Giới thiệu sách Đất Việt Trời Nam – Tiểu Thuyết Lịch Sử (Bộ 3 Tập)
“Đất Việt Trời Nam” là tác phẩm phản ánh một giai đoạn lịch sử có thật và hào hùng nhất của dân tộc ta. Rất nhiều nhà văn, nghiên cứu và các bạn bè khi đọc bản thảo đã hỏi tác giả: “Quan điểm lịch sử của ông?” Thực ra đây là một câu hỏi mà bất cứ ai viết về những vấn đề dính dáng đến lịch sử đều dễ gặp. Về phần mình, tác giả cho rằng nếu có một tấm gương được tạo nên bằng máu và mồ hôi để nhân loại nhìn vào đó thấy được mình là ai và từ đâu tới đấy chính là lịch sử.
Từ thời họ Hồng Bàng lập quốc gọi tên là nước Văn Lang đến nay, trải hơn ba nghìn năm, dân tộc ta không ngừng đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh với hoạ xâm lăng từ bên ngoài để tồn tại và tự hoàn thiện mình. Có thể nói lịch sử Việt Nam là một chuỗi dài những giông bão. Trong đó giai đoạn chống đế quốc Nguyên Mông thế kỷ XIII, chống một đế quốc mạnh nhất thiên hạ lúc bấy giờ, là một trong những điểm xoáy lớn nhất của lịch sử. Toàn bộ tác phẩm “Đất Việt Trời Nam” có tới ngót một trăm trận đánh với sự tham gia của hàng trăm tướng soái của hai bên, gần năm trăm nhân vật đủ hạng từ gã lưu manh đến cô gái điếm, từ binh lính đến vương công, vua chúa hai bên. Những nhân vật ấy đã vẽ nên toàn cảnh xã hội Đại Việt thế kỷ XIII. Có những sự hy sinh đầy tính anh hùng ca ngoài chiến địa của các tướng soái và binh sĩ, cũng có những lối ăn chơi thác loạn, những cuộc truy hoan triền miên của quan lại nơi gác tía lầu vàng và những chàng công tử phong tình… Tất cả đều được mô tả rõ ràng và là những phân tố không thể thiếu để cấu thành tác phẩm.
“Núi rừng Yên Tử còn ngủ yên trong sương sớm. Chân trời phía đông ửng lên màu hồng phơn phớt. Ánh sáng ban ngày xua dần những làn lạnh còn len lỏi trong các bảng làng. Mấy chú gà trống gáy vang như giục mặt trời thức dậy. Bà Trần gọi con:
– Này Cương! Có đi rừng không? Mẹ nắm cơm cho rồi đấy. Bố anh chứ! Ngáy như kéo gỗ. Mẹ thấy con ngủ ngon quá nên không muốn gọi sớm. Thôi ăn bát cơm rồi đi.
Trần Cương ăn vội bát cơm, chào mẹ, đeo cung, vác giáo vào rừng nhưng đi mãi vẫn không gặp con thú nào. Đến trưa, mặt trời lên cao, xua hết mây mù và khí lạnh, chàng thấy đói trong lòng, liền ngồi tựa vào gốc cây cổ thụ lấy cơm nắm ra ăn, lấy lá rải dưới gốc cây nằm nghỉ. Trong ánh nắng cuối xuân ấm áp, chàng mơ mơ màng màng như thấy mình lạc vào một xứ sở thần tiên xa lạ, phong cảnh kì thú muôn màu. Bỗng từ trong dòng sông trước mặt, hiện ra một con giao long cực lớn, bay vút lên trời, quấn quít trong đám mây lành. Trần Cương còn chưa hết kinh ngạc, giao long đã biến thành người đàn ông, khố đỏ áo vàng, đầu đội khăn vành đính ngọc dạ quang giắt nhiều lông chim trĩ, vẻ rất oai linh, từ đám mây hạ xuống, nói với chàng rằng:
– Ta là long vương ở Bạch Đằng giang. Ba ngày nữa, nhà ngươi hãy ra bờ sông cứu con ta, sau này ắt được hưởng phúc lớn.
