(Thứ Sáu, 22/02/2008)
20 năm kể chuyện đường xa
Những người quen biết Binh Nguyên đều bảo anh đi nhanh, đi nhiều, đi khỏe, và viết nhanh, viết nhiều, bút lực mạnh mẽ… Dĩ nhiên chính xác là vậy. Nhưng nói thế không đủ nhận ra sự khác biệt.
Nhiều nhà báo cũng có khả năng đi và viết như thế. Đọc tuyển tập ký sự kỷ niệm 20 năm làm báo này của Binh Nguyên, có thêm một bằng chứng để thấy rõ biệt tài của anh, chính là ở cái nghề kể chuyện! Các thuyết thoại nhân Trung Hoa khi xưa, sinh sống bằng nghệ thuật kể chuyện bởi điêu luyện miệng lưỡi nơi phố chợ, còn Binh Nguyên kể chuyện bằng ngòi bút trên trang sách sinh động, hấp dẫn, ly kỳ không hề thua kém…
Trong tuyển tập mang sắc màu “đặc sản” Binh Nguyên này, mỗi chuyện, mỗi việc được kể, được tả lúc nào cũng đầy ắp chi tiết, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, và đặc biệt cái cách tạo không khí cho mạch chuyện khiến người đọc như được chạm vào, như được nghe thấy, như đang có mặt giữa sàn đấu ngộp thở muay Thai Stadium 7 tại Bangkok, giữa công viên quốc gia hoang dã Pilanesburg Nam Phi, giữa dòng sông ngàn linga Kbai Spean xứ sở chùa tháp, hoặc đang cùng nhau cắm lá cờ VN trên nền trại Everest Base Camp…
Tác giả giỏi phát hiện và khéo xếp đặt những thứ trái ngược, nghịch lý, mâu thuẫn nằm cạnh nhau để làm nên cái thú vị, cái bất ngờ: cảnh chợ trong chùa Thiếu Lâm, bụi hồng trần giữa đất chư thiên Tây Tạng, phố thị châu Âu trong lòng châu Phi, huyền thoại Angkor và cuồng vọng Pol Pot, thương trường nay trên chiến trường Trân Châu cảng xưa… Có chỗ ly kỳ như chuyện trinh thám, không phải vì người viết cố tình hình sự hóa câu chuyện, mà bởi vì để khám phá sự thật, có lúc nhà báo phải biết sắm vai (đột nhập nội cung Thiếu Lâm tự), có lúc phải đi vào nơi nguy hiểm (bị cảnh sát Thái Lan bắt tại biên giới)…
Cho nên, khác với các ký sự du lịch, văn hóa thường xuất hiện trên các báo như những cuộc dạo chơi nhìn ngắm theo kiểu “window shopping”, những câu chuyện kể của Binh Nguyên từ những vùng đất lạ như những lát cắt gọn mà sâu, giúp chúng ta khám phá đằng sau muôn mặt đời sống từ chuyện ăn nói, mua bán, làm ăn, sinh hoạt… là cái hồn của mỗi nền văn hóa: tinh thần Aloha của người Hawaii, đức hạnh và sức mạnh tôn giáo bên trong người dân Tây Tạng, sự chung thủy trong hôn nhân tự do của xã hội Moso mẫu hệ, ý chí mang tên Sherpa (Nepal) góp công cho nhân loại chinh phục Everest…
Tập sách dừng lại ở một thiên ký sự xem có vẻ chẳng có gì là… đường xa cả, từ bài hát của những người “hồn ong, xác bướm” đến câu chuyện giải phẫu “cải mệnh trời” của những người chuyển đổi giới tính có tên và giấu tên tại VN và Thái Lan, được tác giả chọn làm tên chung cho cả tập sách: Người đi tìm bóng. Thật ra chính điều đó đã làm nên sức nặng của tuyển tập đánh dấu chặng đường 20 năm nghề báo của nhà báo Binh Nguyên: câu chuyện của những phận người.
Ước vọng đổi đời của “sư huynh” Tào Cẩm Cường 6 tuổi nơi lò luyện võ Thiếu Lâm, của võ sĩ Dudt 14 tuổi trên sàn đấu muay Thái, khát khao đi ra thế giới bên ngoài của chàng trai Tiểu Trần của “nữ nhi quốc” Moso, tấm lòng “Tôi thương VN” của “một người Mỹ kỳ lạ”, ý chí mang hàng hóa VN vào thương trường châu Phi của một nữ doanh nhân Việt tên Kim, câu chuyện “để bóng được làm người” của Nguyễn Thái Tài… đã khiến tập ký sự đường xa này đưa chúng ta từ những nẻo đường vạn lý, tìm được con đường khám phá những gương mặt đời người giữa thế giới rộng lớn vốn tồn tại bởi vô vàn khác biệt và ngăn cách!
Duyên Trường
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn