Giới thiệu sách Truyện Ngắn Hay Về Chiến Tranh (Tập 3) – Văn Chương Một Thời Để Nhớ
Truyện Ngắn Hay Về Chiến Tranh (Tập 3) – Văn Chương Một Thời Để Nhớ:
Vừa lộn xộng, vừa quá mệt mỏi, bọn lính dù ngụy đã quên hoặc cố tình quên mọi sự quy định, không đưa thương binh bị bắt vào sở chỉ huy căn cứ ở Mường Thanh để cho các sĩ quan phòng nhì kịp thời khai thác tài liệu. Chúng khiêng thương binh bị bắt về thẳng căn cứ của đại đội, đóng bên sông Nậm Rốn. Chỉ huy trưởng đại đội, là một viên trung uý hai mươi bốn tuổi. Anh ta cùng đơn vị thất trận trở về, lê đi không nổi đôi giầy nhảy dù đã bê bết bùn đất. Bộ quần áo trận tả tơi cũng như nhuộm đầy bùn. Chiếc mũ sắt cầm lỏng nơi tay, tóc rũ rượi, anh ta bước vào lều bạt gieo mình xuống một chiếc giường vải. Đầu óc anh ta hỗn loạn đủ trăm nghìn tiếng nổ. Tròng mắt anh ta còn tràn ngập máu người và ngùn ngụt lửa khói… Toàn thân rã rời và ớn lạnh, anh ta nhăn mặt, cố quên đi, cố xua đuổi mọi nỗi hãi hùng.
Nhưng lũ lính đã vào báo cáo có một tù binh, một thắng lợi phẩm.
Quát lên một câu chửi thề tục tĩu, mắt ngầu đỏ, anh ta đuổi lũ lính đi, rồi úp mặt xuống chiếc chăn dù để cố ngủ, cố quên đi tất cả. Nhưng lát sau, biết không thể không giải quyết sự vụ này, anh ta đành phải gượng ngồi dậy:
– Cho nó vào đây xem sao!
Mấy tên lính đem chiếc cáng thương tới. Vén lá bạt, viên trung uý mệt nhọc cau có miễn cưỡng bước ra.
Trên cáng vải, một người đang nằm thiêm thiếp. Một người mảnh dẻ, và cũng trạc hăm bốn, hăm lăm, gương mặt xanh mét vì sốt rét rừng và cả vì mất máu, mái tóc bết đất bùn, hai chân anh mang một đôi giầy vải cũng đầy bùn. Chiếc trấn thủ cũ đẫm máu và đã bị mảnh đạn xé tan thành nhiều mảnh.
Viên trung uý bỗng sững người. Đôi mắt hơi lồ của anh càng như lồi thêm ra. Cái miệng và đôi môi khô trắng há hốc, anh ta thở gấp. Rồi hấp tấp tiến lại, quỳ xuống, vội vã lục lọi các túi áo của người thương binh. Hai bàn tay trắng trẻo, ngón dài như búp măng – tay của những chàng trai yếu ớt và được nuôi dưỡng khá đầy đủ – dường như run lên vì quá hồi hộp. Những mảnh giấy đã sũng nước và nhoè nhoẹt bùn non.
Nguyễn Văn Di
Sinh năm: 1930. Quê quán: Nghi Tàm – Hà Nội
Đại đội phó đại đội 3 – tiểu đoàn 4 – trung đoàn Tam Đảo. Đại đoàn Thép.
Viên trung uý đứng sững…”.
Mục Lục:
Ký ức chiến tranh
Ngày cuối cùng của chiến tranh
Tiếng rừng
Hai mươi năm sau
Mai
Hoa rừng
Chiếc lược ngà
Chuyện người thổi sáo ở bến xuân
Im lặng
Mảnh vỡ của đàn ông
Người đàn bà
Làng lở
Rừng xà nu
Hai người đàn bà xóm trại
Truyền thuyết về Quán Tiên
Mùa mưa đến sớm
Có một đêm như thế
Chiếc guốc xinh xinh
Truyện rất khó viết
Họ đã trở thành đàn ông
Người đàn bà sau chiến tranh
Hai anh em
Huyền thoại
Hai người trong thành phố.
Mời bạn đón đọc.