Giới thiệu sách Mẹ Vắng Nhà
Mẹ vắng nhà là tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Thi, được viết vào tháng 6.1966, từ chuyện có thật của mẹ con chị Út Tịch ở Trà Vinh. Đó là thế giới tuổi thơ của 5 chị em con Bé tự chăm sóc nhau ở nhà trong khi mẹ Út Tịch, một du kích nổi tiếng, phải thường xuyên xa nhà đi đánh giặc. Hình ảnh con Bé hay leo lên ngọn dừa ngóng tin mẹ rồi giả bộ làm cô giáo dạy học cho các em, dù mình chưa biết chữ, để dỗ dành các em… đọng lại trong lòng người đọc.
“Con Bé chờ nghe tiếng súng nổ. Từ sáng tới giờ nó đã leo lên đó mấy lần. Bốn đứa em đứng dưới nhóng tin chị. Thằng Hiển vẫn cởi truồng, đứng giạng chân, nghiêng cổ dòm. Con Anh lớn hơn một chút, bắt chước chị, leo lên cây bình bát mé rạch, ngửa cái cổ rám nắng và cái cằm như núm cau nhóng lên. Con Thanh cao hơn con Anh một cái đầu, nhúm tóc chóp đuôi bò của nó kẹp nhóng sau gáy, nó đang ráng sức bồng thằng em út và chỉ tay lên cái bóng chị cao tít tắp trên ngọn dừa như một con chim, để dỗ em”. Những lúc đó, đàn em thường nhóng cổ lên hỏi: “Thấy má chưa chị Hai?”. Còn với lớp học thì: “Con Bé hiểu ý đàn em, nó gom tất cả lại, nói: – Bây giờ chơi đi học, nghen! Đứa nào học giỏi mai mốt má cho đi học thiệt. Thằng Hiển nhảy tưng tưng, nhúm tóc vàng hoe tròn ủm của nó phập phồng như đang thở: – Em học giỏi nghen chị, má cho em bắn chóc đùng! Con Anh giơ cái cằm núm cau ra: – Em học giỏi hơn nó, em được đi học trước – Ừ, cho đi hết. – Con Bé gật đầu với cả ba đứa”.
Sau khi viết xong câu chuyện này, năm 1968, trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhà văn Nguyễn Thi đã hy sinh, không kịp biết rằng Mẹ vắng nhà sau đó đã được bạn đọc đón nhận như thế nào.
Mời bạn đón đọc.