnh chung, cập nhật những thay đổi nhanh chóng gần đây và ảnh hưởng mang tính đảo lộn của nó đối với khu vực đa sắc đa hình này.
Tác giả đưa ra những kiến giải chi tiết về vai trò của Đông Nam Á trong chiến lược Vành đai-Con đường từ cách nhìn của nội bộ Trung Quốc cũng như quan điểm địa-chính trị-kinh tế tổng quát, cập nhật những phát triển mới nhất, đồng thời cảnh báo những khả năng có thể xảy ra như bẫy nợ, bẫy tiêu chuẩn, hay sự thay đổi trật tự xã hội địa phương vì lực lượng lao động và cộng đồng người Hoa mới xuất hiện đột ngột từ lục địa.
Có điều kiện theo dõi sự phát triển kinh nghiệm và kiến văn của tác giả trong những năm qua về chủ đề này, tôi nhận thấy các nhận xét của tác giả ngày càng sâu sắc và có nhiều điểm độc đáo, ví dụ như quyết tâm của Trung Quốc muốn thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn mới trong khu vực và trên thế giới.
Điều này khiến tôi nhớ lại những nỗ lực của Napoleon và nước Pháp trong việc tranh bá với Đế quốc Anh vào đầu thế kỷ 19. Lịch sử quả là vẫn đi lại những cung đường quanh co ở những cao độ khác nhau.
Và tôi tự hỏi, liệu việc thấu hiểu bối cảnh hiện tại có thể giúp cho độc giả Việt Nam, đất nước nằm ở vị trí đặc biệt như cây cầu nối Trung Quốc với Đông Nam Á, nhìn nhận vấn đề một cách chủ động hơn hay không?
Tôi tin rằng ấn phẩm mà các bạn đang cầm trên tay, Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI): Lựa chọn nào của Đông Nam Á?, một lần nữa sẽ làm giàu thêm vốn hiểu biết của chúng ta về dự án toàn cầu giàu tham vọng này của Trung Quốc, giúp hiểu thêm “canh bạc định mệnh” mà nhiều quốc gia đã bước vào.
Vì thế, đó hẳn là một cuốn sách không thể thiếu trong tủ sách của bất cứ một người nào đang mong muốn hiểu rõ hơn về thời đại mà chúng ta đang sống.
Mời bạn đón đọc.