(Chủ Nhật, 25/03/2007)Chỉ có gió để ăn, chỉ có chữ để hy vọng
(Đọc Người ăn gió và Quả chuông bay đi, tập truyện ngắn của Nhật Chiêu; Công ty văn hóa Đông A VÀ Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2007)
Nhật Chiêu hiện diện và đóng góp vào sinh hoạt văn chương học thuật Việt Nam liên tục hơn ba mươi năm qua như một học giả chuyên tâm về văn học nước ngoài, văn học Phật giáo, thơ cổ điển Việt Nam, một nhà nghiên cứu văn hóa – văn học Nhật Bản, một dịch giả. Nghe có vẻ như một người có khuynh hướng ổn định, kỳ thực ông luôn ủng hộ và tìm tòi cái mới, hoặc luôn cố gắng chiếu rọi ánh sáng mới vào những giá trị tưởng đã cũ hoặc đã an bài.
Ngồi trong một quán cà phê xinh xắn và say sưa nói với bạn bè, sinh viên của mình về tính hiện đại trong thơ của các nhà thơ – thiền sư đời Trần, thơ Hồ Xuân Hương, thơ haiku… là hình ảnh tiêu biểu cho niềm vui thơ ngây thường ngày của ông. Ông đã và đang có những cống hiến quan trọng cho cái mới, nghệ thuật và tư tưởng. Không ai nỡ đòi hỏi gì hơn nữa ở ông. Vậy mà bản thân ông thấy thế là chưa đủ. Ông nhẹ nhàng đi vào cõi sáng tạo, để thân chứng điều mà ông tìm thấy nơi tác phẩm của người khác. Ông đi vào thế giới truyện ngắn.
26 truyện ngắn, viết đều đặn nửa tháng một truyện trong năm 2006, đó có thể kể là một sức sáng tạo đáng ngạc nhiên với người lần đầu tiên viết truyện ngắn.
Không ngại ngùng một thế giá nào, không cần biết người đọc là ai, đang đọc gì, và không chịu ảnh hưởng bút pháp của bậc kỳ tài truyện ngắn nào, ông bất ngờ làm nên một phong cách truyện ngắn mới, nếu không muốn nói là độc đáo tại Việt Nam. “Đây là một hiện tượng của văn xuôi!”, một nhà văn thời danh đã phấn khởi thông báo như vậy khi Nhật Chiêu mới chỉ viết đến truyện thứ năm.
Lâu nay truyện ngắn vẫn thường được cho là gần gũi với đời sống vì cách thế xuất hiện và tồn tại của nó gắn với báo chí và vì cái văn bản bé nhỏ (cùng bề dày truyền thống chứa đựng hiện thực) của nó đã làm người ta liên tưởng đến những hình thức thông tin (trong khi văn bản lạ lẫm của thơ, và văn bản trang trọng của tiểu thuyết không khiến người ta nghĩ vậy), và viết truyện ngắn là cách thế thông thường để nhà văn tuyên bố việc mình tham dự vào đời sống.
Nhưng đọc truyện ngắn Nhật Chiêu chúng ta không cảm thấy điều đó. Ông không kể những câu chuyện nhân thế, từ chối sắp đặt những quan hệ xã hội và những bi kịch tâm lý. Các nhân vật của ông không có địa chỉ cư trú, không có được một cái tên cho dễ nhớ (ngược lại, đâu đây lại có nhân vật khẳng định rằng chỉ có một cái tên thôi thì chưa đủ nói lên ý nghĩa hiện hữu của hắn). Không biết họ đang ở thời đại nào. Không thể biết được họ sống ra sao, đi đứng ra sao, thậm chí cách thức họ sinh hoạt thường nhật chúng ta cũng không biết. Những nhân vật hoàn toàn không có sử tính. Chúng ta chỉ biết tương đối rõ ràng một phương diện của họ, là cách nói năng, đối đáp.
Vâng, chính cái cách lên tiếng của các nhân vật trong truyện ngắn Nhật Chiêu làm nên sự khác biệt lớn. Không phải là ngôn ngữ của hôm nay, cũng không chắc của ngày hôm qua dù không khí cổ kính đậm đặc bao quanh; nhưng nếu ngôn ngữ đó là của ngày hôm qua thì có vẻ như nó đang được hiện tại hóa và tương lai hóa. Ngôn ngữ đó dựa trên một thứ văn phạm mới lạ, chỉ để biểu đạt những ý niệm siêu việt, những thực tại tinh thần. Ngôn ngữ là mái nhà của các nhân vật, các hữu thể. Mối tương đồng duy nhất giữa các nhân vật trong truyện ngắn Nhật Chiêu và con người xã hội là ngôn ngữ, (hay cái vỏ ngôn ngữ?).
