Giới thiệu sách Mi Là Người Bình Thường
Mi Là Người Bình Thường – Tập truyện ngắn của Lê Đạt.
“Một danh sĩ như Liễu Vĩnh văn võ kiêm toàn tưởng đã gửi trọn đời mình cho cây kiếm hành hiệp và cung đàn nơi chiếu rượu mà cũng không thoát được bả vinh hoa.
Cái mối tình tay đôi ấy cứ hành hạ Liễu hoài… Đã có lúc Liễu tưởng có thể đổi tất cả những chức khanh tướng trên đời lấy một câu thơ hay, một nét nhạc đẹp. Những khi tỉnh rượu, nhìn tấm áo đã sờn vai và soi nét mặt sớm già chồng chất những vệt son ca nữ mạn tính, Liễu lại khao khát đến khắc khoải một bộ áo mũ vua ban và một cuộc đời quan nghiệp.
Và con người tài tử ấy lại thở dài bó gươm đàn vứt vào rương như vào một huyệt mộ, vùi đầu trong lớp bụi Tứ thư Ngũ kinh chuẩn bị một cuộc thi đấu mới nơi trường ốc.
Ôi! Sự lựa chọn của con người nhiều khi mới nhiêu khê, mới bi kịch làm sao!
Lần này thì Liễu nhất định không được cho phép mình sa sẩy như mấy lần trước. Liễu đã gò mình vào khuôn phép. Công thức đã có sẵn, cứ việc thế mà làm, khó gì. Tưởng vậy. Nhưng đối với một tâm hồn phóng khoáng, một ngòi bút tài tử như Liễu thật cực nhọc. Cây bút động đậy, ngỗ ngược, rình hở cơ là phóng ra ngoài.
Thuần phục nó vất vả chẳng kém gì thuần phục một con thú rừng để mua vui trên sàn diễn. Đề thi chẳng có gì khó nhưng Liễu mướt cả mồ hôi. Và khó chịu. Vì câu thúc. Liễu bật cười nghĩ đến giai thoại con chó săn nòi, chủ nhân phải buộc một chân lại để làm việc bắt chuột. Và Liễu cứ tập tễnh như vậy trên trang giấy trắng đầy cám dỗ.
Lần này thì chắc đỗ mười mươi rồi. Bạn bè coi bản nháp của Liễu ai cũng khẳng định như vậy. Đúng khuôn phép mà không cạn kiệt chất tài hoa. Văn bài này mà không đỗ, họa có là ông trời mù mắt. Xoàng ra cũng phải lót dạ cái Tiến sĩ…”.
Mục Lục:
Bài Haiku
Mi là người bình thường
Hèn đại nhân
Người mẹ điên
Bữa tiệc của Flôbe
Vùng may rủi
Bức cổ họa
Lá thư tuyệt mệnh
Đám ma Sekhốp
Bức tranh có ma
Cây đàn Long Môn
Tượng Balzắc
Hội viếng liễu
Người họa sĩ da màu
Lầu hạc vàng
Con báo hoa xứ tuyết
Chữ tín
Con sư tử điên
Nữ tu sĩ chữ
Ông danh lam thắng cảnh
Yêu bóng
Những tình khúc mồ côi
Bức chân dung
Pho tượng
Tim vĩ cầm
Mỹ viện
Mimơza
(SGGP Ngày 23/04/2007)
Tập truyện ngắn “Mi là người bình thường” của Lê Đạt vừa được NXB Phụ Nữ ấn hành. Một số truyện trong tập đã in trong quyển “Hèn đại nhân” từ năm 1994, và một số truyện mới vẫn với phong cách “tập cổ” đặc biệt kỳ thú của Lê Đạt. Qua từng trang văn, người đọc nhận thấy ông đọc và cảm thụ vốn văn chương nhân loại cực kỳ tinh tế.
Đã vậy, với tư duy của một người sáng tác, Lê Đạt khai thác những tầng nghĩa đặc biệt, sâu thẳm, lắm khi là kỳ quặc qua những danh tác của người xưa. Các truyện ngắn Bài haiku, Bức cổ họa, Đám ma Sê Khốp thuộc dạng này, gieo vào lòng người đọc một chút dí dỏm thâm trầm đầy ý vị theo phong cách Á Đông.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Thứ Năm, 20/03/2008)
Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0 – Hướng dẫn cách giành lại công sản, Nhà xuất bản Trẻ)
Lần đầu tiên trong lịch sử, cái thế giới tự nhiên mà chúng ta để lại cho con cái mình sẽ tệ hại hơn rất nhiều so với cái thế giới tự nhiên mà chúng ta thừa kế từ cha mẹ… Chúng ta đang sử dụng hành tinh này như thể không hề có ngày mai…
Cuốn sách được mở đầu như thế, đau đớn và da diết, từ một doanh nhân. Từ nỗi niềm của một người đã thành danh từ hàng loạt hoạt động kinh doanh kiếm lời, Peter Barnes (đồng sáng lập Working Assets) đã lo âu nhìn lại hiện trạng của thế giới, nhìn lên bầu khí quyển bị ô nhiễm, nhìn xuống các tảng băng tan chảy, lắng nghe các cơn bão tố, lũ lụt… để chỉ ra một bài toán: khi chọn lựa, các công ty không chọn cách ít có hại nhất cho thiên nhiên mà chọn cách có lợi nhất với đồng tiền bỏ ra. Phí tổn vào thiên nhiên được tính bằng không. “Chúng ta đẩy phí tổn này qua con cháu và phủi tay thong dong. Chúng ta tiệc tùng, con cháu thanh toán”.
