Giới thiệu sách Một Chuyện Quê
Một Chuyện Quê :
“Bao giờ nói về nhà quê, mẹ tôi cũng than vãn đù điều. Nào là người nhà quê chém to kho mặn, ăn thùng uống vại, ky bo kiệt sỉ. Nghĩa là trăm thứ bà dằn xấu xa đều do ở quê nhà mà ra cả. Tuy rằng mẹ tôi chẳng phải trăm phần trăm là người thành phố. Bởi lẽ ông bà nội tôi gốc gác cũng là trong quê, bần cùng cơ hàn nên mới phải trôi dạt ra thành phố kiếm ăn. Mẹ tôi có một cái tự hào rất lớn là mình được đẻ ra nơi thành phố. Trong bệnh viện có cô đỡ, được cắt rốn bằng dao kéo chứ không phải cắt rốn bằng chiếc lưỡi hái dính đầy rơm rạ như lũ trẻ nơi quê mùa tội nghiệp. Tôi cũng như mẹ được sinh ra nơi phố phường đông đúc. Nhưng cha tôi lại là người nhà quê đặc xệt không chật vào đâu được. Cha ở nơi thành phố đã lâu nhưng vẫn còn mang nặng dấu ấn của miền quê khốn khổ. Chẳng hạn cha tôi thích đi chân đất hơn là đi giầy dép. Mẹ tôi rầy la cha tôi nhiều bận về cái tội này. Cha tôi sửa chữa được vài ba ngày rồi sau đó lai đâu vào đấy, cái lý luận của cha là đi chân trần cho nó dính liền vào đất, mà đất là nơi nối tiếp mình về với ông, bà tổ tiên. Cha tôi bảo: “Mẹ mày cứ xem thường nhà quê chứ. Có quê thì mới có tỉnh. Ngày xửa ngày xưa tất cả đều là ở quê mà ra hết. Sau này vì thông thương cho việc giao lưu xuôi ngược nên mới có thành phố. Mà thành phố chắc gì đã là văn minh hơn thôn quê”. Rồi cha tôi lại bảo:”Như mày và mẹ mày đấy, trong lý lịch, trong các giấy tờ quan trọng đều có nguyên quán là người nhà quê, thế thì xem thường quê sao được”?
Đối với cha tôi quê là trên hết. Quê là nơi có ông bà tổ tiên để mà cung kính thờ phụng. Quê là nỗi niềm vui cùng hoà vào nhau tạo nên máu thịt. Ở quê, cha tôi có những ngày thơ ấu mò tôm bắt cá ven sông. Những lũ bạn chăn trâu, cắt cỏ, những con đường tuổi thơ đi học, những rặng cây cúc dại mỗi độ thu về nở vàng rực từ nhà đến trường làng. Có ông giáo già mỗi giờ giảng văn lại lồng vào ngâm nga mấy câu thơ cổ. Những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh ác liệt, khi trường làng bị rốc két của máy bay Mỹ , nên học sinh phải sơ tán vào các nhà dân để học. Có cô bạn học năm cuối cấp hàng xóm nhà bên mỗi khi báo động vẫn cùng nhau nấp chung một hầm trú ẩn. Nói tóm lại cha tôi là một người yêu quê hương, yêu đến cuồng nhiệt. Nhưng cái tình yêu ấy chỉ khi cha tôi chưa lấy mẹ tôi. Sau này khi cha tôi lấy mẹ tôi rồi cái tình yêu ấy cứ càng ngày càng mai một. Chẳng ai cấm cha tôi cả, nhưng mỗi khi vui buồn cha tôi kể chuyện về quê hương thì mẹ tôi lại lườm nguýt làm cho mất hứng….”
Mời bạn đón đọc.