Thật ra trong truyện ông thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp một số đồ vật khác do con người xã hội làm ra. Thang máy, chẳng hạn. Nhưng thang máy nào vậy? Thang máy không đưa đến tầng lầu nào mà mở ra một bóng tối ướt lạnh. Có khách sạn. Nhưng đó là khách sạn nằm ẩn giữa rừng, hoặc nằm trên đồi nhưng lại biến mất chỉ sau một cuộc đi dạo. Có ăn, nhưng là ăn gió, ăn từng miếng bóng của mình bẻ ra từ trong gương. Có biển, nhưng biển không xanh mà có màu rượu vang. Chỉ là vài ngấn vết thực tại vay mượn nhưng đã sớm bị thay đổi “chức năng” để kịp tham gia vào một cuộc đời (cuộc chơi) khác.
Có thể nói Nhật Chiêu tránh né yếu tố phi hư cấu chẳng khác nào những con người đức hạnh, vì tuân theo mệnh lệnh vô kiện của Immanuel Kant, tuyệt đối không nói dối (hay hư cấu) bất luận trong hoàn cảnh nào. Như vậy, triết gia cổ đại Plato có sống dậy cũng không thể làm gì được tác giả của tập truyện ngắn này. Vì không những không phạm tội hai lần rời xa thực tại như triết gia từng tố cáo các nhà thơ ở thành Athens, Nhật Chiêu còn tự mình làm ra một thực tại mới mẻ khác. Ông là nguyên khởi của mọi sự: các môtíp gió, cá, lá, bầu vú; các cặp tương phản trinh bạch – nhục thể, sống – chết, tinh khôi – già cỗi, bản chất – hiện tượng, người lớn – trẻ nhỏ…trên nền của không gian và thời gian hư cấu.
Ông viết thật tự do, vượt qua mọi biên thùy từng giam giữ (hoặc thách thức) những tài năng. Ông viết trong ý thức về khả tính vô hạn của nghệ thuật nói chung, và truyện ngắn nói riêng, với một phương tiện duy nhất có trong tay: ngôn ngữ. Không có một câu chuyện rành mạch. Đọc xong không thể tóm tắt lại được. Mỗi truyện là một tác phẩm được dệt nên chủ yếu bằng ngôn từ thuần túy, đúng như ông viết: bạn đang đọc chữ, không có gì ngoài chữ, ngoài thế giới của ngôn từ, một thế giới bất xác, biến ảo như mây. Và nữa: …Con có biết con người đặt ra tiếng nói để làm gì không? Không chỉ để con người nói với nhau, mà còn để chúng ta nói thay cho cá, cho chim, cho chiếc đèn, cho hoa cúc, cho búp bê…
Ngôn ngữ không còn là tạo phẩm viên thành, mà là suối nguồn sinh nở. Chữ dẫn dắt chữ. Lời dẫn dắt lời. Ý tưởng lôi cuốn ý tưởng. Tâm viên ý mã. Cũng vì vậy, khi đọc hết truyện rồi chúng ta không có cảm giác yên ổn vì những giòng chữ cuối cùng như còn đang khai mở một ý nghĩa nào đó… Bằng và chỉ bằng ngôn ngữ, Nhật Chiêu tha hồ đùa chơi xây dựng những cái khả hữu, những thể nghiệm của đời sống tinh thần. Một việc làm tưởng như hiển nhiên nhưng không phải người cầm bút nào cũng nhớ, để rồi mặc cho một thế giới ngoài ngôn ngữ tràn lên xóa tan những kết cấu sáng tạo đầu tiên của mình. Nhật Chiêu đặt nền móng kỳ ảo ngay từ những câu đầu tiên của truyện và cứ thế đi đến cuối truyện, không phút lơ là. Trọn vẹn. Thuần túy.
Tràn ngập lý tính, một thứ lý tính không qui ước, không thuộc về hệ thống nào, có lẽ là lý tính thuở ban sơ khi chưa vướng vào những cái cụ thể, một lý tính tổng hợp, truyện ông do vậy rất thường khi gây khó hiểu. Nó không chứa đựng những giải đáp (làm sao giải đáp được với một lý tính như vậy?) cho một vấn đề nào đó mà trái lại, đâu đâu cũng thấy những điều bất xác, nghi hoặc, tra vấn (thậm chí có truyện từ đầu đến cuối chỉ toàn những câu hỏi, truyện Nàng đi đâu?…). Viết không nhằm trả lời một câu hỏi đã đành; viết với Nhật Chiêu là tìm cách đặt câu hỏi. Liên tục hỏi. Không bằng lòng với một câu trả lời nào. Dường như chỉ có hỏi mới làm cho ngôn ngữ luôn tươi mới, nếu không, ngôn ngữ sẽ chỉ còn là những cái vỏ xơ xác. Mặc khác, trước dòng sông Heraclitus không ai có thể tắm được hai lần kia, chỉ có những nghi vấn không ngừng may ra mới xuôi kịp theo sự lưu chảy liên lỉ của nó.
