Giới thiệu sách Tuyển Tập Lê Đình Kỵ
Tuyển Tập Lê Đình Kỵ:
“Để phê bình có thể tác động đến tiến trình văn học và tồn tại được với thời gian , thì nhà phê bình phải là người đồng hành với người sáng tác và người đọc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn học giàu tính nhân văn và đậm đà tinh thần dân tộc. Viết phê bình trước hết là để góp phần làm hoc văn học đơm hoa, kết trái và phát triển sinh sắc trong niềm hi vọng chứ không phải truy bức cho nó lụi tàn đi trong nỗi hoang mang và niềm sợ hãi. Trong nghiên cứu, phê bình, Lê Đình Kỵ vốn là người thận trọng khi đánh giá những hiện tượng mới. Ông không bao giờ tán thành những biểu hiện thái quá và cực đoan trong sáng tác và phê bình. Nhưng mặt khác, ông cũng chưa lần nào tỏ ra nặng lời dè bỉu làm làm nản chí những nỗ lực tìm tòi của các thế hệ đến sau. Có thể tìm thấy ở ông tấm gương của một nhà giáo, một nhà khoa học luôn thể hiện tính đòi hỏi cao trong công việc, đồng thời một tấm lòng nhân ái, bao dung đối với lớp trẻ. Những ai từng có dịp làm việc với ông hẳn đều chia sẻ nhận xét của Nguyễn Văn Hạnh:”Trong giảng dạy cũng như trong nghiên cứu văn học, Lê Đình Kỵ là người có trách nhiệm cao và có chủ kiến rõ ràng. Nhưng vốn là người hiền lành, độ lượng, anh thích nói về những biểu hiện tích cực của cuộc sống, biết lắng nghe và chờ đợi, khơi dậy tính chủ động và sáng kiến của học trò, động viên những thành công bước đầu của những cây bút trẻ. Đương nhiên, có thể có một thái độ khác, một cách ứng xử khác trong cuộc sống, trong quan hệ với người đời, mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn, thậm chí quyết liệt hơn. Nhưng kinh nghiệm cho thấy là trong những lĩnh vực phức tạp và tế nhị như công tác đào tạo, như hoạt động văn học thì cách tiếp cận của Lê Đình Kỵ, cách nghĩ và cách viết của anh thường tỏ ra hợp tình hợp lí hơn, có hiệu quả hơn”.
Chứng kiến và tham gia trực tiếp vào những biến động của đời sống văn học gần nửa thế kỉ qua, Lê Đình Kỵ hẳn cảm nhận sâu sắc những vui buồn nghệ thuật cũng như ý thức rõ về những thử thách mà người làm lí luận, phê bình cũng phải đối diện. Những trang viết, dù là sáng tác hay nghiên cứu, phê bình, chấp nhận làm chức năng minh hoạ cho những giá trị nhất thời, thì khó mà tránh khỏi một số phận ngắn ngủi, hẩm hiu. Nhà khoa học không thể không bị quy định bởi một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng đồng thời cũng biết vượt thoát khỏi hoàn cảnh và tác động trở lại hoàn cảnh. Những gì họ viết ra không chỉ là bằng chứng ghi dấu cái thời đại mà họ sống, mà còn là tấm gương phản ánh bộ mặt tinh thần của người trí thức luôn coi trọng lương tri và lẽ phải, luôn kiên trì với những xác tín khoa học của mình ngay trong điều kiện bất lợi nhất. Vì vậy, giá trị và ý nghĩa của những tài sản tinh thần họ để lại nhiều khi không phải là chân lí vĩnh cửu cho mọi nơi, mọi thời, mà chính là bài học về lương tri và khát vọng tìm chân lí cho những ai tin tưởng vào sự tiến bộ và nỗ lực phấn đấu cho sự tiến bộ, dù điều này có khi còn phải trải qua không ít gian nan…” (Lời giới thiệu)
Mục lục:
Lời nhà xuất bản
Lời giới thiệu
Phần thứ nhất: Mấy vấn đề lí luận văn học
Từ trong di sản
Chủ nghĩa cổ điển
Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn
Chủ nghĩ hiện thực
Tư duy hình tượng và ngôn ngữ văn học
Chân lí nghệ thuật
Nghề văn
Phần thứ hai: Thơ cổ điển Việt Nam
Nguyễn Du qua thơ chữ Hán
Triết lí Truyện Kiều
Từ chủ nghĩa nhân đạo tích cực đến chân lí đời sống
Thuý Kiều và lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Du
Nhân vật Truyện Kiều
Bản lĩnh và tấm lòng Xuân Hương
Nỗi niềm Tú Xương
Phần thứ ba: Thơ Việt Nam Hiện Đại
Thơ Hồ Chí Minh: Nhật kí trong tù
Thơ Tố Hữu: Bút pháp và phong cách biểu hiện
Thơ mới – những bước thăng trầm
Mấy tác giả Thơ mới
Thơ Chế Lan Viên: Từ Ánh sáng và phù sa đến Hoa ngày thường, chim báo bão
Trí tuệ, tài năng, tâm hồn
Xuân Diệu và những áng thơ hay
Hoài Thanh và phê bình thơ
Phụ lục 1: Danh mục các công trình của Lê Đình Kỵ
Phụ lục 2: Một số ý kiến nhận xét về các công trình của Lê Đình Kỵ
Mời bạn đón đọc.