Nói xong, người đàn ông lại biến thành con giao long, lựa theo dòng mà ra sông lớn. Trần Cương tỉnh dậy, bàng hoàng, lấy làm lạ lùng, về nói lại với mẹ. Bà Trần là người đôn hậu khoan hoà, ngẫm nghĩ rồi bảo con:
– Giao long là giống rồng, thuộc về tượng đế vương. Vậy ba ngày nữa con cứ ra bờ sông xem sự thể ra sao. Nhà mình nghèo, lấy điều tích đức làm trọng, con chớ nên xem thường.
Ba ngày sau Trần Cương dậy sớm, ra bờ sông Cầm đi đi lại lại tìm kiếm nhưng chỉ có vi lộ xạc xào heo hắt. Dưới sông, dòng nước trong xanh mải miết chảy để kịp đem nước đổ ra bể. Tuyệt nhiên không biết giao long con ở nơi nào mà cứu.
Ngày ấy ở lĩnh Đông Triều còn hoang vu lắm có người con gái tên là Tú Hồng, sắc đẹp lạ lùng. Các vị công tử con quan nhiều người đến ngỏ ý cầu hôn, nàng đều từ chối. Một hôm Tú Hồng ra sông giặt lụa, thấy con cá chép vàng giãy giụa trên cỏ. Nàng đem con cá thả xuống sông. Đêm về, Tú Hồng mơ thấy có người con trai khôi ngô đẹp đẽ, đến nói rằng:
– Cảm ơn nàng đã cứu mạng ta.
Hai người ân ái với nhau. Lúc chia tay, người con trai bảo:
– Nhờ nàng giữ gìn giọt máu của ta…”.
Mời bạn đón đọc.
Ngày 10/08/2007
Đan Thành – tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Đất Việt trời Nam:
Lịch sử có quyền được biết đến một cách giản dị
TT – Không phải một sử gia hay nhà văn lão thành tên tuổi nào cả, tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử Đất Việt trời Nam là một cái tên hoàn toàn lạ lẫm: Đan Thành (tên thật: Phạm Thành). Phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm gặp tác giả sau khi đọc một mạch hết ba tập sách đồ sộ này.
Đó là một người đàn ông trung niên dáng dấp bộ đội phục viên hiền lành, chất phác nhưng đầy tự tin. Ông nói say sưa về bộ tiểu thuyết ấp ủ 20 năm của mình:
– Tôi mê sử từ khi còn bé, những nhân vật lịch sử, những sự kiện, đặc biệt là các nhân vật và sự kiện liên quan đến các võ công hiển hách của dân tộc. Từ hồi còn là lính, tôi đã bắt đầu đọc sách sử, đặc biệt là Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) và sưu tầm tư liệu để chuẩn bị cho việc viết truyện lịch sử. 20 năm sau khi ra khỏi quân ngũ, tôi mới có điều kiện để ngồi yên một chỗ mà viết. Và tôi bắt đầu bằng bộ truyện về nước Việt thời nhà Trần.
* Tại sao lại là về thời nhà Trần mà không phải bất cứ một triều đại nào khác?
Trong khi thế hệ trẻ đang dần quên, thậm chí không biết gì đến lịch sử dân tộc thì theo tôi, lịch sử nên và có quyền được biết đến một cách giản dị và dễ hiểu nhất. Đó là cách mà tôi chọn. Tôi bám sát vào từng sự kiện lịch sử, đặc biệt là các trận đánh để làm cấu trúc chính cho bộ sách của mình. |
– Ai đọc sử Việt cũng thấy ngay rằng đó là một thời đại hào hùng, bi tráng và đặc biệt nhất trong lịch sử dân tộc. Mỗi nhân vật được sử sách nhắc đến đều có thể viết một cuốn tiểu thuyết về họ, không chỉ là Trần Hưng Đạo hay Trần Thủ Độ mà bất cứ ai trong số các vua tôi, tướng lĩnh, quan lại nhà Trần: Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Toản… đến những kẻ phản bội như Trần Ích Tắc… đều có những số phận đặc biệt, rất hấp dẫn nếu biết khai thác từ góc độ văn chương.
Đọc sử rồi, tôi lần mò đến từng địa danh: Bạch Đằng, Vân Đồn, Yên Tử, Kiếp Bạc, Chương Dương, Lục Đầu Giang… gom góp những mảnh sử vụn còn sót lại trong dân gian, mới biết dân ta còn giữ nhiều huyền sử về thời đại này lắm. May mà nhà tôi có nghề làm thuốc gia truyền đã mười mấy đời, nên cứ mỗi chuyến đi tìm dược liệu là một lần tôi kết hợp đi tìm sử liệu.