Nói, và hỏi không thôi. Đó là hành động để các nhân vật sống sót trong thế giới của Nhật Chiêu. Điều vui thú là những câu hỏi nghiêm trọng đó được con người, con vật, hình bóng, sự vật “buột miệng” nói ra như không, chẳng khác nào một đứa bé mở to mắt bi bô trước bao hiện tượng lạ lùng của đời sống. Dường như đó là những câu hỏi bị bỏ quên, như Edmund Husserl vào năm 1935, ba năm trước khi ông mất, lên tiếng cảnh báo châu Âu sẽ gặp khủng hoảng nghiêm trọng về tinh thần vì bỏ quên vấn đề hữu thể (being).
Với ngôn ngữ Nhật Chiêu, người đọc có thể tìm thấy những dòng đẹp nhất viết về cái đẹp phụ nữ, đặc biệt là bầu vú, một biểu tượng của tính nữ: Đôi môi của Ka như một con cá đang bơi trong cái bể êm ái của làn da hồng hồng. Và cái bể xinh đẹp ấy cũng có đồi cao, lũng thấp, khe lạch, và cả đám rong đen huyền mềm mại nữa. // Đôi bầu vú trinh nguyên của nàng bất ngờ xoay ngửa, trông như hai chiếc lều du tử trắng ngần hiện ra trong nắng gió sa mạc. Trên mỗi chóp đỉnh là cái nụ nhỏ, chơm chớm hồng, mòng mọng như chưa đầy bí ẩn mật hoa. // Một thân mình quá ư kiều diễm, tuôn đầy cái đẹp óng mịn như một thác nước ẩn mật. Đẹp từ triền dốc nõn nà bờ vai đến chiếc rốn nhỏ nhắn hé nở như một nụ hoa trinh bạch. Đẹp nơi cái lườn mềm mại từ bên ngực lượn xuống hông và thắt đáy nơi cái eo xinh xẻo mê hồn, cầu trượt dẫn xuống một mê lộ, một linh từ thấp thoáng giữa lông nhung. Chúng ta có cảm tưởng tác giả nắn nót từng chữ để tô đậm cái đẹp đang phai mờ, mấp máy môi chào đón cái đẹp đang muốn bỏ đi mất, những ngón tay đang run rẩy vớt từng đường nét của cái đẹp chìm dưới làn nước, lập ra những chỗ trú ẩn lạ thường cho nó, để đánh lừa những cuộc săn lùng phàm tục.
Nhưng trước khi đi vào với tầng thứ hai của truyện, như có thể cả nghĩ ra trên đây, người đọc vẫn tìm thấy sự thích thú với truyện ngắn Nhật Chiêu ở những mặt khác.
Truyện là cái cớ để tác giả tưởng tượng, và người đọc tha hồ tưởng tượng theo tác giả. Người đọc có thể dừng lại ở bất cứ chỗ nào để trầm ngâm với một câu nói, một câu hỏi, một ý tưởng, một ẩn dụ, một cách ngôn minh triết…
Không để ý tới cái bề ngoài đồng phục nghiêm chỉnh của văn xuôi thường thấy, ông mặc cho truyện của ông những bộ cánh mới thoáng mát, thoải mái: những con số, những dấu hỏi, những đường hình học, những hình vẽ, những câu đối thoại tối giản, liên tưởng tự do, cắt dán liên văn bản…Điểm độc đáo là gần như truyện nào cũng có thơ: phải chăng sự kỳ ảo phi thực giăng đầy khắp truyện lôi cuốn đánh bẫy thơ vào, hay đây là thủ pháp của tác giả?
Truyện của ông là một hợp thể của văn xuôi, thơ, triết học, kinh nghiệm huyền học, thần bí, lãng mạn, siêu thực… Và niềm vui thú đọc truyện ông là niềm vui thú chứng kiến sự sinh thành của một cái gì mới mẻ táo bạo, sự thể hiện tự do sáng tạo, tinh thần vô úy và tự tín. Đó còn là niềm vui thấy nghệ thuật đang ở trên đường với người nghệ sĩ một mình đi không ngoái lại, chỉ có gió để ăn, chỉ có chữ để hy vọng.
Là người từng mê đắm với thơ haiku Nhật Bản, có lẽ một lần nữa Nhật Chiêu tìm thấy nơi cái tối giản (minimalist) của truyện ngắn một viễn tượng mới cho những nỗ lực nghệ thuật không mệt mỏi của ông.
Nguồn: MAI SƠN
Lời bạt trong tập truyện ngắn Người ăn gió và Quả chuông bay đi
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn