Giới thiệu sách Hồn Mai – Tuyển Tập Bút Ký
Hồn Mai – Tuyển Tập Bút Ký:
Văn chương vốn vô mệnh nhưng người làm ra văn chương thì có mệnh nên nó vẫn phải chịu lụy phần nào. Nói văn là người hay người là văn cũng không khác khi ý niệm chúng ta vượt ra ngoài quan hệ tương thuộc giữa tâm và vật giữa chủ thể và khách thể. Văn nghiệp của một nhà văn là sự tích hợp những chuỗi tâm sự biến cảm qua bút lực đời họ. Những đặc tính này khá rõ nét trong di cảo của một nhà văn đoản mệnh có lên là Nguyễn Xuân Hoàng.
Đoạn bút ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, cái tuổi độ chín của sự sáng tạo, anh vận kịp để lại hàng ngàn trang viết từ truyện ngắn, tản văn, tiểu luận, đến thơ. Ở đấy, dù cái được biểu đạt phải biểu đạt dưới hình thức nào, nó vẫn thị hiện những đặc trưng thể loại riêng biệt theo nguyên tắc đồng đẳng qua sự “trình diễn” của cây bút này.
Đấy là sự trình diễn cái tôi cộng hưởng các khí cụ trí thức ở ba cấp độ bản năng, lý trí và linh cảm. Nhà văn không thể viết nếu không có tri thức. Nhưng tri thức nhà văn, nói theo cách nói của Osho, phải là tri thức “lòng giếng”, chứ không thể tri thức “hồ chứa”. Mốt sinh học hàm, học vị thời nay, số nhiều trí thức sa vào “tri thức hồ chứa”. Người ta múc từ ngoài vào, múc lẫn nhau, múc đầy sự tù đọng. Chỉ có “lòng giếng” là luôn luôn tự “đổi mới mình qua sự đối lưu trong mạch nguồn tiềm linh minh triết.
Dù kinh nghiệm còn ít, vốn sống chưa nhiều nhưng khi tri giác nội tại được đánh thức bởi lòng chân thành dâng hiến, Hoàng đã chiêu dưỡng đựơc đầy đủ những gì cần thiết cho hành trang nghệ thuật của mình. Văn Hoàng thanh thoát, bồng bềnh như sương khói, không bám víu, không dính mắc vào đâu. Đấy là thứ văn đạt ngưỡng “cái nhạt” theo quan niệm mĩ học truyền thống phương đông. Nó lấy sự kín đáo để chưng diện. Đằng sau cái vẻ tẻ nhạt, lạnh lùng ấy hiện hữu một sức sống bền bỉ. Cái nhạt là cái thường tục, thường hằng không đối thủ, không tranh chấp. Khác với cái phi thường. Cái phi thường của ngày hôm nay sẽ là đêm trước của cái phi thường ngày hôm sau. Cái nhạt của văn chương dường như tương đồng với ý nghĩa cái nhạt của Đạo lão “Đạo mà nói ra thì nhạt và vô vị”. Văn Hoàng dù viết ở thể loại nào, đề tài nào cũng nhất quán trung trinh trong dòng biểu cảm nên nó “áp đặt” đối tượng tiếp nhận vào thể “khích tâm” hơn là “khích trí”. Lẽ thường, cái gì không khích trí thì cái đó không được đem ra đánh giá. Song, mặt nào đó của ý nghĩa tồn tại, cái không được đánh giá lại là cái luôn luôn được đánh giá. Đấy cũng là cách trình hiện của những tác phẩm nghệ thuật bàng bạc các phẩm chất mĩ học, triết học và tôn giáo.
Cho dù đến với cuộc đời này chỉ một khoảng ngắn ngủi nhưng Nguyễn Xuân Hoàng đã trải nghiệm hết thảy mọi khổ đau, hạnh phúc. Hạnh phúc của sự sẻ chia và sáng tạo, khổ đau của lòng quyến niệm và chia ly. Phẩm cách của Hoàng đồng khí với phẩm cách các nghệ sĩ lớn xứ Huế mà anh từng ngưỡng mộ như nhà thơ Phùng Quán, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ở họ đều có năng lực “ám thị” những người tâm giao một dòng tình cảm “tự kỷ” nên ai ai cũng thấy họ như là “thứ của riêng”. Khi biết sống vì người thì đồng thời cũng được sống trong mọi người. Đó là chân lý qui ước và là thuộc tính của những người lớn hơn chính mình, Hoàng đã lớn hơn chính mình trên cả phương diện cuộc đời và tác phẩm. (Nguyễn Khắc Thạch.).
Mời bạn đón đọc.