Tôi đã lang thang sang đến cả Vân Nam – Quảng Tây, suốt một dải dọc biên giới Trung – Việt để hình dung ra những con đường hàng hóa cũng như đường hành quân của các đội quân ngày xưa. Càng đi, càng biết, càng thấy tự hào về cha ông mình và càng thấy không viết cái gì đó thì không chịu được.
* Có phải vì sợ lặp lại những nhà văn viết về lịch sử đi trước mình mà ông đã chọn nhân vật trung tâm của bộ tiểu thuyết là Trần Khánh Dư – một danh nhân “có tì vết”, để hi vọng tạo sự độc đáo nhằm thu hút độc giả?
– Trần Khánh Dư là nhân vật tâm huyết của tôi. Đức Thánh Trần Hưng Đạo thì ai cũng biết, cũng ngợi ca, nhưng theo tôi, cùng với Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư mới là nhân vật tiêu biểu tạo nên cái cốt cách lạ lùng của dòng họ Trần trong lịch sử VN. Trần Khánh Dư vừa thông minh, tài hoa, vừa giỏi buôn bán vừa thạo binh thư, nhưng ông ta cũng là kẻ tham lam, hiếu sắc, ngông cuồng. Trần Khánh Dư coi trời bằng vung nhưng lúc cần cũng rất ân cần, chan hòa với binh sĩ dưới quyền.
Tôi đã đến Vân Đồn hàng chục lần, ở lại hàng tháng trời để tìm kiếm những dấu tích còn sót lại, trò chuyện với những cụ già ở địa phương. Đứng giữa vùng trời nước mênh mông ấy nhìn tàu bè qua lại tấp nập hôm nay, tôi càng tin mình viết về Trần Khánh Dư là đúng. Dân ta vốn có truyền thống trọng kẻ sĩ mà khinh người buôn bán; thích sông nhưng sợ biển. Nhưng Trần Khánh Dư thật sự là bộ óc vượt lên thời đại: ông đã là một trong những người đầu tiên chủ trương lập thương cảng Vân Đồn và mở rộng thông thương hàng hải. Có như vậy thì chiến thuyền của quân nhà Trần mới quen được với việc tuần tiễu và tác chiến trên biển.
Tôi nghĩ các nhân vật lịch sử không phải thần thánh, họ cũng là người thường, nhiều ham muốn, thậm chí tầm thường, nhất là khi sinh ra đã được nhiều quyền lợi hơn người khác, và được đặt vào những vị trí luôn luôn có nhiều cám dỗ.
* Ông nói nhân vật thứ hai mà ông tâm huyết là Trần Nhật Duật – bộ óc tài hoa, người trí thức của thời đại – một sự đối trọng và bổ sung của Trần Khánh Dư, nhưng có lẽ người đọc không thấy thế. So với Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật của ông mờ nhạt hơn nhiều. Ông chỉ muốn viết đến thế, hay ông chỉ viết được đến thế?
– Tôi yêu nhân vật này lắm đấy. Đấy là người trí thức mà thời đại nào cũng muốn có. Ông ta tài hoa và quảng giao, sắc sảo và độ lượng, có tầm nhìn xa và có sự tinh tế trong từng ứng xử nhỏ nhất. Sử cũng ghi chép về ông ta như là nhà ngoại giao và nhà ngôn ngữ bậc thầy. Nếu bạn đọc không thấy hết được điều đó trong tác phẩm của tôi thì chắc chắn là vì…sức tôi có hạn rồi.
* Mở đầu văn nghiệp ở tuổi gần 60, bằng một bộ sách đồ sộ về lịch sử, ông chỉ định dạo chơi cho vui thế thôi hay là có ý định hoàn toàn nghiêm túc với văn chương?
– Tôi hoàn toàn nghiêm túc, và sẽ thủy chung với đề tài lịch sử. Tôi đang bắt tay vào viết tiểu thuyết về Hai Bà Trưng. Sử liệu ít hơn nhưng sẽ có quyền tưởng tượng bay bổng hơn. Và sẽ bớt chất “lính” hay chất “tư liệu” đi như nhiều người từng góp ý, chắc thế.
* Xin cảm ơn. Và chúc tiểu thuyết lịch sử thứ hai của ông nhanh đến tay bạn đọc!
THU HÀ
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn