Giới thiệu sách Căn Phòng Của Jacob
Dù tác phẩm nói về một thanh niên người Anh tên là Jacob Flanders, con người và tính cách của anh rất mơ hồ, phụ thuộc vào cảm nhận của những người từng tiếp xúc với anh. Một điểm đáng lưu ý: tên của tác phẩm là “Căn phòng của Jacob” chứ không phải là “Jacob Flanders”. Căn phòng của anh, một biểu tượng cũng rất mơ hồ, được mô tả ba lần:
“Căn phòng của Jacob có một cái bàn tròn và hai cái ghế thấp… Không sinh khí, bầu không khí trong một căn phòng trống rỗng chỉ khiến những bức màn phồng lên; những đóa hoa trong lọ lay động. Một thớ sợi trong cái ghế bành đan bằng cành liễu gai kêu cọt kẹt, dù không có ai ngồi ở đó.” (Chương Ba)
“Con đường chạy qua bên dưới. Chắc chắn phòng ngủ nằm ở phía sau. Đồ nội thất – ba cái ghế đan bằng cành liễu gai và một cái bàn xếp – đến từ Cambridge. Những ngôi nhà này (con gái của bà Garfit, bà Whitehorn, là chủ của ngôi nhà này) được xây dựng khoảng một trăm năm mươi năm trước. Những căn phòng rộng rãi, những trần nhà cao; trên khung cửa gỗ có khắc hình một bông hồng hoặc đầu cừu đực. Thế kỷ mười tám có sự khác biệt của nó. Ngay cả những tấm ván cửa, sơn màu tím quả mâm xôi, cũng có sự khác biệt.” (Chương Năm)
“Thế kỷ mười tám có sự khác biệt của nó. Những ngôi nhà này đã được xây dựng cách đây chừng một trăm năm mươi năm. Căn phòng rộng rãi, trần nhà cao; trên khung cửa gỗ có chạm hình một bông hồng hoặc một cái đầu cừu. Ngay cả những tấm ván cửa, sơn màu tím quả mâm xôi, cũng có sự khác biệt của chúng… Không khí trong một căn phòng trống rỗng rất uể oải, chỉ làm tấm màn cửa phồng lên; những bông hoa trong lọ hơi lay động. Một thớ sợi trong chiếc ghế bành đan bằng cành liễu gai kêu cọt kẹt, dù không có ai ngồi ở đó.” (Chương Mười bốn)
Trong một đoạn nhật ký ngay sau ngày sinh nhật của mình, ngày Thứ hai, 26/1/1920, khi Virginia Woolf tròn 28 tuổi và bắt đầu khởi thảo Căn phòng của Jacob, bà viết: “Tôi… đã có một ý tưởng về một hình thức mới cho một cuốn tiểu thuyết mới. Tôi nhận ra rằng cách tiếp cận lần này sẽ hoàn toàn khác hẳn: không một sườn giàn giáo nào; hầu như không viên gạch nào ló dạng; tất cả đều mờ ảo mơ hồ, nhưng con tim, sự mê đắm, tâm trạng, mọi thứ đều sáng tỏ như ánh lửa giữa màn sương.”
(“I … arrived at some idea of a new form for a new novel. I figure that the approach will be entirely different this time: no scaffolding; scarcely a brick to be seen; all crepuscular, but the heart, the passion, humour, everything as bright as fire in the mist.” – Writer’s Diary, biên tập Leonard Woolf, NXB Hogarth Press, 1953)
Không phải là tác phẩm hàng đầu của Virginia Woolf, nhưng với ý nghĩa và giá trị của nó, Căn phòng của Jacob là bước chuyển biến đột phá cực kỳ quan trọng để sau đó hình thành nên Bà Dalloway và Tới ngọn hải đăng. Nó cũng là đối tượng của hàng ngàn luận văn cao học và tiến sĩ, nhiều gấp bội so với hai tác phẩm nói sau.
Sài Gòn, 19/4/2018
Nguyễn Thành Nhân (Lời người dịch)
Mời bạn đón đọc.