Không chỉ là thiên nhiên, trong khái niệm công sản tác giả cuốn sách còn nhấn mạnh tới yếu tố cộng đồng (nhà bảo tàng, thư viện, thể chế chính trị) và văn hóa (ngôn ngữ, triết học, Internet, truyền hình…), coi đó là một tài sản, một quà tặng mà chúng ta cùng có bổn phận bảo tồn.
Không chỉ là một lời kết tội, một lời kêu cứu, Peter Barnes đã gợi mở những cuộc đối thoại bức thiết của thế kỷ 21, làm mỗi người đọc phải nghĩ nhiều hơn đến ngày mai. Nghĩ để hành động, để bảo vệ công sản của chúng ta.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Thứ Sáu, 02/05/2008)
Truyện ngắn của “phu chữ” Lê Đạt
Mi là người bình thường (NXB Phụ Nữ) là tập truyện ngắn thứ hai vừa được tái bản của Lê Đạt (sau tập Hèn đại nhân – NXB Phụ Nữ 1997). Sách rời nhà in vừa đúng ngày ông mất (21-4-2008).
Có lẽ cũng như thơ, với truyện ngắn, Lê Đạt cũng làm người “phu chữ”, cẩn trọng và kỹ lưỡng. Nhưng ông viết ít, hầu như chỉ chuyên chú về những điển cố có liên quan đến “sự cố” đời sống văn nghệ. Là những chuyện cổ viết lại, song luôn thể hiện một sinh khí thời đại đậm nét.
Lê Đạt có lối viết dẫn người đọc vào vùng sống lạ một cách tự nhiên và tự tin. Những trang viết dễ chịu được tạo ra nhờ công phu chữ. Chữ trường nghĩa, chữ từ cảm – điều thấy rất rõ trong thơ Lê Đạt – thì trong truyện ngắn vẫn thể hiện như vậy. Và, ở đây chúng ta cũng được thấy những tâm tư nghề văn rất thật lòng của ông: “Thiên hạ nghĩ rằng chỉ có làm culi batê mới cực. Viết văn cũng cực nhọc, phu phen chẳng kém gì… Mình đã bôi bẩn những trang giấy thật trong trắng kia để làm gì? Sao mình lại mài mòn bộ óc, tiêu xài hoang phí những giấc mộng đẹp tuổi trẻ để viết những trang sách mà ngày mai, ngày kia… người ta sẽ vứt vào sọt rác…” (Tượng Balzăc).
Cái thú vị, độc đáo trong truyện ngắn Lê Đạt là từ những điển cố văn nghệ, tư liệu nhân vật, ông đã phục dựng những câu chuyện sinh động đến từng chi tiết. Lê Đạt không chỉ giỏi vẽ những nét chân dung mà còn tài tình trong việc tạo không khí. Ví như sự tích về bài thơ Hoàng hạc lâu (Lầu hạc vàng) của Thôi Hiệu, tượng nhà văn Balzăc của thiên tài điêu khắc Rodin (Tượng Balzăc), hay chuyện về văn hào Sêkhôp (Đám ma Sêkhôp), chuyện Bá Nha – Tử Kỳ (Cây đàn long môn)… Cái hư hư thực thực của từng câu chuyện, cộng giọng văn bông lơn trầm tĩnh, khiến tâm hồn người đọc dễ lạc vào vùng cư trú của quá khứ nhưng trí óc vẫn dẫn nhịp vào thực tại.
Khai thác đến cái sơ suất của bản năng, sự trớ trêu của số phận là những điều mà Lê Đạt hay thể hiện ở truyện ngắn (Mi là người bình thường, Hèn đại nhân, Bức tranh có ma, Vùng may rủi…). Sách vở cũng có số phận, thì người làm nên sách vở càng là kẻ không thể thoát số phận. Những bi hài, dối trá ngay trong cả đời sống văn chương là có thật, từ cổ chí kim, từ đông sang tây không chừa một ai, một chốn nào.
Cười như một liệu pháp tinh thần, cười trên những bi hài. Song, những trang văn của Lê Đạt vẫn luôn đọng lại những dư vị như là cái đẹp thuần khiết, hay niềm tin sáng tạo chính là niềm cứu rỗi.
“Mi là người bình thường” – làm người bình thường dễ hay khó?! Đáp số không nằm trong câu ứng đáp mà phải bằng chiêm nghiệm sống. Có lẽ, Lê Đạt cũng đã từng mong được sống như một người bình thường, viết hay một cách bình thường – lời rườm mơ ước rởm gửi ngoài kia (đề từ truyện ngắn Mi là người bình thường).
Trần Nhã Thuỵ
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn